V-League trên mũi giầy ngoại binh

10/05/2019 08:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Văn Toàn (HAGL), Trùm Tỉnh (Khánh Hòa) và Hải Huy (Than Quảng Ninh) là 3 chân sút nội lọt vào tốp 10 cầu thủ đang dẫn đầu danh sách “dội bom”, tính đến trước lượt trận thứ 9 Wake-up 247 V-League 2019. Tuy nhiên, bộ 3 này cũng chỉ ghi 11 bàn thắng/41 bàn tổng cộng, tức là 1/4, con số bị cho là khá khiêm tốn nếu so với các chân sút ngoại.

VIDEO: 4 điểm nhấn vòng 8 V-League 2019

VIDEO: 4 điểm nhấn vòng 8 V-League 2019

Vòng đấu thứ 8 V-League khép lại với rất nhiều diễn biến có phần bất ngờ trong cuộc đua ở 2 đầu bảng xếp hạng. TPHCM và Hà Nội đang tạo nên cuộc so kè đầy quyết liệt và thay phiên nhau đánh chiếm vị trí dẫn đầu.

Rồi cũng nói thêm, bản thân Hải Huy, Trùm Tỉnh và Văn Toàn cũng không phải các tiền đạo thuần túy. Trong số các chân sút nội, khá nhất có Anh Đức của B.Bình Dương, với 3 bàn thắng, sau 8 trận đấu.

Việc các tiền đạo nội nói riêng và cầu thủ nội nói chung thường phải chịu thiệt thòi trước đồng nghiệp ngoại quốc, không phải là điều lạ lẫm gì trong lịch sử V-League 20 năm tuổi. Cho đến nay, Anh Đức và cựu tiền đạo Cảng Sài Gòn là Hồ Văn Lợi, là 2 cái tên Việt Nam hiếm hoi từng giành danh hiệu “vua phá lưới” giải đấu cao nhất xứ sở, ở thời kỳ đỉnh cao phong độ của họ. Cả Huỳnh Đức, Công Vinh hay Việt Thắng, Công Phượng..., sau này, đều chưa một lần nếm trải vinh dự ấy.

VIDEO: 4 điểm nhấn vòng 8 V-League 2019

Chiến thuật và sự sắp xếp nhân sự phụ thuộc vào các HLV. Các cầu thủ ngoại và Tây nhập tịch được mua về, để đảm bảo hiệu suất ghi bàn và có đôi khi là hệ số an toàn. Họ thường chơi ở các vị trí xung yếu như trung phong, trung vệ và thậm chí là thủ môn, là điều dễ hiểu. Bởi với vai trò này, nội binh khó thể so với đồng đội người ngoại quốc.

Chuyện đâu chỉ xảy ra với bóng đá Việt Nam, mà các giải VĐQG hàng đầu thế giới cũng thế thôi. Chất xám ngoại lực giúp nâng tầm giải đấu và nâng tầm nền bóng đá, đấy là sự thật.

Chuyện HLV Park Hang Seo mới đây than phiền trên mặt báo về việc, các vị trí quan trọng trong đội hình ĐTQG thường xuyên không giành được suất đá chính tại CLB và ông cảm thấy lo lắng vì điều này. Thực ra, trước ông Park, phần lớn các HLV tiền nhiệm người ngoại quốc cũng đều nói thế.

Vấn đề là, họ phải xây dựng một hệ thống chiến thuật linh hoạt, để đảm bảo tính hiệu quả, chứ không chỉ biết ngồi đó than vãn. Việc được tập luyện và thi đấu bên cạnh các ngoại binh chất lượng mỗi tuần, cũng giúp ích rất nhiều cho cầu thủ Việt Nam trong việc nâng tầm.

Lịch sử bóng đá Việt Nam không thường xuyên sản sinh ra mẫu các trung phong và trung vệ cao to, bởi nó liên quan đến vấn đề giống nòi và dinh dưỡng thể thao. Song không phải chúng ta không có các tiền đạo biết cách chiếm lĩnh không gian; cũng như các trung vệ đọc tình huống tốt và dẻo dai.

Ông Park há chẳng phải đã và đang thành công với những con người hay nhất ở từng vị trí, mà nền bóng đá hay nói thẳng ra là các CLB cung ứng đấy sao. Ngoài ra, mới đây VFF còn bật đèn xanh để thuyền trưởng người Hàn Quốc thử nghiệm các cầu thủ Việt kiều.

Việc hạn chế các suất đăng ký ngoại binh/CLB ở V-League và giải hạng Nhất quốc gia, kéo dài hơn nửa thập niên qua và chúng ta đã phải nhận đủ những hệ luỵ từ kiểu làm "ngăn sông, cấm chợ" này rồi. Chất lượng các trận đấu và giải đấu đi xuống, kéo theo rất nhiều thứ. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tự cường, do đó vẫn cần chất xám ngoại lực, ở cả cabin Ban huấn luyện và đội ngũ “lính đánh thuê”.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm