Xuân Phượng - Sức sống tuổi vàng

01/10/2020 12:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đại dịch của Covid-19 khiến bao người lâm vào cảnh khốn khó, làm chao đảo cả nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà có một nữ nghệ sĩ tuổi vàng đã bước qua sinh nhật lần thứ 92, lại sử dụng rất đắc địa những ngày tháng cách ly xã hội bằng cách ngồi viết hồi ký đời mình và đặt tên cho nó là Gánh gánh gồng gồng như một câu đồng dao đất Việt, nhưng lại cứ như là biểu tượng dành cho nhân loại trong những tháng ngày gánh gánh gồng gồng sự trĩu nặng của đại dịch. Người đàn bà tuổi vàng đáng yêu kính ấy chính là nữ nghệ sĩ điện ảnh Xuân Phượng.

Nghệ sĩ Violin Anh Tú ra mắt MV 'Giai điệu Tổ quốc' đúng ngày 2/9: Tất cả vì tình yêu Tổ quốc

Nghệ sĩ Violin Anh Tú ra mắt MV 'Giai điệu Tổ quốc' đúng ngày 2/9: Tất cả vì tình yêu Tổ quốc

Nghệ sĩ Violin Anh Tú cùng ê-kíp ra mắt MV Giai điệu Tổ quốc đúng dịp Quốc khánh 2/9. Ca khúc được hòa âm phối khí bởi Nhạc sĩ Lưu Hà An và phần biểu diễn đặc biệt của nghệ sĩ Violin Anh Tú khiến người nghe trào dâng niềm xúc động, tự hào.

Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, cái tên Xuân Phượng luôn được thì thầm ở các chiếu rượu, ở các tụ quần nhỏ như một người nữ nhiều tố chất đặc biệt. Tôi không nhớ rằng tôi đã được quen bà từ hồi nào, mà chỉ nhớ đấy là một bà chị yêu kính của làng văn nghệ nói chung và của tôi nói riêng.

Tất nhiên là không nhớ rành mạch thôi, nhưng chắc là ở thập niên 80 của thế kỷ cũ. Tôi đồ rằng bà quý tôi là do trưởng nam “Phước râu” của bà vốn là “bạn nhậu” của Nguyễn Duy và tôi, đã kể về tôi để bà nghe và quý. Lúc ấy, chúng tôi lênh phênh phiêu dạt khắp xứ. Hình như nhận ra điều đó trên bản mặt của tôi nên cứ khi nào gặp là bà dúi cho ít tiền. Ngượng thì có ngượng song cầm thì cứ cầm. Cầm vội là khác. Đang thèm rượu đây.

Thực ra qua lời các đàn anh, chúng tôi đã biết bà là một người đặc biệt. Làm đủ thứ nghề từ sản xuất thuốc nổ đến nghề y, rồi quay ngoắt sang điện ảnh chiếm lĩnh bao giải thưởng, cuối đời bà là một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng, là một nhịp cầu lưu thông văn hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Chưa hết, từ lâu, anh em đã rỉ tai nhau bà này viết văn bằng tiếng Pháp, được nhà xuất bản ở Pháp mến mộ lắm, còn dịch sang tiếng Anh nữa. Chưa chừng còn nhiều thứ tiếng khác nữa ấy chứ. Chính bà nói với tôi, đó là cuốn hồi ký Áo dài và cái hay của nó là ở chỗ khi viết bằng tiếng Pháp thì tên sách vẫn phải là chữ Việt Nam được “Pháp hóa” thành “Ao dai” cũng như “nước mắm” thành “nuoc mam” ấy mà. Chơi thế thật lợi hại.

Nguyên do bà Xuân Phượng viết hồi ký Áo dài bằng tiếng Pháp vì năm 1989, sau 44 năm ly tán (1945-1989), bà mới được gặp lại các em và má tại Paris. Đấy là cuộc gặp gỡ đầy chất thơ, khi bà Xuân Phượng từ Sài Gòn bay sang Paris thì má và các em bà bay từ California (Mỹ) sang Paris. Paris không chỉ là nơi diễn ra Hội nghị lập lại hòa bình ở Việt Nam sau chiến tranh chống Mỹ xâm lược, mà còn là nơi hàn gắn những gia đình Việt Nam do chiến tranh mà đã bao thập kỷ “xẻ đàn tan nghé”.

Chú thích ảnh
Nữ nghệ sĩ điện ảnh Xuân Phượng và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, tác giả bài viết

Trong cuộc gặp, má bà nói: “Phượng ơi! Con theo họ làm chi cho gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ bà con”. Câu hỏi ngắn nhưng không thể tìm được câu trả lời ngắn hơn câu hỏi. Bởi vậy, bà Xuân Phượng đã trả lời má bằng cuốn hồi ký Áo dài.

Viết cuốn hồi ký Áo dàinổi tiếng ở ngoại quốc như thế, nhưng hầu như trong nước ít ai biết đến bà. Đã đến lúc còn sức, còn thì giờ, cần dịch ra tiếng Việt cho người trong nước thưởng thức như cách mà mọi người đã thực hiện với Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên và những tác phẩm khác của Pha Văn Ký, Phạm Duy Khiêm v.v... Nhưng cần gì phải dịch nhỉ? Sao không viết lại hồi ký bằng tiếng Việt. Và thế là nhân khoảng thời gian bùng phát mạnh mẽ đại dịch Covid-19, thì bà Xuân Phượng ở nhà lặng lẽ, âm thầm “bùng phát cảm xúc” để hoàn thành hồi ký bằng tiếng Việt. Nhưng chỉ có khác là thay vì cho đầu đềÁo dài, bà đặt một cái tên thật dân dã Việt Nam nhưng lại khái quát được tình cảnh của cả thế giới đang đương đầu với đại dịch. Vậy là cái tên Gánh gánh gồng gồngđược chọn. Một cái tên phải mất cả một đời xiêu dạt mới có thể chọn nổi. Đấy chính là “sức sống của tuổi vàng”.

***

Gánh gánh gồng gồng tuy viết lại cuộc đời thực của bà Xuân Phượng, nhưng xung quanh bà là đầy đủ xã hội Việt Nam từ những năm thuộc Pháp cho đến ngày hôm nay. Đấy không còn là bi kịch của một người, mà còn là của nhiều người, mà trong đó sâu đậm là bi kịch của tầng lớp trí thức “nguyên khí Việt Nam” suốt một thời gian dài thăng trầm của lịch sử.

Viết Gánh gánh gồng gồng, bà Xuân Phượng không sa vào kể lể ề à những sự kiện mà tất cả qua bà, đã được “văn chương hóa” đẹp và cuốn hút. Một tác phẩm văn chương đáng nể phục, mà nhất là tác giả của nó đã ở tuổi 92. Trên trục chính trải dài theo thời gian của cách viết hồi ký cổ điển, bà Xuân Phượng luôn có những đoạn viết về những con người đó, những sự kiện đó đã hiện diện ở thì hiện tại như thế nào. Bởi thế, người đọc luôn luôn được gợi mở, kích thích, tò mò muốn xem tiếp. Dòng chảy ký ức bởi thế đã không nhàm chán.

Tôi thực sự bất ngờ và khâm phục cuộc đời bà Xuân Phượng khi bà đã sống và tái hiện đến lạnh lùng khoảnh khắc “tiến về Hà Nội” của mẹ con bà. Ai cũng nghĩ ngày ấy cả miền Bắc tưng bừng cờ hoa, người người vui cười, hoan hỉ trở về trong chiến thắng. Nhưng ai biết đâu đằng sau những thước phim mà đạo diễn tài năng Carmen ghi lại, còn đầy những cuộc trở về gian nan. Song cái lớn lao ở khoảnh khắc ấy là khi tình người Việt Nam bùng cháy, bao bọc nhau, che chở nhau đúng như câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương - người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Trong khi mẹ con bà Xuân Phượng lôi thôi, lếch thếch “gánh gánh gồng gồng” nhau tiến về Hà Nội đến kiệt sức, quỵ nằm bên một ngôi chùa cổ (chứ chẳng phải nhan nhản chùa xây hôm nay) ở Tuyên Quang, chắc Đức Phật từ bi đã vì nhìn thấy lòng thành của mẹ con bà Xuân Phượng nên đã run rủi tạo ra cuộc gặp gỡ giữa mẹ con bà và bà Tùng Hiên. Nhân duyên thật lạ lùng. Không đấy mà một đấy. Mà đầy. Ở đời, con người sống được, chịu đựng gánh bi kịch cả đời mình trên vai vui vẻ, có lẽ cũng là nhờ cái nhân duyên ấy. Hóa ra bà Tùng Hiên đã từng lên Đà Lạt cùng thân sinh và đã từng gặp ông đốc Căn - ba bà Xuân Phượng. Thế là mẹ con bà Xuân Phượng đang bê tha như kẻ ăn mày, bỗng dưng trở thành khách quý của bà chủ hiệu tơ lụa phố Hàng Đào.

Chú thích ảnh
“Gánh gánh gồng gồng” của Xuân Phượng

Nhưng kịch tính của câu chuyện này đã được cây bút vi diệu của bà Xuân Phượng đẩy tới thật bất ngờ liên tiếp. Cứ ngỡ được cưu mang ở nơi sang trọng như thế, khi chồng đến đón phải mừng và cám ơn người cưu mang. Vậy mà không ai tin nổi khi chồng bà - cũng là một trí thức đi theo cách mạng - đến đón mẹ con bà thấy cảnh sang trọng ấy, đã nói với bà rằng: “Sao em lại ở đây? Thế chúng ta làm cách mạng để làm gì?”. Bà Phượng ôm con nín lặng về căn buồng 10 mét vuông ở số 1 Lê Phụng Hiểu. Nhưng vài năm sau, khi cải tạo tư sản, thì bà Tùng Hiên lại trở về “kẻ ăn mày” như mẹ con bà Phượng khi “tiến về Hà Nội”. Chính lúc ấy, tiếng nói nhân văn trong con người trí thức của chồng bà đã lên tiếng đúng chỗ. Ông đã lấy tiêu chuẩn gạo và nước mắm của mình đưa cho bà Xuân Phượng tìm biếu bà Tùng Hiên, trong khi gia cảnh của ông cũng chẳng dư dả gì. Ai cũng nghĩ câu chuyện này đến đây là xong. Ở đời là thế. “Có vay, có trả”. Ráo hoảnh. Đấy là ứng xử trung bình của bao người ngày xưa từng được cưu mang khi khốn khó. Nhưng có người còn tệ hơn là quên hẳn những cưu mang đó mặc dù mình đang “vinh thân phì gia”. Bà Xuân Phượng đúng là một nghệ sĩ thật nặng lòng. Bà không thể ráo hoảnh. “Điều khốn nạn là không thể nào khác được - Không thể không tình yêu không tin ở con người” (Thơ Nguyễn Thụy Kha).

Trong chiều ra mắt sách Gánh gánh gồng gồng ngày 24/9 vừa qua, bà đã mời được con gái bà Tùng Hiên đến dự buổi lễ. Nhìn bà cũng đã gầy vì tuổi già, nhưng cốt cách sang trọng, nền nếp gia phong thì vẫn còn vẹn nguyên trong ứng xử, trong sự kiệm lời. Có lẽ đấy chính là chiến thắng lớn nhất của dân tộc ta qua bao nhiêu cuộc bể dâu “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

***

Tôi rất chịu cái giọng văn điềm tĩnh, bao dung, không hằn học của tác giả. Nó làm nên giá trị, tầm vóc của tác phẩm. Thật quá vui mừng cho một “sức sống của tuổi vàng”. Bà tự nhiên thành tấm gương cho các thế hệ sau soi vào. Cuốn hồi ký không dày ở số trang, nhưng rất dày về nghệ thuật. Rất đáng để đọc bằng sách trong thời kỳ “đọc trên mạng” hôm nay.

Vậy là với Gánh gánh gồng gồng, tôi lại thêm lần nữa chịu ơn bà Xuân Phượng. Cách đây đúng 10 năm, cũng vào dịp tháng 9 năm 2010, bà mời tôi sang Hong Kong (Trung Quốc), xứ sở của “vô lăng bên phải - mặt đất là chiều cao” để dự một triển lãm của các họa sĩ Việt Nam do bà cùng Tổng lãnh sự của ta ở Hong Kong tổ chức nhân dịp 65 năm thành lập nước. Nhờ thế mà tôi có điều kiện đến chiêm ngưỡng sân bóng nhỏ, nơi Bác Hồ ngày 3/2/1930 đã cùng các đại biểu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng nhờ thế, tôi có một hoàng hôn thật đẹp ngồi bên bãi biển đến không muốn về. Tôi thầm nghĩ mình là người may mắn. Chỉ cần bay trong hai tiếng, tôi đã ở Hong Kong. Nghĩ mới thương cho bao thuyền nhân một thời, chỉ mơ ước tới được đất này mà không được. Họ đã chìm vào đáy biển mang theo mơ ước “tìm đến miền đất hứa” của mình. Nghĩ vậy là muốn khóc. Đấy là giây phút yếu mềm.

Ứng xử của bà Xuân Phượng với khách mời trong triển lãm đã khiến tôi sực tỉnh để vượt qua giây phút yếu mềm. Phải sống thật xứng đáng với những gì mình đang sống. Bà Xuân Phượng đã làm được thế. Mười năm trước đã thế. Đến hôm nay vẫn thế. Bà là người nữ nghệ sĩ không tuổi chăng?

Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm