Bí mật về những siêu đồng hồ Richard Mille

01/03/2016 08:17 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Siêu nhẹ. Siêu bền. Siêu đắt. Đó có thể là ba tính năng nổi bật nhất của những chiếc đồng hồ Richard Mille.

Hoạt động trên thị trường trong hơn một thập kỷ là khoảng thời gian khiêm tốn so với nhiều thương hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ, nhưng khoảng thời gian ấy đủ để đưa Richard Mille lọt Top những thương hiệu đồng hồ xa xỉ nhất thế giới, với những thiết kế táo bạo và mức giá… cũng táo bạo không kém.

Từ khi ra mắt thương hiệu năm 2001, đặc biệt là trong 2 năm qua, việc sở hữu một sản phẩm của Richard Mille luôn là niềm mơ ước của những người mê đồng hồ. Thành công của nhãn hàng này phải kể tới sự nổi tiếng của dòng sản phẩm Royal Oak, một minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của phân khúc thị trường đồng hồ siêu sang.

Tuy vậy, những gì Richard Mille làm được những năm đầu thế kỉ 21 còn nhiều hơn thế: Họ đã đưa khái niệm đồng hồ thể thao cao cấp tiến thêm một bước dài. Nhanh nhạy nhìn ra khả năng phát triển, theo cả hướng thiết kế độc đáo cũng như giá cả, Richard Mille đã dần mở rộng, với doanh thu trung bình năm tăng 15-20% và mỗi năm hãng đều tung ra thị trường khoảng 3.400 đồng hồ.


Ông Chủ Richard Mille (cũng là tên hãng) và gương mặt đại diện Rafael Nadal

Khi cái giá cho mẫu mã “rẻ nhất” rơi vào khoảng 54.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng), những con số đã tự nói lên lợi nhuận và tiềm năng của phân khúc thị trường này. Và chiếc đồng hồ RM 56-02 Sapphire Tourbillon của hãng có giá tới 2,2 triệu USD, gần 60 tỷ! Máy chỉ nặng 3,5gr.

Tất nhiên, đằng sau thành công của một mẫu đồng hồ, ngoài sự nổi tiếng sẵn có của thương hiệu, chiến lược tiếp thị và quảng bá hiệu quả, không thể không nhắc đến chất lượng thực của sản phẩm, mà cụ thể ở đây là quá trình thiết kế và chế tác vô cùng cầu kỳ và tinh xảo.

Thực ra thì ngay từ thế kỷ 18, các nhà sản xuất đồng hồ hầu như đã không tự mình sản xuất mọi chi tiết. Thay vào đó, họ cũng làm như Richard Mille hiện nay, làm việc với rất nhiều nhà cung cấp và đối tác, trong một hệ thống hợp tác phức tạp.

Sự hợp tác giữa họ thường ở dạng đồng sở hữu. Trong trường hợp của Richard Mille, những công ty chủ chốt trong hệ thống đồng sở hữu gồm Horometrie SA, Valgine, Audemars Piguet Renaud et Papi (APR & P), bên cạnh ProArt và Vaucher Manufacture Fleurier.


FIFA cấm đeo đồng hồ lúc thi đấu, nên Neymar chỉ khoe nó lúc họp báo

Horometrie SA là pháp nhân của Richard Mille. Công ty này sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động quản lý thương hiệu cũng như các ý tưởng mà chính Richard Mille và đội ngũ thiết kế và kỹ sư của mình đưa ra.

Khi đến giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng, phần việc thuộc về Valgine SA, một nhà cung cấp bên thứ 3, thường hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau với tư cách “đối tác im lặng”. Valgine SA có thể cung cấp những bộ phận đơn lẻ hoặc sản phẩm hoàn chỉnh gắn mác Richard Mille (hoặc những thương hiệu khác).

Một cổ đông khác là Audemars Piguet Renaud et Papi (APR & P), đơn vị chịu trách nhiệm chế tác một vài chi tiết phức tạp nhất trong các thiết kế của Richard Mille. Mặt khác, Vaucher Manufacture Fleurier đảm nhận khâu thực hiện những phần máy đơn giản hơn còn ProArt (thuộc Richard Mille Group) chế tác phần vỏ, tấm lót bộ máy hoạt động và một số bộ phận khác.

Chính thức hoạt động từ tháng 4/2013, Richard Mille thành lập ProArt sau khi mất đi nhà cung cấp vỏ đồng hồ Donzé Baume (bị tập đoàn Richemont mua lại). Để ngăn chặn vấn đề này lặp lại trong tương lai, và cũng vì hãng cần một nhà cung cấp có khả năng thích nghi nhanh chóng với các yêu cầu đã dạng, Richard Mille đã thành lập ProArt.

Nằm trên khu đất rộng 3.000m2, ProArt là cơ sở cực kỳ hiện đại, với đầy đủ những máy móc tiên tiến nhất. Đây cũng là nơi chế tác vỏ đồng hồ sử dụng những chất liệu đặc biệt như carbon NTPT, loại vật liệu siêu cứng, từng được sử dụng làm cột buồm cho chiếc thuyền chiến thắng cuộc đua America’s Cup.

Nhắc đến carbon NTPT vì nó thể hiện rõ nét nhất những khó khăn và thách thức mà hầu hết nhà cung cấp bên ngoài không thể vượt qua. Sở hữu khả năng chống sốc, cường lực và gần như rất khó bị trầy xước, loại vật liệu siêu bền này cần tới những máy móc chuyên dụng để xử lý, trong bối cảnh các công cụ cắt truyền thống đã “chào thua”.

Đối với một thương hiệu hướng tới sự sáng tạo như Richard Mille, họ có thể khắc phục những thách thức như vậy, nhờ phát triển những vật liệu và quy trình mới. Và theo tình hình chung, dù ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã và sẽ luôn tự hào về truyền thống của mình, mọi người cũng phải công nhận rằng những tiến bộ công nghệ mới là chiếc chìa khóa để họ tiếp tục thành công trong tương lai, dù xét về sản lượng hay sự tinh xảo của sản phẩm cuối cùng.


Dương Tử Quỳnh cũng là hiện thân của sự bền bỉ, sức mạnh mà quý phái

Nói cách khác, đây là một cuộc chạy đua công nghệ giữa các thương hiệu lớn, nhỏ trong quá trình tìm ra những giải pháp tăng cường độ bền, tính chính xác và thẩm mỹ của chiếc đồng hồ.

Một minh chứng khác cho tính hiệu quả của xưởng ProArt là RM27-01 Rafael Nadal, một trong những mẫu đồng hồ nhẹ nhất thế giới, sở hữu bộ máy độc đáo với phần thân vỏ siêu nhẹ, siêu bền.

Xưởng ProArt còn là trụ sở của APR&P, bộ phận chịu trách nhiệm thiết kế những bộ máy đồng hồ tinh xảo, có chiếc trọng lượng chỉ 3,5 gam, nằm“lơ lửng” bên trong lớp vỏ và được cố định bởi những sợi cáp kim loại trong suốt.

Cách đó không xa là trụ sở của Richard Mille, nơi ngoài việc hoạt động như một văn phòng bình thường còn là điểm tập kết và lắp ráp các bộ phận như vỏ (từ Pro Art), máy (từ APR&P hoặc Vaucher). Trên thực tế, mọi mẫu đồng hồ của hãng, dù phức tạp tới đâu, đều được đưa ra thị trường từ đây, sau khi trải qua phần lắp ráp, chạy thử nghiệm hay sửa chữa.

Có thể nói rằng những gì khiến Richard Mille nổi bật so với hầu hết những thương hiệu khác trong ngành không chỉ là liên tục nỗ lực tìm kiếm ý tưởng mới mà còn vì thực tế rằng họ đủ “điên cuồng” để nghiên cứu và hiện thực hóa những điều tưởng như không thể.

Đổi lại, phần thưởng dành cho Richard Mille là họ được quyền tự do định giá sản phẩm của mình cũng như hình thức cung cấp. Sau hơn một thập kỷ hoạt động, nói không ngoa khi Richard Mille đã qua mặt nhiều nhà sản xuất đồng hồ truyền thống tiếng tăm. Tự họ đã vẽ ra con đường của riêng mình, luôn đột phá với những bộ đếm thời gian tinh xảo và độc đáo.

Chiếc Richard Mille RM 27-01 này được Nadal đeo chính là đồng hồ đeo tay nhẹ nhất thế giới với trọng lượng chỉ 19gr, và có giá khoảng 16 tỷ đồng.

Hiện đã có 19 cửa hiệu đồng hồ chính hãng Richard Mille trên toàn thế giới. Và cửa hiệu thứ hai sẽ được mở ngay tại Hà Nội trong thời gian tới. Ở khía cạnh khác, Việt Nam rõ ràng đã trở thành điểm đến của những thương hiệu đắt nhất thế giới.

Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm