Vĩnh biệt thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký: Người đi đến tận cùng ước mơ

28/09/2022 16:56 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 28/9/2022, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã qua đời tại nhà riêng ở phường Phước Long, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cuộc đời và quá trình kiên trì luyện viết bằng chân của ông để dạy học, viết sách, làm thơ, đã vẽ lên một huyền thoại, một tấm gương nghị lực phi thường, vượt khó vươn lên như biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam noi theo.

Nhà giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời 

Nhà giáo viết chữ bằng chân Nguyễn Ngọc Ký qua đời 

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học sinh về tinh thần nghị lực vượt lên số phận với “bàn chân kỳ diệu”, vừa qua đời rạng sáng nay (28/9).

    “Việc gì không thích, không mê.
    Mở trang sách cũng nặng nề lắm thay
    Đam mê bừng đóa nửa lòng
    Giúp ta biết tránh, tận cùng ước mơ”

Những câu thơ trên là sáng tác của một người thầy đặc biệt - "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký ngồi trên ghế cao cầm bút viết, ký tên, cầm kéo thoăn thoắt cắt chữ bằng chân trước hàng nghìn cặp mắt tròn xoe của các thế hệ học sinh, như lời động viên kiên trì theo đuổi ước mơ và không ngừng truyền lửa đam mê của mình đến với mọi người.

* "Những năm tháng không quên"

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 26/6/1947, tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Ngọc Ký bị bệnh và liệt cả hai tay. Không đầu hàng trước số phận, cậu bé Ngọc Ký đã nỗ lực rèn luyện không ngừng, dùng đôi chân thay cho bàn tay của mình để mở khoá, rót trà mời khách và làm mọi việc nho nhỏ trong gia đình.  

Chú thích ảnh
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trong thời gian cuối đời

Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường, cậu bé Ngọc Ký cũng muốn đi học. Ở nhà, cậu bé cứ lang thang ra vườn, thấy chim tha mồi bằng mỏ bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng không được. Thấy gà bới rác ở vườn, cậu bé Ngọc Ký lấy hai ngón chân quặp viên gạch non để tập viết.

Nhiều lần mẹ cậu đã ứa nước mắt khi nhìn thấy con mình mồ hôi nhễ nhại đánh vật với các chữ viết đầy sân. Khó khăn là thế nhưng cậu học trò nhỏ vẫn miệt mài dùng chân để tập viết bất kể ngày đêm. Cậu đã phải viết hàng trăm lần để có một con chữ tròn trịa, và phải làm hàng trăm lần một bài tập thủ công. Nhờ khổ công kiên trì rèn luyện, cuối cùng, cậu còn dùng chân kẹp cả thước, compa để vẽ.

Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc. Năm ấy, ông xuất sắc đứng thứ 5 và một lần nữa được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người lần hai.

Lên cấp 3, theo lời động viên của bạn bè khắp cả nước gửi thư về, ông đã chọn chuyên ngành Ngữ văn. Năm 1966, ông được trường Đại học Tổng hợp Hà Nội gửi giấy mời nhập học ngành Ngữ văn. Trong 4 năm học đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng nhưng ông vẫn miệt mài đèn sách. Ông luôn tâm niệm rằng dù "xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở". Vì thế, ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài học tập.

Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, với nhan đề: "Những năm tháng không quên". Ở thời điểm đó, Nguyễn Ngọc Ký là sinh viên duy nhất có tác phẩm xuất bản ngay khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn.

* Người thầy đầu tiên dùng chân viết chữ

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Ngữ văn, theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ngọc Ký đã trở về quê nhà Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Nhiều đêm ông trăn trở suy tư cách dạy cho học sinh khi đôi tay của mình không thể dùng phấn để viết được. Thế rồi, ông tự mày mò ra một phương pháp dạy chẳng giống ai. Ông tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại.

Ông vừa dạy học vừa dùng chân kéo tờ giấy che ở ngoài từ từ xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Trên ấy, chỉ những gì cô đọng nhất của nội dung tác phẩm được ghi lại, có khi chỉ là một hình vẽ đơn giản nhưng thật ấn tượng để in sâu vào trí nhớ học sinh, cái đích đến cuối cùng của bài giảng. Với giọng nói sinh động, truyền cảm của mình, ông đã thuyết phục được tất cả học trò.

Trong bất cứ bài học nào, ông đều nghĩ những câu đố bằng thơ rất độc đáo. Chẳng hạn khi dạy tác phẩm của Nguyễn Trãi, để gây sự chú ý cho học sinh, vừa bước vào lớp, ông liền đọc 4 câu thơ: "Đức tài rực sáng sao khuê/ Bút là gươm sắc phò Lê cứu đời/ Lấy dân làm đạo, làm vui/ Hùng văn thuở ấy đất trời còn vang". Đố các em đó là ai?".... Và cứ thế, với lối dạy văn sinh động, sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã đưa cái hồn của văn học vào lớp, chinh phục bao thế hệ học trò.

Năm 1983, tiết dạy của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã được trao giải Nhất giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh. Những bức tranh vẽ nên văn của thầy cũng được trao giải thưởng Sáng tạo dụng cụ học tập toàn quốc...

Ngày 20/11/1992, ông được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thày đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết".

Trong một lần về thăm huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo".

Chú thích ảnh
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương sáng về nghị lực. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Năm 1994, ông chuyển công tác từ Nam Định vào làm việc tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ông được phân công nhiệm vụ dự giờ bài giảng của giáo viên, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Hằng ngày, ông đến các trường cấp 2 nghe giáo viên giảng bài, rồi ngồi cuối lớp chép lại những ý tưởng. Các chuyên đề góp ý của ông đã trở thành những bài lý luận từ thực tiễn xuất sắc.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Ông đã có hơn 1.500 buổi nói chuyện tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học trong cả nước.

Sau khi nghỉ hưu, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn không ngừng cống hiến. Ông trở thành nhà tư vấn tâm lý và giáo dục cho giới trẻ qua tổng đài, vẫn miệt mài ngồi máy tính, dùng chân gõ những câu đố, vần thơ...

 Nhà của thầy Ký cũng là điểm đến của bao thế hệ học sinh, thậm chí có những lứa học trò đã học thầy cách đây 30 năm. Với họ được gặp và học thầy đã là một điều hạnh phúc, may mắn. Những kỷ niệm về một người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chăm sóc tận tụy như một người cha, đã tạo nên sợi dây tình cảm thiêng liêng còn mãi trong hành trang cuộc đời của nhiều thế hệ học trò.

Có thể nói, suốt cả cuộc đời, Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò với nghị lực, quyết tâm phi thường và để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Tôi đi học", "Tôi học đại học", "Tôi đi dạy học", "Những năm tháng không quên", “Tâm huyết trao đời”… Cuộc đời và quá trình kiên trì luyện viết bằng chân của ông đã vào những trang sách giáo khoa, tiếp thêm cho lớp lớp thế hệ học trò những nghị lực, khao khát sống mãnh liệt, bằng lao động chân chính của mình để giúp ích cho đời.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng từng dành những lời trân trọng đối với Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký và cuốn “Tâm huyết trao đời”: “Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước…

Cuốn “Tâm huyết trao đời” của Nhà giáo ưu tú - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký như người bạn hiền, luôn khích lệ bạn đọc mỗi khi họ phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng yêu đời, luôn phấn đấu vượt lên chính mình, cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau”.

    Hoàng Yến/TTXVN

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm