'Fever' - Cơn sốt... xuyên thế kỉ

04/06/2017 08:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vào một ngày đẹp trời năm 1955, nhạc sĩ Otis Blackwell nhận được cuộc điện thoại của bạn cũ, Eddie Cooley, trình bày ý tưởng về một bài hát mang cái tên đầy mê hoặc: Fever (Cơn sốt).

Eddie đã thú nhận rằng, dù có ý tưởng về bài hát nhưng lại không thể tự mình “thai nghén” nó. Ngay sau đó, với con mắt của một người nhạc sĩ tài năng có thể nhìn ra dấu hiệu của một bản hit, Otis Blackwell ngay lập tức bắt tay với bạn mình hoàn thiện ca khúc mà không ngờ rằng đó chính là ca khúc bất hủ sẽ làm nên tên tuổi của mình.

“Nhân bảo như thần bảo”

Otis Blackwell được coi là đóng vai trò chính trong việc hình thành nên Fever, sau khi tiếp nhận ý tưởng từ Eddie Cooley. Bắt đầu sáng tác từ khi mới 16 tuổi, và đã có cảm nhận về âm nhạc từ nhiều năm trước đó trong quá trình học chơi piano, gu âm nhạc của Otis sớm vượt qua các rào cản về văn hóa. Otis sáng tác được đa thể loại, nhưng chủ yếu là R&B và country.

Chú thích ảnh
Ortis Blackwell, một trong những cha đẻ của “Fever”

Người nhạc sĩ khi ấy mới chỉ 25 tuổi, Otis Blackwell đã phải lấy một cái tên giả là John Davenport trong ca khúc, vì khi đó anh vẫn đang có hợp đồng thu âm độc quyền với Joe Davis, và việc phá vỡ điều khoản có thể tác động rất lớn đến sự nghiệp đang trên đà phát triển của anh.

Đến tháng 3/1956, ca sĩ Little Willie John, khi ấy đang bước những bước đi thành công đầu tiên trên con đường Rock’n’roll của mình với bản hit All Around The World vào năm trước đó, đã được mời để thể hiện bản thu âm đầu tiên của Fever. Đĩa đơn được phát hành vào tháng 4 cùng năm, và đúng như dự đoán của Otis Blackwell, ca khúc này đã đưa sự nghiệp dù ngắn ngủi của Little Willie John (anh qua đời trong tù khi chỉ mới 30 tuổi) đến với Sảnh danh vọng Rock’n’roll.

Với hơn 1 triệu bản được bán ra trong năm, được vinh danh là ca khúc R&B bán chạy nhất trên BXH Billboard Mỹ và xếp vị trí thứ 24 tại Billboard Hot 100, Fever là bản tự sự mang âm hưởng blues jazz chậm rãi và da diết với âm thanh du dương của saxophone do Ray Felder và Rufus "Nose" Gore thể hiện, cùng tiếng guitar của Bill Jennings.

Lời bộc bạch có phần cường điệu hóa của một kẻ đang trong “cơn sốt” tình được ngân lên qua cách hát tựa tiếng rên rỉ cắn rứt của Willie John điểm thêm tiếng bật ngón tay đầy cá tính đã làm nên một “cơn sốt” cảm xúc mãnh liệt nhưng cũng rất bất cần cho bài hát.

Chú thích ảnh
Ca sĩ, nhạc sĩ Peggy Lee - người đem lại sự sáng tạo đột phá cho “Fever”

Otis Blackwell và Eddie Cooley tiếp tục phối hợp với nhau trong một số bản nhạc sau đó. Thế nhưng trong khi sự nghiệp của Otis “như diều gặp gió” khi anh trở thành nhạc sĩ sáng tác chính cho “Ông hoàng nhạc Rock and Roll” Elvis Presley, sau sự thành công ngoài mong đợt bản hits làm nên tên tuổi của bộ đôi này là Don’t Be Cruel, thì Eddie lại chật vật trong việc tìm kiếm ánh sáng danh vọng, và sớm bị lãng quên từ sau năm 1961. Otis Blackwell được ghi danh tại Sảnh danh vọng Rock’n’roll vào năm 2010.

Nhạc sĩ Otis Blackwell chia sẻ rằng, ban đầu, Little Willie John từ chối vì không thích phần búng tay trong bài hát, nhưng sau đó lại bị thuyết phục để thay đổi quyết định. Sự thay đổi khôn ngoan ấy sau này đã giúp tên tuổi của anh được biết và nhớ đến rộng rãi, kể cả cho đến những năm đầu thế kỉ 21. Tuy nhiên, người có công lớn nhất trong việc đưa Fever lên đỉnh cao, lọt vào danh sách những ca khúc bất hủ nhất của thế kỉ 20 lại không phải là Little Willie John.

“Nhà tạo mẫu” hóa giải “lời nguyền” lãng quên cho “Fever”

Được cover bởi hàng loạt các tên tuổi đình đám như Madonna, Beyonce... nhưng phiên bản được đánh giá là thành công nhất là bản cover Fever làm nên “thương hiệu” cho nữ danh ca Peggy Lee, khi mà cô thậm chí còn “đi xa” hơn việc chỉ đơn thuần hát lại một ca khúc cũ.

Vào thời điểm thu âm Fever, Peggy Lee đã nổi danh như một nghệ sĩ nhạc pop chịu ảnh hưởng của jazz thực thụ, cùng với bạn bè là Frank Sinatra và Bing Crosby chủ trì thế hệ vĩ đại nhất của âm nhạc. Nhưng, trước khi đạt đến đỉnh cao với “cơn sốt” Fever, Peggy Lee đã phải đi một con đường dài với khá nhiều khúc rẽ.

Rời bỏ quê nhà North Dakota để đến Los Angeles, với hành trang không gì khác ngoài năng khiếu thiên bẩm và giấc mơ cháy bỏng với âm nhạc, Peggy Lee được phát hiện khá sớm và nổi tiếng với bản hits Why Do Not You Do Right? khi chỉ mới 22 tuổi.

Tách mình khỏi những ca sĩ đơn thuần cùng thời, cô ghi dấu ấn bằng bản năng trời phú với âm nhạc và sức sáng tạo không giới hạn, thông qua việc tự tay sáng tác, cải biên, biến tấu lại những ca khúc theo cách riêng, độc đáo và không thể lẫn với bất kì ai khác. Peggy Lee được ví như “nhà tạo mẫu” đầy đột phá cho mọi tác phẩm mà cô “nhúng tay” vào, kể cả đó là một bản cover. Có thể thấy điều đó qua danh mục “sản phẩm” gắn mác của cô như Lover, Pete Kelly’s Blues, album jazz vocal Black Coffee. Hàng loạt những giải thưởng danh giá, trong đó 12 giải Grammy, tất cả đến với cô như là lẽ tất nhiên.

Fever lọt vào mắt xanh của Peggy Lee vào năm 1958. Đúng với bản năng của mình, Peggy đã không “để yên” cho nó. Cô lột bỏ hết những gì thô ráp, cứng nhắc trong phiên bản của Willie John, xóa sạch dấu vết của guitar điện, chỉ giữ lại tiếng búng tay đặc trưng thực hiện bởi chính ca sĩ, kết hợp với nhịp điệu ngẫu hứng của bass và một chút trống. Bài hát cải biên lại quyến rũ hơn được Peggy viết ở cung La thứ, với tiết tấu 135 nhịp/phút.

Cùng với đó, phần lời cũng được Peggy Lee sáng tạo "bổ sung", lồng ghép thêm những điển tích tình yêu mang tính biểu tượng, (“Romeo Loved Juliete”, “Captain Smith and Pocahontas”) rõ ràng phù hợp với sự mơ mộng bay bổng của người con gái hơn phiên bản gốc.

Niềm tin tuyệt đối của Peggy vào sự đột phá này đã không làm cô thất vọng. Fever nhanh chóng bước ra khỏi bóng tối của lãng quên, “ngự trị” trên khắp các BXH đình đám, Top 8 Billboard Hot 100 trong 3 tuần, Top 5 Billboard dành cho thể loại R&B, đặc biệt mang về cho Peggy giải Grammy dành cho giọng ca nữ xuất sắc nhất năm 1958.

Hàng loạt bản cover “tập 2” xuất hiện với giọng ca của Elvis Presley, Sarah Vaughan, Madelene Kane và thậm chí cả The McCoys cũng đã thu về thành công vang dội trên thị trường âm nhạc.

Đối với Peggy, sáng tác và hát chỉ như một bản năng. Cô “quên mất” việc đưa Fever vào một album thực sự mà chỉ đưa vào đĩa đơn. Phần lời mà cô sáng tạo thậm chí còn không được công chúng biết đến, và cô cũng chưa từng lên tiếng về bản quyền cho sự sáng tạo đó.

'Que Sera, Sera' - Đã biết ra sao ngày sau

'Que Sera, Sera' - Đã biết ra sao ngày sau

'Que Sera, Sera' (Whatever Will Be Will Be) là một trong những bài hát nổi tiếng nhất thế giới, công chúng Việt Nam nhiều thập niên qua gần như đã thuộc làu bản Việt ngữ của nhạc sĩ Phạm Duy -Biết ra sao ngày sau.

Sau Fever, trong khoảng 14 năm tiếp theo Peggy tiếp tục sự nghiệp của mình cùng hãng thu âm Capitol với hàng loạt ca khúc vang lên theo tên tuổi của cô như Heart, I’m A Woman, I’m A Woman,…

Cô được ghi danh tại Sảnh danh vọng dành cho nhạc sĩ vào năm 1999.

Cùng nghe lại ca khúc “Fever”:


Nhiều tên tuổi đình đám cover “Fever”

Fever đã được cover lại bởi rất nhiều những tên tuổi đình đám như Elvis Presley, Peggy Lee, bản cover theo phong cách nhạc dance của Madonna, Beyonce… Trong đó đặc biệt là phiên bản của Peggy Lee được coi như sự sáng tạo đột phá so với phiên bản cũ và thậm chí có những bản cover “tập 2” của McCoys hay Elvis Presley.

Hà My
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm