Biến tấu World Cup: Người Hà Lan bay và mấy lần định mệnh

05/07/2014 19:03 GMT+7 | Tứ kết

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vẫn nhắc đến đội bóng mặc áo màu da cam bằng cái tên bóng bẩy là “Người Hà Lan bay” với hàm ý ngợi khen những gì họ đã làm được trên sân cỏ.

1. Đó là những ngợi khen giàu hình tượng, bay bướm và có hơi hướm cổ tích, huyền thoại. Thế mới hiểu, ngôn ngữ giàu tính biểu tượng, dồi dào tính biểu cảm đến chừng nào. Chỉ mấy âm tiết thôi, “Hà Lan” và “bay”, là đã đủ mở ra một trời tưởng tượng và khát vọng.

Nhưng mỗi người sẽ luôn có cách hiểu riêng của mình. Như câu thành ngữ của Costa Rica là “Ít nhất mỗi từ có 3 nghĩa và có 3 cách diễn dịch khác nhau”. Phải chăng, người Hà Lan bay có nghĩa là 11 cầu thủ Hà Lan chơi bóng như thể họ mang những đôi cánh bay bổng? Hay có khi, người Hà Lan bay chỉ đơn giản là những người Hà Lan, ở một thời khắc nào đó, sẽ phải “bay” khỏi một cuộc đấu một mất, một còn?

“Người Hà Lan bay” là một con tàu truyền thuyết hải dương phương Tây, một con tàu mang lời nguyền kẻ nào nhìn thấy nó, kẻ đó sẽ phải chết. Nhưng bản thân người Hà Lan bay cũng tự bị nguyền rủa với định mệnh suốt cả đời nó sẽ phải lênh đênh không bao giờ có được bến đỗ. Cả hai khía cạnh của lời nguyền đó đều là sự chết. Một sự chết cho chính con tàu Hà Lan và một sự chết cho chính những kẻ gặp phải nó trên hải trình của mình.

2. Nhưng truyền thuyết bao giờ cũng có những cá biệt ngoại lệ vượt trội mọi ám ảnh của mọi lời nguyền. Những cá biệt ấy chính là hiện thân của ước vọng vượt qua những gì chưa lý giải nổi mà con người luôn đeo mang trong suốt bề dày lịch sử tồn tại của mình. Những câu chuyện cổ tích bởi thế không bao giờ là cũ cả. Nhờ nó, con người dũng cảm hơn, dám dấn thân hơn và có nhiều chinh phục hơn.

Nếu coi tuyển Hà Lan như chính con tàu ma ám, ta sẽ thấy câu chuyện cổ tích là ước vọng có thật. Đã biết bao nhiêu đối thủ, như hình ảnh những con tàu gặp người Hà Lan bay giữa hải trình của mình, vượt qua được màu áo cam hùng mạnh để tạo nên lịch sử riêng cho mình, câu chuyện riêng cho mình. Và cũng có lúc, chính con tàu Hà Lan bay cũng tìm được bến để cập bờ, như hồi EURO 1988, mùa bóng mà Gullit đã cùng đồng đội tiến vào một “hải cảng vinh quang”.

Song, chỉ có hải trình World Cup là chưa bao giờ người Hà Lan thoát nổi lời nguyền. Đã bao nhiêu lần World Cup rồi, họ vẫn cứ phải lênh đênh trên hải trình riêng lận đận, một hải trình mà họ chưa bao giờ được phép thấy bờ. Một hải trình mà họ chỉ là những kẻ đơn độc săn hạm, để làm nhiệm vụ của tạo hóa giao phó, là giản lược bớt số lượng những con tàu đang cắm đầu hướng về hải cảng vinh quang.

3. Người Costa Rica có một thành ngữ nổi tiếng khác rất hay là “Một lần chưa phải là thường xuyên. Hai lần chưa phải là vĩnh viễn”. Vậy thì ba lần, bốn lần và nhiều lần hơn sẽ là gì đây?

Costa Rica đã 4 lần vượt qua (gồm 1 lần bất bại) trước các nhà cựu vô địch (3 nhà cựu VĐTG và 1 nhà cựu VĐ châu Âu) ở giải đấu này, phải chăng, đó đã là thói quen chiến thắng của họ và Hà Lan sẽ lại là một nhà cựu vô địch khác nữa qụy dưới chân họ? Còn Hà Lan, họ đã nhiều lần lênh đênh không bờ ở hải trình World Cup, liệu lần này sẽ lại là một lần thêm nữa, để lời nguyền ứng linh?

Đó toàn là những câu hỏi khó mà phương án trả lời nhiều người mong sẽ khác đi, vì tình cảm họ dành cho mỗi đội mỗi khác. Thôi thì, hãy nói câu cửa miệng của người Costa Rica là Pura Vida (Đời thanh tịnh) mỗi khi họ nhận được lời chào, để bước vào trận đấu ấy, thưởng lãm nó, bằng một cái tâm thanh tịnh không ám ảnh gì…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm