Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chính sách ứng phó với dịch COVID-19

18/03/2020 23:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch COVID-19.

Hà Nội: Học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 5/4, kích hoạt hệ thống giám sát người cách ly qua điện thoại thông minh

Hà Nội: Học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết ngày 5/4, kích hoạt hệ thống giám sát người cách ly qua điện thoại thông minh

Đó là thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID -19 thành phố Hà Nội tổ chức tối 18/3.

Theo nội dung công văn, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tích cực, đã đạt được những kết quả bước đầu. Bộ đã ban hành kịp thời 22 văn bản chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục đại học thực hiện phòng và chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ, thường xuyên liên lạc (hằng ngày) với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học để cập nhật thông tin và có chỉ đạo kịp thời. Bộ đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó, lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách, giải pháp, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ để đồng hành, giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Một số cơ sở đào tạo có chính sách ưu đãi, giảm 15-20% học phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên để chia sẻ gánh nặng với người học, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên và phụ huynh. 

Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch COVID-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác. Mặc dù học sinh, sinh viên không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho cán bộ, giảng viên, giáo viên, chi phí đầu tư xây dựng, khấu hao, thuế, các chi phí khác…, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bình quân từ 15-20 tỷ đồng/tháng cho mỗi trường đại học ngoài công lập.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài như hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và các giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục hậu quả đồng bộ từ Chính phủ. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân. 

Chú thích ảnh
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Cụ thể, miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và II/2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.

Chi phí hoạt động bao gồm tiền lương, bảo hiểm, chế độ khác của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50 - 60%) ngân sách. Để giảm bớt chi phí hoạt động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II/2020.

Chú thích ảnh
Các bài giảng trên truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy, góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm học 2019 - 2020. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Hiện nay, Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, nhưng chưa đề cập đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo nên các cơ sở giáo dục không thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người mà vẫn truyền đạt được kiến thức cho người học. Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh COVID-19. Mức hỗ trợ áp dụng trên đầu học sinh hiện có và theo số lượng phòng học, điểm trường theo phân cấp ngân sách.

Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung nhằm khuyến khích, đa dạng phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với điều kiện dịch bệnh và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong ngành giáo dục để tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và kịp thời đề xuất các giải pháp.

Việt Hà 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm