23% số người chết trên thế giới liên quan đến 'ô nhiễm môi trường'

15/03/2016 16:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết ước tính gần 1/4 trường hợp tử vong trên thế giới trong năm 2012 có liên quan đến môi trường với nghĩa rộng dàn trải từ nguyên nhân ô nhiễm không khí, nước, đất, đường sá thiếu an toàn và trầm cảm tại nơi làm việc.

Theo WHO, trong năm 2012 có 12,6 triệu người chết do ô nhiễm không khí, nước và đất, biến đổi khí hậu, nhiễm hóa chất và tia cực tím UV. Tai nạn giao thông, một trong những hậu quả của môi trường xuống cấp, cũng gây ra 1,7 triệu người chết trong năm 2012. WHO nêu rõ tình trạng đường sá xuống cấp do thiên tai và môi trường đã dẫn đến tai nạn giao thông.

Bệnh tiêu chảy, đứng thứ 6 trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong liên quan đến môi trường, khiến 846.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Trong khi đó, tự tử đứng thứ 10 danh sách này. Theo WHO, những người tự tử đã tìm đến cái chết bằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.


Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan. Ảnh: AFP

Ngoài ra, có khoảng 8,2 triệu ca tử vong do các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến môi trường như tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh hô hấp.

Năm 2002, WHO đã công bố danh sách 10 nguyên nhân hàng đầu gây chết người liên quan đến môi trường, trong đó có tự tử và tai nạn giao thông. WHO cho rằng quản lý môi trường tốt sẽ cứu sống mỗi năm khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,9 triệu người già.

Năm 2002, số người tử vong do môi trường chiếm 25% tổng số ca tử vong, so với tỷ lệ 23% năm 2012. Sau 10 năm, tỉ lệ tử vong do môi trường đã giảm, tuy nhiên với tốc độ dân số tăng nhanh, số người tử vong cuối cùng vẫn rất cao.

Khu vực Đông Nam Á ghi nhận số người tử vong do môi trường cao nhất (3,8 triệu), tiếp đến là khu vực Thái Binh Dương (3,5 triệu), châu Phi (2,2 triệu), châu Âu (1,4 triệu), Trung Đông (854.000) và châu Mỹ (847.000).

Để cải thiện tình hình, WHO đề xuất các biện pháp đơn giản như giảm phát thải khí CO2, phát triển phương tiện giao thông công cộng, hiện đại mạng lưới y tế, giảm bớt thói quen sử dụng thực phẩm có hóa chất, bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời và cuối cùng là áp đặt lệnh cấm hút thuốc lá.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm