Trên các công trường Qatar: Có một World Cup 2022 kém lộng lẫy

04/04/2022 06:29 GMT+7 | World Cup 2022

(Thethaovanhoa.vn) - Khi World Cup 2022 chỉ còn hơn 7 tháng nữa là khởi tranh, các sân vận động tại Qatar đã gần như hoàn thiện. Nhưng cái phải trả cho những sân bóng lộng lẫy kia là sức khỏe và cả mạng sống của không ít công nhân xậy dựng.

Nhà cái đặt cửa tuyển Anh vô địch World Cup 2022 chỉ sau Brazil

Nhà cái đặt cửa tuyển Anh vô địch World Cup 2022 chỉ sau Brazil

ĐT Anh được các nhà cái đặt cửa vô địch cao thứ nhì tại World Cup 2022 sau khi bốc thăm vào bảng đấu trong mơ.

Trong lúc các ngôi sao trên thế giới bắt đầu nghĩ về World Cup 2022 sau khi biết được bảng đấu của đội tuyển nước mình vào buổi lễ bốc thăm đêm thứ Sáu vừa qua, giới chuyên môn lại tập trung vào những chi phí khổng lồ nước chủ nhà Qatar phải bỏ ra cho một kỳ World Cup lần đầu tiên diễn ra vào cuối năm.

Miếng mồi béo bở thu hút lao động nhập cư

Chỉ tính riêng trong một giai đoạn, ước tính trung bình mỗi tuần Qatar đã phải bỏ ra đến 500 triệu USD dành cho việc tu bổ các sân vận động, trang thiết bị cũng như hệ thống giao thông. Dẫu số tiền chi tiêu đến thời điểm này đã chạm mốc hàng tỷ USD, những công nhân xây dựng nên các công trình phục vụ World Cup 2022 phải chấp nhận thù lao chi trả cực kỳ rẻ mạt.

Hàng trăm nghìn công nhân buộc phải tự mình bỏ tiền cho chi phí tuyển dụng trong lúc nhận về đồng lương rẻ mạt nhiều năm qua. Trong những ngôi làng và thị trấn ở nhiều nơi tại khu vực Nam Á và một số vùng châu Phi, không khó bắt gặp cảnh những người đàn ông trẻ tuổi khát khao tìm việc và đó là thời cơ để một số người đại diện tuyển dụng lao động cấu kết với các công ty tại Qatar tìm cách thu lợi bất chính số tiền không hề nhỏ từ những người lao động muốn có việc làm. Điều này khiến một công nhân Bangladesh thu nhập thấp phải lao động miệt mài cả năm trời mới đủ số tiền đã chi trả cho những người đại diện ấy. Công sức của một số công nhân làm việc tại Qatar đã giúp họ đổi đời cho gia đình mình khi tiền được gửi về quê nhà để xây dựng nhà cửa, trẻ em được học ở những ngôi trường khang trang hơn cũng như có được cuộc sống hôn nhân sau này. Không hiếm gặp cảnh công nhân trở lại Qatar làm việc nhiều lần, chỉ dấu cho thấy công việc tại quốc gia chủ nhà World Cup 2022 vẫn là niềm mơ ước so với cảnh thất nghiệp nơi quê nhà.

Chú thích ảnh
Đằng sau các sân bóng World Cup 2022 là công nhân bị vắt kiệt sức cùng đồng lương bèo bọt, thậm chí đánh đổi cả tính mạng

Không hề là thiên đường ở Qatar

Nhưng công việc ấy không hề là lựa chọn trong mơ cho tất cả mọi người. Vẫn có không ít người rơi vào bẫy nợ, chẳng thể rời khỏi công việc ẩn chứa những rủi ro mà thu nhập lại không hề tương xứng. Năm 2014, có một công nhân giấu tên làm việc cho công trình nâng cấp sân Al Janoub tiết lộ thu nhập làm thêm giờ của anh chỉ vào khoảng 60 xu USD/giờ. Hai năm sau, Tổ chức Ân xá thế giới tiết lộ một số công nhân làm việc tại một số khu vực trên sân Khalifa chỉ có thu nhập cơ bản vỏn vẹn 70 xu/giờ. Mãi đến năm ngoái, hàng chục công nhân làm việc cho các khách sạn tiếp đón quan chức đến dự World Cup được tiết lộ chỉ nhận lương cơ bản vỏn vẹn 2 USD/giờ hoặc thấp hơn. Đó ít ra vẫn là niềm hạnh phúc của rất nhiều người trong số họ sau khi phía Qatar thông qua yêu cầu mức lương tối thiểu 1,3 USD/giờ cho mọi công việc hồi năm ngoái.

Một số không nhỏ công nhân làm việc tại quốc gia này thậm chí đã không được trả lương suốt 5 tháng qua, theo báo cáo hồi tháng trước từ Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW). Tất nhiên, những áp lực từ nhiều phía đã thúc đẩy Qatar thông qua cải cách lao động được thông qua vào năm 2020, bao gồm việc bãi bỏ một chính sách kỳ lạ có tên là “Kalafa” ngăn cản công nhân được chuyển đổi sang công việc khác.

Tuy vậy, phía HRW cho rằng những cải cách ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với tình hình thực tế. Ban tổ chức World Cup tại các địa phương đã phải đi một quyết định quan trọng khi yêu cầu các công ty sở hữu hợp đồng xây dựng các sân vận động phải trả lại một phần tiền phí tuyển dụng công nhân. Nhưng chỉ có một số lượng rất nhỏ công nhân nhận được khoản tiền ấy.

Đáng nói hơn, những công nhân nhập cư chẳng hề nhận được bất cứ đồng tiền nào nếu họ không may thiệt mạng trong quá trình làm việc. Những gia đình có công nhân tử vong tiết lộ sự trợ giúp duy nhất họ nhận được là từ các đồng nghiệp của công nhân ấy sẵn sàng quyên góp một khoản tiền để giúp đỡ hoàn thành việc mai táng vốn ngốn chi phí không hề nhỏ chút nào. Các quan chức Qatar và FIFA vẫn tìm cách tô hồng những điều tích cực liên quan đến khía cạnh nhân quyền trong công tác chuẩn bị cho World Cup 2022. Nhưng liệu họ sẽ nghĩ gì khi nhìn vào bi kịch của một người đàn ông có tên Tilak Bishwakarma. 9 năm trước, con trai ông là Ganesh đã thiệt mạng khi làm việc ở Qatar chỉ vài tháng sau khi đặt chân đến quốc gia này. Tilak tiết lộ gia đình ông không nhận được bất cứ khoản đền bù nào từ công ty của con trai mình. Điều đó khiến họ chẳng có cách nào trả nợ ngân hàng khoản tiền đã vay để tạo điều kiện cho con trai mình có việc làm.

Nếu bất cứ cổ động viên nào đó có mặt tại các sân bóng tổ chức World Cup 2022 vào cuối năm, họ sẽ không để ý đằng sau vẻ hào nhoáng của những sân bóng ấy là sức lực, thậm chí cả mạng sống của hàng vạn công nhân nhập cư.

FIFA phản bác cáo buộc của Na Uy

Mới đây, FIFA đã lên tiếng phản bác cáo buộc từ bà Lise Klaveness, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Na Uy (NFF) trong buổi họp đại hội FIFA hôm thứ Năm vừa qua khi yêu cầu ban tổ chức World Cup 2022 cần phải có những thay đổi về nhân quyền. Theo lời ông Hassan Al Thawadi, Tổng thư ký ban tổ chức World Cup 2022, quan điểm của bà Klaveness là lỗi thời và bà này đã không bỏ thời gian để thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề trên.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm