'Vòng vèo' bóng đá miền Tây

18/08/2014 12:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện chậm lương, thưởng và tiền lót tay khiến cái đầu cầu thủ HV.An Giang không thông trước trận “play-off” với XSKT.Cần Thơ là có thật. Tuy nhiên, nó chưa đủ để giải thích việc HV.An Giang thất thủ trong một trận đấu mà rõ ràng họ được đánh giá cao hơn.

Đơn giản, chỉ là điều gì phải đến đã đến mà thôi. “Cái chết của con thiên nga” HV.An Giang đã được báo trước, kể từ ngày đội bóng này chủ động chọn cửa hẹp để trụ hạng.

Giật gấu vá vai

Trở về sau thất bại nặng nề 0-3 trước B.Bình Dương, đồng thời đối thủ cạnh tranh trực tiếp là ĐT.Long An vượt qua Thanh Hoá 2-0, ở vòng 21, lãnh đạo HV.An Giang quyết định thanh lý sớm hợp đồng với 4 cầu thủ là Ngọc Quốc, Minh Nhựt, Công Thành và Minh Tùng. Điều đáng nói là 3/4 các cái tên vừa nhắc đều đá chính trong đội hình HV.An Giang trước khi bị cho ra đường.

Với cách tính này, HV.An Giang xác định chỉ dùng 14 cầu thủ người bản địa cộng thêm 3 ngoại binh để tranh “play-off”. Nhưng vấn đề là số dư nợ cũ (bao gồm tiền lương, thưởng, tiền ăn và phí lót tay lên đến gần 1 tỷ đồng) lại không được giải ngân, kèm theo biên bản thanh lý. Và đó là khởi điểm cho những mâu thuẫn phát tác.

Như thừa nhận của ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch (PCT) HĐQT Công ty CP HV.An Giang, cũng là PCT HĐND tỉnh An Giang, Công ty CP HV.An Giang không chỉ thiếu tiền 4 cái tên vừa nhắc, mà thiếu… cả đội. Để chữa cháy, lãnh đạo HV.An Giang đã quyết định giải ngân một phần cho các cầu thủ trước giờ bóng lăn ở Thủ Dầu Một. Nhưng, nước đến chân mới nhảy và “không kịp nữa rồi”, và hậu quả là HV.An Giang thua tan tác!

HV.An Giang là tiêu biểu cho cung cách làm bóng đá ngắn ngày: Lên chuyên khi đội bóng còn rất nghiệp dư (như chính khẳng định của ông PCT CLB HV.An Giang Nguyễn Quốc Khánh) và ngoài ra, lý do cơ bản khác là phần lớn các đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long đều không thể tự chủ về tài chính. Trước HV.An Giang là K.Kiên Giang, rồi TĐCS.Đồng Tháp, thậm chí cả ĐT.Long An…

Trách tại con đường

Ở mùa V-League đầu tiên (2012), sân Rạch Giá như mở hội, khi CĐV luôn ôm trọn khán đài A, ước tính hơn nửa vạn người. Nhưng, con số này giảm đáng kể ở mùa giải kế tiếp, trước khi đội bóng cực Tây Nam của Tổ quốc này mất tích trên bản đồ V-League và hạng Nhất 2014 vì khó khăn tài chính. Ấn tượng lớn nhất mà K.Kiên Giang để lại không phải những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp, mà là chuyện… kiện tụng.

Tình huống tương tự xảy ra với HV.An Giang ở V-League mùa này, có thời điểm khó khăn, cả bộ đôi GĐĐH và HLV trưởng của họ đều đồng loạt đệ đơn từ chức. Có gì đảm bảo với XSKT.Cần Thơ, dù họ vừa mới tưng bừng mở tiệc sau chiến thắng ấn tượng trước HV.An Giang ở “play-off”?! Đúng là cơm áo không đùa với khách thơ và hẳn TĐCS.Đồng Tháp là những người có nhiều kinh nghiệm thương đau.

Tiền bạc là yếu tố cơ bản, song chiến lược làm bóng đá mới là nguyên nhân sâu xa. Trước đây, Đồng Tháp vẫn được xem là trái tim của bóng đá khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thực tế là, đội bóng xứ Tràm Chim từng có 2 chức vô địch quốc gia, trước khi cái tên V-League xuất hiện. Nhưng, bóng đá thời kinh tế thị trường không bao giờ giống với thời bao cấp, và ngay cả một đội bóng được xem là “biểu tượng” cho cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở miền Tây như ĐT.Long An còn đuối thì huống hồ…

Các cung đường miền Tây thường uốn lượn, vòng vèo theo hệ thống kênh rạch dầy đặc. Và bóng đá ở đây cũng lên xuống như con nước. Theo diễn biến mới nhất, mùa giải năm sau, vẫn có 3 đội bóng thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có mặt ở giải chuyên nghiệp là ĐT.Long An, TĐCS.Đồng Tháp và XSKT.Cần Thơ, nhưng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ trụ lại được ở năm sau nữa, mà lịch sử giải đấu tuổi 14 không hề thiếu những dẫn chứng, với HV.An Giang là cái tên mới nhất.

Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm