Cần giáo dục văn hoá Internet?

21/07/2008 12:02 GMT+7 | Cuộc sống Số

Sau hơn 10 năm được sử dụng ở Việt Nam, Internet ngày càng cuốn hút mọi người, đa phần là lớp trẻ, với những mặt tích cực và không ít tiêu cực. Các chuyên gia đã nói về sự giáo dục văn hóa Internet như một giải pháp để tránh tình trạng giới trẻ tiếp xúc, sử dụng và chịu tác động tiêu cực của Internet một cách tự phát, thiếu định hướng. Có nên chăng cần giáo dục văn hoá Internet?
 
 
"Internet như 1 vòng tròn khổng lồ, không biết lối ra; khi nghiện Internet, học hành chểnh mảng, sức khỏe sa sút; lười, xa lánh gia đình, sống trong thế giới khác... Internet như một loại thuốc gây nghiện, không dễ dàng bỏ được”. Đó là hồi ức của một blogger có tên là “Hằng Mun”. Tác giả của nó đã bị suy nhược sau một thời gian dài lang thang trên mạng, đến nỗi phải vào viện điều trị 3 năm trước đây.
Đáng chú ý hơn cả là hiện tượng “bùng nổ” các trang Blog, với sự tự do trao đổi thông tin đa chiều. Theo nhóm quản trị mạng Blog Việt Nam, tốc độ tăng trưởng mỗi tháng của mạng này là 60%. Trên mạng Blog.com, sau 6 tháng hoạt động, Blog Việt Nam đã có hơn 70.000 thành viên chưa kể các blogger không đăng ký khác. Một số blogger nổi tiếng đã có khả năng tác động đến 1 bộ phận dư luận xã hội, cả tích cực và tiêu cực.
Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, đến nay, Internet đã thu hút hơn 20 triệu người Việt Nam sử dụng (gần 25% dân số), mà đa phần là thanh thiếu niên. Internet có 1 sức hấp dẫn không nhỏ, so với báo chí. Theo kết quả điều tra của Viện Văn hóa - Thông tin, 62% thanh niên sử dụng Internet vào mục đích chơi điện tử trực tuyến, 70% là để giao lưu, nhưng chỉ có 1,4% tìm thông tin cho công việc!
Như vậy, thanh niên Việt Nam chưa thực sự khai thác mặt tích cực của Internet là kho thông tin, tri thức của toàn nhân loại.
Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng: cần giáo dục một văn hóa Internet, trên cơ sở nắm được tâm lý thanh niên và lý do cuốn hút của Internet.
 
Những biện pháp quản lý như “Bức tường lửa” hay quản lý các đại lý Internet không thể đạt hiệu quả triệt để. Trong một thế giới có Internet, đòi hỏi một cách tiếp cận thích hợp trong thông tin, giáo dục và tuyên truyền.
Trung Kiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm