Rubik bóng đá: Dù là người Đức, hay Argentina, hãy cứ chờ đợi một thất bại

13/07/2014 19:12 GMT+7 | Chung kết

1. Ở cách mặt đất hơn 300 km, có một CĐV Đức đang hồi hộp đón chờ trận chung kết. Đó là nhà du hành Alexander Gerst, người Đức thứ 3 trong lịch sử lên làm nhiệm vụ tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Mấy ngày trước, ông đã cạo trọc đầu 2 bạn đồng hành người Mỹ của mình, các nhà du hành Reid Wiseman và Steve Swanson, bằng một dụng cụ đặc biệt vì thắng “độ” trong trận Đức-Mỹ.

Trong suốt thời gian giải đấu diễn ra, để phục vụ 3 CĐV đặc biệt này, NASA đã nén băng hình các trận đấu lại và gửi đến họ qua vệ tinh, để họ xem lại khi rảnh rỗi.

Nhưng riêng đối với trận chung kết, NASA đang có kế hoạch tường thuật trực tiếp với độ phân giải cao cho 3 nhà du hành, hay chính xác hơn, cho CĐV đặc biệt Alexander Gerst. Các đồng sự dưới mặt đất của ông có lẽ hiểu được ý nghĩa của trận cầu này với bất kỳ người Đức nào.

Bên dòng sông Ganga thiêng liêng, hôm qua, một nhóm CĐV Ấn Độ đã thực hiện một nghi lễ yagna. Họ ném thảo dược vào một ngọn lửa lớn, đánh dhak (trống) và cầu nguyện. Xung quanh, là những tấm ảnh của Lionel Messi. Những người thực hiện nghi thức, cũng mặc những chiếc áo thi đấu của đội tuyển Argentina.

Ở đảo Sicilia, nước Ý, Adama Bah, một đứa trẻ người Gambia nói rằng em muốn được chứng kiến Đức vô địch. Em đã cùng người lớn vượt qua một hành trình tử thần, lênh đênh vô định trên biển để đến được với “vùng đất hứa” châu Âu. Nhưng bây giờ thì em đang ở trong trại tị nạn để chờ được trục xuất về nước. Niềm vui của em giờ chỉ còn biết gửi gắm vào Thomas Mueller và đồng đội.

Người ta kể rằng trên một con tàu của những người vượt biên Bắc Phi đang lênh đênh trên biển, khi hải quân Italy áp sát để giải cứu họ, một người vừa nhìn thấy quân lính đã hét lên: “Tình hình World Cup như thế nào rồi?”. Không phải ăn, không phải uống, mà là bóng đá.

Ở Homs, Syria, vùng chiến sự ác liệt nhất của cuộc nội chiến, trong một nhà hàng đã đổ sập một phần vì bom đạn, người ta đã dựng lên một chiếc màn chiếu, bê về một chiếc máy phát điện, để chờ trận chung kết…

2. Trước thềm những trận đấu, người ta thường chỉ nghĩ về viễn cảnh chiến thắng. 100.000 người Argentina đã đổ đến Rio de Janeiro khua chiêng gõ trống, chắc cũng nghĩ đến cái khung cảnh sung sướng vỡ òa khi đội nhà nâng cúp. Phi hành gia Alexander Gerst chắc cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chia vui với những người đồng hành.

Nhưng có một thực tế không thể tránh khỏi là rạng sáng ngày mai, thế giới sẽ chia làm đôi. Một nửa thăng hoa còn nửa kia chìm trong tuyệt vọng. Và kể ra câu chuyện của những người cô độc nhất, tuyệt vọng nhất, hy vọng nhiều nhất (đến mức gửi gắm cả thần linh), là để thấy rằng bóng đá đôi khi có thể nghiệt ngã đến thế nào. Như chú bé Adama Bah, có lẽ thế giới này chỉ còn Đức là thứ có thể đem đến cho em niềm vui.

3. Một thiếu nữ ở tận Nepal xa xôi đã treo cổ tự vẫn sau khi đội tuyển Brazil thất bại ở bán kết. Cái chết gây bàng hoàng cho cả thế giới.

Bộ y tế Argentina đã khuyến cáo những người có bệnh tim mạch không nên xem trận chung kết. Nhưng không chỉ có chính người Brazil, người Argentina hay người Đức phải chịu đựng nỗi đau của kẻ chiến bại. Sức mạnh của bóng đá có thể gây ảnh hưởng lên toàn cầu, lên tâm trạng của những người chẳng hề liên quan.

Có lẽ hầu hết các bài báo trên các tờ báo bạn đọc cầm lên sáng nay, cũng sẽ nói về viễn cảnh chiến thắng, cấy lên một niềm hy vọng. Nhưng có lẽ cũng không thừa khi nhắc CĐV của một trong hai đội rằng: bất cứ khi nào, cũng nên sẵn sàng tinh thần chờ đợi một thất bại.

ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm