Bộ Giao thông Vận tải ban hành công điện khẩn ứng phó với cơn bão số 6

10/11/2019 16:29 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan về ứng phó với cơn bão số 6 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ứng phó với bão số 6: Bình Định sơ tán gần 10.000 dân đến nơi an toàn

Ứng phó với bão số 6: Bình Định sơ tán gần 10.000 dân đến nơi an toàn

Đến trưa 10/11, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão. Ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn chưa triển khai di dời dân, còn lại tất cả 9 huyện, thành phố khác trong tỉnh Bình Định đều đã đưa dân đến nơi an toàn.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 6 để chủ động phòng tránh. Đài thông tin Duyên hải thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Chú thích ảnh
Lực vũ trang giúp người dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn di dời tài sản lên chỗ an toàn. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

"Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của cơn bão để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm; phối hợp hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục hậu quả mưa, bão và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình.

Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, sạt lở; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, bão gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như: tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.

Các Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt... tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão gây ra; phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương.

Quang Toàn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm