Bí mật kinh điển của chiếc kính đen

01/12/2015 11:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Tới Chicago còn 106 dặm nữa, bọn tôi còn đủ xăng, nửa bao thuốc lá, trời tối rồi, và bọn tôi đeo kính râm” - lịch sử điện ảnh ít có câu nào toát ra vẻ ngang tàng như vậy, không chỉ vì nó làm cho hai diễn viên Dan Aykroyd và John Belushi thủ vai anh em Blues trong phim hài cùng tên nổi tiếng thế giới, mà còn là bước đột phá cho chiếc kính râm vốn chỉ dùng cho người đau mắt.

Thậm chí trong năm 1986

… nghĩa là đã 6 năm sau khi công chiếu bộ phim có cảnh săn đuổi ô tô hoành tráng nhất trên màn bạc, hãng Bausch & Lomb vẫn bán được 1,5 triệu chiếc kính đen dòng “Wayfarer” như anh em Blues đeo trong phim - một thành công thương mại không ai dám mong đợi từ hai miếng kính con con.

Cho tới thời điểm phim ra rạp, cả thế giới mới chỉ mua có 18.000 chiếc, và kính râm chưa bao giờ được coi là một phụ kiện thời trang, mà chỉ đơn giản làm nhiệm vụ chống nắng. Ánh mặt trời quá mạnh không tốt cho mắt, điều đó thì hoàng đế La Mã Nero đã biết.


Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg

Ông quan sát các trận đấu của nô lệ qua một viên ngọc lục bảo cho đỡ chói. Người Eskimo cũng biết cách hạn chế ánh nắng phản chiếu rực rỡ trên nền tuyết bằng cách chế ra một chiếc “kính tuyết” - một mảnh xương hải cẩu có đục lỗ.

Sách sử châu Âu ghi lại, khoảng thế kỷ 15 người ta biết dùng kính nhuộm màu bằng hổ phách. Thế kỷ 19, một số kỹ sư quang học như Carl Zeiss hay Josef Rodenstock thử nghiệm và sản xuất số lượng lớn kính râm cho vận động viên thể thao hay người đau mắt.

Để nó trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, có lẽ công đầu thuộc về giới quân sự Mỹ, hay gọi đích danh là thiếu tướng không quân John MacCready. 1929 ông đề nghị công ty chế tạo dụng cụ quang học y tế Bausch & Lomb làm gì đó chống lại ánh nắng cho các phi công. Vào thời điểm đó, máy bay phản lực đã bay khá cao, và người lái thường than phiền vì buồn nôn và chảy nước mắt.


Dan Aykroyd và John Belushi trong "The Blues Brothers"

Bausch & Lomb

… cho ra đời dòng kính Aviator (phi công), và đó là khởi đầu kinh điển để từ đó nó mang tên “kính phi công” của Ray Ban. Tuy thương hiệu Ray Ban mãi đến 1937 mới được một công ty con của Bausch & Lomb sử dụng, John MacCready vẫn là cha đẻ của cái tên đơn giản đó, vì ông dùng nó trong công văn gửi tới công ty: Ban (chặn) và Ray (tia).

Ray Ban hôm nay nằm trong tổ hợp Luxottica Group, một trong những hãng sản xuất kính lớn nhất thế giới. Dòng kính Aviator và Wayfarer từ xưa đến nay vẫn là thương hiệu bán chạy nhất của họ, được coi là đồng nghĩa với “phong cách Mỹ” và hiếm người của công chúng nào muốn từ chối trợ lực từ hai miếng kính (hay nhựa) con con đó.


Ông Putin và ông Muammar al-Gaddafi

Tướng không lực Hoa Kỳ Douglas McArthur không rời Ray Ban trong chiến tranh Thái Bình Dương. Winston Churchill đeo nó, Tổng thống Eisenhower cũng vậy. Và sau Thế chiến 2 thì Ray Ban chiếm lĩnh cả châu Âu. Ai đeo Ray Ban, người đó trong tiềm thức muốn có chút hào quang của bên thắng trận?

Cả giới trí thức cũng sa chân vào vòng xoáy của Ray Ban. Chẳng hạn văn sĩ Arthur hay  tổng thống xấu số John F.Kennedy. Cô đào Marilyn Monroe giấu cặp mắt buồn bã của mình sau cặp kính Aviator. Các fan ruột khác cũng có tên tuổi vang dội như Tom Cruise, Patti Smith, Madonna, Peter Fonda…

Cuộc sống kinh tế đi lên

…và người Âu cớm nắng đua nhau du lịch xuống phía Nam, tới Italy hay Tây Ban Nha, thậm chí sang châu Á. Và ai đủ tiền đi xa, người đó cũng mang trên mũi ước mơ cháy nắng: không phải ngẫu nhiên mà các dòng kính râm nữ hồi đó mang địa danh du lịch ngập tràn ánh dương như Parma, Donna hay Florida, và công nghiệp quảng cáo tìm bằng được các ngôi sao đại diện cho nó.

Mở xem tạp chí cũ, ta thấy các minh tinh như Gina Lollobrigida, Sophia Loren hay Brigitte Bardot, sau họ Greta Garbo hoặc John Lennon, hiếm khi rời phụ kiện bé xíu đắt giá của mình. Một số nhân vật sẽ không được nhận ra nếu thiếu kính râm. Ví dụ ca sĩ Elton John, hay Bono của U2, người thổ lộ là kính râm đối với ông là giày đối với Imelda Marcos (bà vợ cố Tổng thống Philippines với cả ngàn đôi giày).


Tài tử Tom Cruise

Hôm nay thì kính râm đã có vị trí bất khả xâm phạm, không chỉ trong giới thời trang, cũng vì nghệ thuật thứ 7 chăm chỉ mang nó đi khắp thế giới. 1961, khi Marcello Mastroianni đeo kính Persol trong phim Divorzio all’ italiana, doanh số của Luxottica Group chợt tăng vòn vọt. Ornella Muti những năm 1980 không thể thiếu Persol, như điệp viên 007 Daniel Craig trong Casino Royale.

Cũng phải nói thêm là tuy trong phim có nhiều vai chính diện lẫn phản diện đeo kính đen, từ tướng cướp tới cảnh sát, nhưng ngoài đời có một nghề kiêng thứ phụ kiện này: chính khách phe dân chủ. Họ sợ bị xếp cùng hàng với các nhân vật mang ít thiện cảm khác nhưng cũng yêu kính đen như Idi Amin (Uganda), Muammar al-Gaddafi (Libya), Kim Jong Il (Triều Tiên)...

Đầu thế kỷ 21

…dấy lên làn sóng hoài cổ, và “kính phi công” của Ray Ban lại ào ào thu tiền. Phụ nữ ước ao được cool như Carrie Bradshow trong Sex an the City, chạy ra phố mua cây kem cũng phải đeo Aviator.

Đàn ông khoái kính đen như một bước dò dẫm vào thế giới xa xỉ mà trong muôn vàn lựa chọn thì Ray Ban trước sau vẫn có trọng lượng đáng kể nhất. Ngẫm cho kỹ, cũng là chuyện đáng ngạc nhiên đối với một công ty thời trang mà lại chưa bao giờ thay đổi phong cách, thậm chí cả dòng tên trên góc kính. Phải chăng đó là bí quyết thành công: tiện dụng và cương quyết không mang dấu ấn thời gian?

Dĩ nhiên, đâu có thành công thì đó cũng có khối kẻ ăn theo. Prada hay Lagerfeld, Milano hay Paris, Porsche hay Burberry, chẳng tên tuổi nào quá ngượng để véo một góc của chiếc bánh lớn.

Đó là chưa kể hàng triệu chiếc kính rẻ tiền mua ở vỉa hè. Nhưng dù có ít nhiều biến cách, dù gọng to để in logo hay tráng gương và gắn hột xoàn, đâu đó vẫn lộ ra ngôn ngữ của Ray Ban.

Hè vừa qua, Ray Ban lại đun nóng chiến dịch quảng cáo “Never Hide” với sự phục hồi dòng Ambermatic, thành công vang dội của 1978, nhưng kèm tác dụng đổi màu theo độ sáng và độ nóng. Liệu anh hùng không lực John MacCready có thích nó không, chẳng ai biết, nhưng nhất định có khối kẻ bỏ tiền mua thêm một chiếc cho đầy ngăn kéo kính đen chưa dùng quá ba lần.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm