Ca khúc 'Baby One More Time': Lịch sử âm nhạc sang trang nhờ cô gái 17 tuổi

11/08/2019 07:54 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Simon Cowell từng rất khao khát có được Baby One More Time (Anh ơi một lần nữa) để đưa cho nhóm Five. “Đánh hơi” thấy tiềm năng của ca khúc, “ông trùm truyền thông” thậm chí gạ đổi nó với một chiếc Merc 500SL “giá 95.000 bảng đấy”.

20 năm ca khúc '…Baby One More Time': Quá vãng xa mờ

20 năm ca khúc '…Baby One More Time': Quá vãng xa mờ

Mùa Thu này sẽ đánh đấu kỷ niệm 20 năm đĩa đơn đầu tay của Britney Spears, "…Baby One More Time", ra mắt. Cú hit làm thay đổi diện mạo âm nhạc đồng thời biến một ca sĩ nhí thành siêu sao. Trong lần trò chuyện gần đây với Guardian, Spears đã nhìn lại thời điểm đáng nhớ khi bắt đầu sự nghiệp của mình.

Khi biết Max Martin đã quyết định trao ca khúc cho cô gái ít tên tuổi Britney Spears, Cowell vẫn cố vớt vát: “Anh điên rồi! Chẳng ai có thể thành công với một cái tên như thế”.

Hai mảnh ghép hoàn hảo

Kỷ nguyên mới cho âm nhạc đã bắt đầu vào một nửa đêm cuối thập niên 1990. Khi đó, Max Martin bỗng bật mình thức dậy với dòng điệp khúc “hit me baby one more time” (đánh em đi anh ơi, một lần nữa) luẩn quẩn trong đầu. Loạng choạng rời khỏi giường và quờ quạng tìm máy ghi âm, “tôi nhớ đã nghe lại cuốn băng sau khi ca khúc được thổi bùng và có thể thấy tôi nói: Hit me baby one more time… Ồ, khá hay đó”.

Sau khi đã phác thảo phần nào, Martin đã gửi ca khúc, khi đó có tên Hit Me Baby (One More Time), cho nhóm nhạc R&B cá tính TLC nhưng đã bị từ chối. Thành viên T-Boz của nhóm sau này nhớ lại: “Tôi thích ca khúc này nhưng liệu nó có phải một hit? Liệu nó có hợp với TLC?... Liệu tôi có thể hát: Đánh em đi anh ơi, một lần nữa? Ôi, không đời nào!”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tươi trẻ, năng động của Britney Spears trong MV “Baby One More Time”

Bản demo một lần nữa được gửi tới người đồng hương Thụy Điển Robyn nhưng chẳng đi đến đâu. Rất may, sau đó, cuối cùng nó cũng tìm thấy mảnh ghép hoàn hảo cho mình.

Lúc này, phía bên kia Đại Tây Dương, “mảnh ghép” - một cô gái xinh đẹp mới 16 tuổi - đang bơ vơ ở bước đầu sự nghiệp. Tháng 6/1997, Britney Spears - tên “mảnh ghép” - thảo luận với quản lý Lou Pearlman về việc gia nhập nhóm nhạc nữ Innosense. Mẹ cô đã hỏi ý kiến một người bạn của gia đình, luật sư trong ngành giải trí Larry Rudolph, gửi kèm cuốn băng Spears hát một ca khúc của Whitney Houston và vài bức ảnh.

Rudolph quyết định phải đưa cô bé tới một số hãng ghi âm, và do đó, cô cần một bản demo chuyên nghiệp. Rudolph gửi cho Spears ca khúc chưa sử dụng của Toni Braxton và cô đã luyện tập trong một tuần, ghi âm trong phòng thu với một kỹ sư âm thanh. Cô sau đó đã tới New York cùng bản demo và gặp giám đốc của bốn hãng ghi âm rồi trở về nhà ở Kentwood trong cùng ngày. Ba trong bốn hãng đã lập tức từ chối cô. Lý do là bởi khán giả cuối thập niên 1990 muốn nghe những nhóm nhạc - một Spice Girls hay TLC tiếp theo, chứ “không muốn một Madonna khác, một Debbie Gibson khác hay một Tiffany khác”. Nhưng hãng còn lại - Jive - sau một thời gian suy nghĩ, nhìn thấy tiềm năng ở Spears.

Cựu ngôi sao CLB chuột Mickey đã “rất lo lắng” trong lần thử giọng này. “Thật dễ dàng khi hát trước hàng ngàn người bởi bạn không thấy khuôn mặt họ nhưng đây lại là trong một căn phòng, nơi có 10 người nhìn bạn chằm chằm”. Tuy nhiên, Spears đã vượt qua xuất sắc với ca khúc kinh điển I Have Nothing của Whitney Houston. “Rất hiếm người ở tuổi này có thể mang tới sự rung cảm trong âm nhạc và lại lôi cuốn như thế” và hơn thế, có “đôi mắt hổ” như Spears, như giám đốc cao cấp của A&R Jeff Fenster nhớ lại sau đó.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “Baby One More Time”

Sau khi định hình được giọng hát “Britney rõ ràng, không thể nhầm lẫn”, Fenster đã mời nhà sản xuất Max Martin từ Thụy Điển tới New York để gặp Spears. Sau đó, Martin về lại nhà sáng tác một loạt ca khúc cùng cộng tác lâu năm Denniz Pop.

Do Pop đổ bệnh, Martin phải mời Rami Yacoub. Khi đã có sáu ca khúc, Spears bay tới phòng thu Cheiron ở Stockholm, Thụy Điển và ghi âm đến nửa album trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 4/1998. Yacoub sau này nhớ lại về Spears khi đó là một cô gái “rất nhút nhát nhưng siêu ngọt ngào. Cô bé vẫn là một đứa trẻ mà chúng tôi không biết rằng ẩn dưới vẻ ngoài ngây thơ đó là một nghệ sĩ quái vật”.

Trong số các ca khúc được thu âm ở giai đoạn này, đặc biệt có Baby One More Time. “Tôi biết đó là một ca khúc tuyệt vời. Nó khác biệt và tôi thích nó. Tôi chỉ không đoán ra nó sẽ được đón nhận ra sao” - Spears hoài niệm.

Được quay MV tại trường trung học Venice, Baby One More Time theo chân một nữ sinh đang buồn chán vì tình yêu tan vỡ, khai thác hoàn hảo thành công đang lên của những bộ phim trung học thời đó. Spears cũng phải thay đổi trang phục từ quần jean, áo phông thành đồng phục học sinh. Thú vị là tất cả trang phục trong MV đều tới từ Kmart với giá đều ít hơn 17 USD. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, nó mang tới sự chân thực, và từ đó nó có được sự quyến rũ ngây thơ.

Ban đầu, ca khúc giữ nguyên tên Hit Me Baby (One More Time) nhưng sau đó, hãng ghi âm Jive cảm thấy không thoải mái với ý niệm về bạo lực nên đã cắt bỏ chữ “hit me” đi.

Bất hủ tới từ sự nhầm lẫn

Tuy nhiên, hành động giảm thiểu rủi ro của Jive vẫn không khiến ca khúc thoát khỏi những chỉ trích khi ra mắt vào năm 1998. Một số người phê phán Britney Spears làm hư hỏng giới trẻ Mỹ với vũ đạo khoe bụng.

Bất chấp làn sóng lo lắng trong thập niên 1990 về những video phô bày tình dục ở mức báo động, Baby One More Time là đĩa đơn đầu tiên tới từ một ngôi sao không ngại thể hiện vẻ nữ tính của mình, với tất cả sự gợi cảm, giận dữ cũng như sầu tủi, tạo nên khoảnh khắc lịch sử trong âm nhạc.

Khán giả rất đón nhận điều này. Vừa ra mắt, ca khúc lập tức thành “chén thánh” của các đài phát thanh Mỹ, giúp hồi sinh nhạc pop trong giai đoạn rock thống trị với âm thanh pha trộn giữa R&B vui nhộn với giai điệu ABBA. Nó bán được 500 ngàn bản trong ngày đầu ở Mỹ và đứng đầu các BXH ở ít nhất 18 quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ. Siêu sao sinh ra sau một đêm, đó là Britney Spears cùng Baby One More Time.

Nhưng đây không phải sao chổi sớm vụt tắt mà chính xác là vầng mặt trời, ngôi sao mang tới sự sinh sôi nảy nở cho nhiều thế hệ sau. Spears được đánh giá là một trong những nghệ sĩ lớn đầu tiên của chu kỳ pop mới, bắt đầu từ cuối những năm 1990.

Vô số nghệ sĩ nhạc pop ngày nay đều nợ ít nhiều từ ca khúc năm 1998 của cô gái Britney Spears: Sự tự hào giới tính và tất nhiên, bởi không phải ai, giờ cũng như những năm 1990, có khả năng bình thản nhảy qua những quãng tám như Whitney Houston hay Mariah Carey.

Thú vị là sau bao nhiêu năm bị gán mác cổ súy bạo lực, bạo dâm hay một ẩn dụ nào đó liên quan, tới năm 2013, 17 năm sau khi ra đời, Baby One More Time mới được giải oan. “Hit me” (đánh em đi), hóa ra chẳng có gì liên quan tới nghĩa đen. Tất cả đến từ trình độ tiếng Anh có phần non kém khi đó của Martin, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tới nền âm nhạc hiện đại về sau: Tác giả người Thụy Điển ngỡ “hit” trong tiếng lóng của Mỹ là “gọi”. Và thế là “Gọi cho em một lần nữa đi anh” đầy tha thiết bỗng lại trở thành nỗi bối rối cho người nghe.

Nhưng chẳng phải rất nhiều khoảnh khắc biến đổi của lịch sử sinh ra từ một sự nhầm lẫn?

Tiền đề cho nhiều “sao” nhạc pop

Có thể nói rằng, nếu không có khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong lớp học của Spears, với áo sơ-mi buộc túm và cây bút đính lông hồng, nhiều khả năng, chúng ta sẽ không có Katy Perry với áo ngực hình bánh trong California Gurls, Taylor Swift với màn trả thù quyến rũ trong Look What You Made Me Do, Selena Gomez bốc lửa trong Bad Liar, Rihanna với sự khiêu gợi kỳ bí trong Pour It Up hay Lady Gaga bốc lửa kỳ quái trong Paparazzi.

Hay nói đúng hơn, hẳn sẽ không có Christina Aguilera, không có Katy Perry, không có Charli XCX như ngày nay; Taylor Swift có lẽ vẫn hát những ca khúc đồng quê, và Eminem - người xuất hiện năm 1999 - sẽ không có nhiều đất mà ca thán.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm