Nhà báo Anh Ngọc: Khi tôi được gọi là “MR.WORLD CUP”

21/08/2022 07:10 GMT+7 | World Cup 2022

(Thethaovanhoa.vn) - Những người bạn thân cứ thấy 2 năm một lần, tôi lại chuẩn bị lên đường cho những chuyến đi World Cup hay EURO, đã gọi vui tôi như thế. Mười mấy năm qua tôi đã như thế, rong ruổi trên những cung đường các nước đăng cai các giải đấu ấy với tư cách phóng viên TTXVN, với niềm đam mê của một người làm báo, với những khát khao lên đường.

 

Nhà báo Nguyễn Lưu và BLV Quang Huy: Mãi một tình yêu với TT&VH

Nhà báo Nguyễn Lưu và BLV Quang Huy: Mãi một tình yêu với TT&VH

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống, TT&VH xin được giới thiệu đến bạn đọc 2 gương mặt cộng tác viên đã cùng chung tay tạo dựng thương hiệu riêng cho tờ báo: Nhà báo Nguyễn Lưu và BLV Quang Huy.

 

Hoàn thiện ước mơ nhờ TTXVN

Đơn giản, đó là ước mơ của một đứa trẻ đam mê bóng đá lớn lên trong một kho sách của bố, suốt ngày bay bổng trong những dòng văn chương du ký của những người lữ hành nổi tiếng, và ý thức được rằng cái thế giới rộng lớn ngày ấy thật khó có thể với tới khi còn đang sống trong những chấn song cửa sổ khu tập thể cấp bốn. Nhưng ước mơ ấy chỉ có thể thành hiện thực rất nhiều năm sau khi tôi trở thành một đồng nghiệp của bố, người cũng từng bôn ba trên các nẻo đường đất nước trong “màu áo” TTXVN những năm chiến tranh và sau đó thống nhất đất nước.

Trở thành nhà báo là một trong những cách tuyệt vời nhất để đi ra thế giới, và khoác lên vai chiếc áo của TTXVN là biến những giấc mơ sân cỏ của tôi ngày xưa trở thành hiện thực. Để rồi khi đồng nghiệp nước ngoài trong các hành trình World Cup hay EURO hỏi về mình, tôi luôn trả lời, “tôi là nhà báo Việt Nam, và tôi làm việc cho TTXVN”.

Tính đến giờ, tôi đã tác nghiệp ở 3 World Cup và 3 giải EURO cho “đội tuyển TTXVN” (thật tiếc là chuyến đi EURO 2020 không thành vì đại dịch Covid-19). Những kỷ niệm vui buồn không sao kể hết được, bởi mỗi một ngày trong những chuyến đi ấy là đầy ắp các sự kiện, các cây số đã đi trên đôi chân, những nhân vật quen và chủ yếu là không quen đã phỏng vấn, những câu chuyện đã viết, những bài báo đã đăng, những cuốn sách đã được xuất bản với những ký sự đã viết trong những ngày tác nghiệp.

Tôi tự đặt cho mình những mục tiêu, những áp lực, tự buộc mình phải làm mới mỗi ngày bằng những bài báo không bao giờ lặp lại, những câu chuyện luôn luôn mới mẻ cho các trang báo viết, trong khi vẫn di chuyển liên tục trên từng cây số, và nhanh chóng chuyển mình theo các yêu cầu mới của cơ quan, như phóng viên 3 trong 1.

Chú thích ảnh
Nhà báo Anh Ngọc với các cổ động viên Argentina ở World Cup 2010, Nam Phi

Nghĩa là từ một đặc phái viên mỗi ngày viết vài nghìn chữ du ký, về những gì bên lề mà khán giả không thể thấy trên tivi, trong các trận đấu, để đăng kín 2 trang Tin nhanh khổ A3 (cùng với ảnh do chính mình chụp), chưa kể còn nhiều bài viết về chuyên môn bóng đá khác, còn có các bài viết riêng cho báo điện tử và thực hiện các phóng sự truyền hình cho kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews).

Chính những năm tháng công tác ở TTXVN đã tạo ra một phóng viên đa năng như thế, và lòng đam mê đi, sự khát khao khám phá thế giới đã giúp tôi kết hợp nhiều thứ trong một con người. Bạn không thể hàng ngày di chuyển liên tục, đôi khi hàng trăm km, không ngày nào được thiếu bài vở và phải gửi về cơ quan đúng giờ, không thể đi xa, đi nhiều và làm việc nhiều như thế, trong một sức ép kinh khủng về nội dung và sự giới hạn thời gian nếu không có tri thức, sức khỏe, sự đam mê công việc, khả năng lên kế hoạch và phân phối sức lực.

Người hâm mộ xem bóng đá, còn tôi xem họ

Những rủi ro của các chuyến đi luôn rình rập đối với một người luôn tìm kiếm những điều mới mẻ và những sản phẩm báo chí chất lượng, độc đáo, không trùng lắp đề tài với các đồng nghiệp khác. Tôi đã suýt chết trong một vụ cướp ở ngoại ô Cape Town, Nam Phi, trong dịp World Cup 2010, cho một bài viết về những người dân nghèo trong một khu xóm liều đầy tội phạm. Tôi cũng suýt mắc kẹt trong một cuộc đấu súng ở một khu ổ chuột của Rio de Janeiro, Brazil, trong World Cup 2014. Tôi cũng bị đe doạ trong một lần vào một khu ngoại ô đầy vấn đề ở Marseille, Pháp, ở EURO 2016.

Những rủi ro và rắc rối chắc chắn sẽ còn đến với tôi nhiều nữa trong các hành trình khám phá những nơi mà ánh sáng của World Cup và EURO không thể với tới ở những khu dân nghèo, nhưng đó là những thách thức mà tôi chấp nhận để có được những bài báo, phóng sự về một cuộc sống khác dang diễn ra bên ngoài sân cỏ.

Chú thích ảnh
Nhà báo Anh Ngọc ở Moskva (Nga), trong dịp World Cup 2018

World Cup hay EURO xét cho cùng chỉ là những giải đấu kéo dài trong một tháng. Một tháng ấy sẽ trở nên vô cùng có ý nghĩa nếu một người làm báo có kinh nghiệm, có chuẩn bị tốt, có bản lĩnh và nghị lực có thể khám phá sự kiện ấy trên nhiều khía cạnh. Tôi luôn suy nghĩ rằng, đã đặt chân đến các nước đăng cai, chỉ viết, nói về bóng đá sẽ thật phí. Ở đó, người hâm mộ xem bóng đá, nhưng tôi lại quan sát họ, phản ánh về họ dưới những lăng kính khác nhau về con người, văn hóa, lịch sử và chính trị. Ở đó, cũng có những người không xem bóng đá, và tôi cũng viết về họ, cuộc sống của họ, suy nghĩ của họ.

Xét cho cùng, một tháng của giải đấu là một hành trình khám phá không ngừng về một mảnh đất mà dù bóng có lăn hay không lăn đều có biết bao chuyện xảy ra. Một nhà báo giỏi không bao giờ để những câu chuyện ấy tuột khỏi mắt mình.

Khi tôi đang viết những dòng này, thẻ tác nghiệp World Cup 2022 của tôi đã được đăng ký với FIFA, các kế hoạch lên đường đang được chi tiết hóa một cách cụ thể nhất, thể lực cho hành trình dài hơn một tháng trên mảnh đất Qatar nóng và ẩm đang được chuẩn bị. Tất cả đã sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mới, một World Cup nữa, như một phần đời của một người làm báo luôn luôn có mặt trên những cung đường thế giới và coi việc đi như một lẽ sống…

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm