Ai được lợi từ chính sách giá vé MPC của MegaStar?

10/11/2010 09:35 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh chuyện 6 doanh nghiệp chiếu phim trong nước đâm đơn kiện Công ty TNHH Truyền thông MegaStar (gọi tắt là MegaStar) về các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Tiếp nhận đơn, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) Bộ Công thương cũng đã ra quyết định điều tra vụ việc, nhưng chưa thể đi đến kết luận, vì bên nguyên đơn cần phải bổ túc thêm hồ sơ, chứng cứ.

Quang cảnh buổi họp báo tại TP HCM. Từ trái sang, bà Thanh Hà - phiên dịch, ông Brian Hall, ông Lee Eng Hee - tổng giám đốc Megastar, bà Phan Thị Lệ - phó chủ tịch Hội đồng quản trị Megastar. Nguồn ảnh: VNE
Gần nửa năm trôi qua, MegaStar chưa có một phát ngôn chính thức nào với báo giới về vụ việc, vì theo họ, mãi đến ngày 18/10/2010 họ mới được cung cấp bản sao đơn khiếu nại, nên đến ngày 9/11/2010 họ mới có cuộc họp báo chính thức, tổ chức cùng lúc tại Hà Nội và TP.HCM, để giải thích vụ việc.

Chỉ còn 4 “nhà” kiện 1 “nhà”


Avatar bộ phim đã mang lại cho doanh số thị trường chiếu phim VN 2 triệu USD

Tháng 3/2010, 6 doanh nghiệp đâm đơn kiện, gồm: Công ty CP Sài Gòn Điện ảnh, Công ty CP Điện ảnh 212, Công ty CP truyền thông Điện ảnh Sài Gòn, Công ty CP phim Thiên Ngân, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai.


Ngày 7/6/2010, dù chưa có bản sao đơn kiện, nhưng MegaStar vẫn viết bản giải trình gửi Cục QLCT giải thích rằng 2 trong 6 doanh nghiệp vừa nêu không có quan hệ làm ăn hoặc chưa bao giờ nhận phát hành vòng 1, theo chính sách “giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem” (gọi tắt là MPC). Ngày 8/6/2010, MegaStar chính thức tham dự phiên họp điều trần với Cục QLCT. Ngày 18/6/2010, CQLCT có Quyết định số 67 điều tra chính thức, kết quả Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai “bị loại” khỏi nguyên đơn, vì không có đủ cơ sở pháp lý để đứng ra kiện.

Ngày 17/9/2010, 4 “nhà” còn lại nộp bản giải trình bổ sung cho đơn khiếu nại, trong đó họ chính thức rút lại cáo buộc “MegaStar đã áp đặt giá vé tối thiểu cho khán giả bằng việc quy định giá vé trong các thư xác nhận đặt phim”. Ngày 6/11/2010, MegaStar đã nộp bản giải trình chi tiết lên Cục QLCT và ngày 9/11 thì tổ chức họp báo. Theo thông tin từ phía MegaStar thì vụ việc có thể đi đến kết luận vào ngày 18/12/2010 nếu như Cục QLCT không muốn gia hạn thêm thời gian điều tra.

Công chúng được xem phim mới... trước cả Mỹ

Tuy gọi là họp báo “giải thích hoạt động phát hành phim của MegaStar tại Việt Nam”, nhưng phần lớn thời gian, công ty này đã đưa ra những con số khá ngoạn mục về đường đi nước bước của thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung trong khoảng 5 năm qua. Ví dụ như chuyện doanh thu, năm 2005 cả thị trường thu được khoảng 2 triệu USD, thì năm 2009 vào khoảng 15 triệu USD và năm 2010 khoảng 25 triệu USD. MegaStar nói rằng doanh thu gấp 10 lần sau 5 năm này không chỉ đến với riêng họ, mà còn đến với các nhà phát hành, rạp chiếu khác ở Việt Nam.

Theo báo cáo, từ năm 2005 đến 2009, số tiền đầu tư cho thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam vào khoảng 45 triệu USD, trong đó MegaStar đầu tư khoảng 35 triệu USD. Riêng năm 2007 - 2008, MegaStar bỏ khoảng 15 triệu USD để xây dựng các cụm rạp mới, thì nhiều đơn vị khác “vẫn như cũ”, nghĩa là không đầu tư gì nhiều, nhưng doanh thu chung đều tăng gấp đôi.

Lý giải điều này, MegaStar nói rằng việc chiếu phim vòng 1 rất quan trọng, thậm chí, theo các nghiên cứu quốc tế, ra rạp vòng 1 đã quyết định đến 80% doanh thu phòng vé. Chính nhờ áp dụng chính sách MPC mà người Việt xem phim Avatar trước người Mỹ đến 17 tiếng đồng hồ. Về bối cảnh chung, việc này giúp cho thị trường phim tại Việt Nam có được tiếng nói trọng lượng hơn về việc phát hành với các hãng sản xuất lớn trên thế giới.

Năm 2007, Việt Nam chỉ có 1 phim nhập khẩu được chiếu vòng 1 tại Việt Nam, thì năm 2008, con số này là 18, nên doanh thu chung tăng lên là điều đương nhiên.

Lợi ích của việc chiếc phim vòng 1 được minh chứng rõ nét nhất qua siêu phẩm Avatar, tổng doanh thu cho đến 25/10/2010 là hơn 2 triệu USD, xếp vào Top 10 các nước có doanh thu cao nhất.

MegaStar khẳng định “sống nhờ” hoa hồng

Cũng trong cuộc họp báo, MegaStar nhiều lần nhắc lại rằng họ chỉ là nhà phát hành phim ăn hoa hồng, nên các chính sách về MPC phải chịu sự chi phối từ các nhà sản xuất, các hãng phim. Tất cả con số đưa ra (ví dụ: 25.000 đồng trên đầu vé) đều dựa theo nguyên tắc thương lượng, thỏa thuận công khai giữa các bên, chứ không phải là sự đơn phương áp đặt. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy các rạp vẫn có các mô hình khác để theo đuổi, ví dụ như “giá thuê phim cố định”.

Những nhà phát hành theo mô hình giá thuê phim cố định thường không thể mua được quyền phát hành chiếu vòng 1, nhất là phim bom tấn, vì giá của các hãng đưa ra rất cao. Trong khi các nhà phát hành theo kiểu ăn hoa hồng trên giá thuê phim thì có thể làm được, miễn sao họ chứng minh được năng lực về doanh thu của thị trường mà họ đang có.

Chung cuộc còn phải chờ

MegaStar nói việc họ đưa ra chính sách MPC vào năm 2009 xuất phát từ lý 2 do: Thứ nhất, các hãng lớn khi tung phim mới ra thị trường thường không muốn ôm trọn rủi ro về mình, nên muốn các nhà phát hành, các rạp chiếu phải cùng gánh vác. Thứ hai, nếu không áp dụng chính sách này thì Việt Nam sẽ gần như mất cơ hội xem phim nhập khẩu vòng 1.

Hơn nữa, sau khi áp dụng chính sách MPC thì tại thị trường Việt Nam vẫn còn nguyên các chính sách và mô hình khác về giá vé. Mà không riêng gì Việt Nam, ngay với các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật thì các mô hình vẫn song song tồn tại, vì thực tế chọn lựa và chiến lược kinh doanh của các rạp chiếu là khác nhau.

Dù tỏ ra tự tin nhưng MegaStar không bình luận gì về kết quả của vụ kiện tụng này, họ muốn chờ phán quyết chung cuộc từ Cục QLCT. Nhưng cũng có những ý kiến hành lang bình luận rằng nếu không sử dụng chính sách MPC thì Việt Nam phải chấp nhận xem phim vòng 2, vòng 3, thường trễ hơn 5-6 tuần hoặc vài ba tháng so với quốc tế và đương nhiên doanh thu chung của thị trường sẽ bị tụt giảm nghiêm trọng.  

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm