Xã hội hóa thể thao: Học được gì từ London và Jakarta?

09/04/2015 21:11 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Olympic và Paralympic London có thể coi là một thành công về mặt tài chính đối với chủ nhà Vương quốc Anh, trong đó, nguồn vốn đầu tư vẫn chủ yếu thuộc về nhà nước, dù không thể bỏ qua vai trò của xã hội hóa.

Nước chủ nhà Vương quốc Anh đã huy động 11,3 tỷ bảng để tổ chức sự kiện này - một số tiền khá lớn - nhưng họ cũng thu lại không nhỏ. Theo báo cáo mà BBC công bố hồi tháng 7/2013, nền kinh tế Anh đã tăng trưởng 9,9 tỷ bảng về thương mại và đầu tư.

Khi người Anh tự thân vận động

Theo số liệu mà tờ Guardian công bố cuối năm ngoái, trong số 11,3 tỷ bảng tiền ngân sách tổng tộng cho Thế vận hội này (và Paralympic) thì có đến 9,3 tỷ bảng thuộc về Chính phủ Anh, và do Cơ quan xây dựng Olympic (ODA) tập hợp và chi. Còn Ủy ban tổ chức Olympic của thành phố London (LOCOG) thì có ngân sách nhỏ hơn với 2 tỷ bảng.

Người Anh đã huy động kinh phí như thế nào? Theo Guardian, Chính phủ Anh đã duyệt 6,25 tỷ bảng ngân sách cho sự kiện này, trong khi Công ty xổ số quốc gia bỏ ra một số tiền không hề nhỏ: 2,18 tỷ. Chính quyền London (GLA) và Cơ quan phát triển London (LDA) đóng góp 0,88 tỷ bảng, trong khi Bộ Thể thao Anh chỉ đóng góp 0,04 tỷ.

Tất nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có hỗ trợ, nhưng con số này không đáng kể. Số tiền mà nước chủ nhà nhận được từ IOC chỉ là 0,7 tỷ bảng. Những sự kiện lớn thường đi kèm quảng cáo tài trợ, nhưng con số đó không chiếm bao nhiêu so với tổng ngân sách. Cụ thể, số tiền từ tài trợ ở Olympic London chỉ là 0,7 tỷ bảng. Những hãng tài trợ nhiều nhất là Adidas, BMW, BP, British Airways,… cũng chỉ lên đến 40 triệu bảng.

Người Anh không dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong việc huy động ngân sách cho Olympic London 2012, nhưng điều quan trọng là sách lược đúng đắn đã giúp họ mang lại lợi nhuận cao, thay vì rơi vào tình trạng khốn khổ như Hy Lạp, nước chủ nhà của Olympic Athens 2004.

Khó áp dụng như người Anh?

Thành công của Olympic London là một bài học, nhưng không phải nước nào cũng có thể áp dụng nó cho mình khi tổ chức một sự kiện thể thao lớn, đặc biệt là các nước còn đang phát triển ở châu Á.

Tháng 4 năm ngoái, sau khi họp với các Bộ ban ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 vì tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) còn hạn hẹp. Và ngay cả khi được xem là đủ lực, thì việc xã hội hóa trong công tác tổ chức (xây dựng cơ sở hạ tầng) cũng rất quan trọng.

Indonesia, quốc gia được chọn thay thế Việt Nam đăng cai ASIAD 18, đã xác định rất rõ bước đi của mình trong việc xã hội hóa thể thao. Hiện tại, họ đã bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự kiện này. Và theo tiết lộ của thống đốc Jakarta - ông Basuki Tjahaja Purnama - trên tờ Jakarta Post thì “kinh phí cho việc xây dựng hoàn toàn do các nhà đầu tư tư nhân cung cấp. Chúng tôi sẽ thuê lại các sân vận động để phục vụ cho Asian Games”. Việc giao sân cho tư nhân cũng là một sách lược đúng đắn, bởi nó giúp các công trình tránh rơi vào tình trạng lãng phí sau khi tổ chức sự kiện.

Đó cũng là một kinh nghiệm đáng học hỏi.

Năm 2011, đề án của phía Bộ VH, TT&DL Việt Nam đề cập con số dự toán 5.155 tỉ đồng, trong đó ngân sách quốc gia chịu 96% cho việc tổ chức ASIAD 18. Sau khi nhận ý kiến từ phía Bộ Tài chính về tính không khả thi của con số này, Bộ VH, TT&DL lại giảm con số xuống mức 3.000 tỉ đồng (150 triệu USD), đồng thời giảm tỉ lệ vốn từ ngân sách từ 96% xuống còn 28%, đẩy tỉ lệ huy động vốn từ xã hội từ 4% lên đến 72%. Trong khi đó, so sánh với các quốc gia khác thì số liệu 150 triệu USD được xem là thiếu tính thực tế.

(Theo Wikipedia)

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm