Xem tranh thủy mặc của Tạ Duy: Mọi rung động dù nhỏ nhất cũng đủ thành tranh

16/08/2022 18:54 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm trưng bày 17 tranh thủy mặc khổ lớn của Tạ Duy đang diễn ra tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến ngày 20/8. Anh là một gương mặt khá hiếm hoi trong giới họa sĩ Việt Nam đương đại theo đuổi dòng tranh này.

Bày tranh thủy mặc mừng Quốc khánh

Bày tranh thủy mặc mừng Quốc khánh

Chiều qua 28/8, tại 218A Pasteur, Q.3, TP.HCM, CLB Mỹ thuật người Hoa thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc triển lãm tranh thủy mặc chào mừng 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Từ triển lãm cá nhân đầu tiên Sự khởi đầu năm 2018 tới nay khán, giả mới có dịp chiêm ngưỡng tập hợp số lượng lớn các tác phẩm thủy mặc của Tạ Duy.

Nghệ thuật như hơi thở, như cơm ăn áo mặc

Trong quãng đường 5 năm theo đuổi và thực hành nghệ thuật thủy mặc cho tới nay, các quan điểm và chủ đề trong các tác phẩm của Tạ Duy vẫn xuyên suốt. Tạ Duy không muốn bấu víu vào một chủ đề bất biến nào. Mọi sự rung động dù nhỏ nhất trong đời sống cũng đủ để thành tranh.

Trong lời tự bạch, anh chia sẻ: “Từng con chim, ngọn cỏ, chiếc lá… cho đến từng biểu hiện nhỏ nhoi nhất, vô danh nhất của sự sống đều đáng quý trọng, đều đem lại cho tôi sự thân thuộc yêu mến. Trân trọng mọi biểu hiện của sự sống chính là nguồn cảm hứng để tôi nuôi dưỡng nghệ thuật của mình. Nghệ thuật, đối với tôi, là cánh cửa để bước tới và hòa mình vào thế giới kỳ diệu của tạo hóa”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Tạ Duy

Một người họa sĩ thế hệ trước - Trịnh Hữu Ngọc (1912 - 1997) - cũng đã sống và thực hành hội họa theo một cách hết sức giản dị. Ông sống vàvẽ tại một túp lều nhỏ ven hồ Tây mà ông gọi là “lều vịt”- một cuộc đời của thiền họa. Mỗi ngày ông đều vẽ đi vẽ lại một cái cây gần nhà. Với ông hành động vẽ cũng như hành động hít vào thở ra, “vẽ lặp đi lặp lại một cái cây mà không thấy chán, tức là còn tình yêu với nghệ thuật”.

Còn với Tạ Duy, “tôi vẽ tranh, vẽ thủy mặc đơn giản như cơm ăn nước uống hàng ngày, vì tôi yêu nó, muốn sống chung với nó. Tôi biết chắc chắn mình sẽ dành cả đời cho nó. Giản đơn vậy thôi”.

Các tác phẩm trong triển lãm lần này được đặt những cái tên giản dị như: Xuân sớm, Chớm Thu, Lập Đông, Xuân quang, Ao Thu, Sương Thu… Ở đó, Tạ Duy đem đến những khoảnh khắc của tiết trời đất trong chớp nhoáng rung cảm của tâm hồn họa sĩ. Những tác phẩm này được vẽ bằng màu nước và màu gouache trên lụa - một sự tìm tòi thử nghiệm bởi màu gouache không dễ để vẽ trên chất liệu mỏng như lụa mà đạt được sự trong trẻo.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Lập đông (2021), kích thước 80x80 cm, màu trên lụa. Tác giả Tạ Duy. Ảnh: The Muse Art Space

Ao Thu là một tác phẩm khá đặc biệt trong bộ tranh. Đối tượng chính trong tác phẩm là chiếc lá sen đã ngả màu vàng úa với những đường công tua (contour) màu nâu diễn tả thêm tầng biểu hiện của thời gian. Nhưng trong khoảng trống mà bức tranh để lại còn có 1, 2 con nhện nước và cá vàng. Bản thân cái tên cũng gợi nhớ đến hình tượng ao Thu trong bài thơ nổi tiếng Thu điếu của Nguyễn Khuyến (1835 - 1909): “Ao Thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo…”. Cũng giống như bài thơ trên, Ao Thu của Tạ Duy vẽ về những đối tượng hết sức nhỏ bé, giản dị của đời sống. Cũng giống như truyền thống trong thi ca Việt Nam, những nhà thơ học hỏi theo lối thi ca Trung Hoa nhưng lại thể hiện những chủ đề, cái tinh thần của cuộc sống rất chân phương Việt Nam. Và chính vì sự gần gũi, đơn giản, mộc mạc đã làm nên sự khác biệt không thể trộn lẫn trong biểu cảm/ biểu đạt của tinh thần Việt Nam so với Trung Hoa.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Ao thu” (2021), kích thước 80x80 cm, màu nước trên lụa. Ảnh The Muse Art Space

Mỹ cảm trongtranh thủy mặc

Khởi nguồn của tranh thủy mặc từ Trung Quốc vào thời nhà Đường (618 - 907), đến thế kỷ 14, tranh thủy mặc được truyền sang Nhật Bản bởi các thiền sư thuộc Thiền tông. “Thủy” là nước, “mặc” là mực, tranh thủy mặc được vẽ bằng cách mài mực pha với nước, sắc thái chỉ có 2 màu đen trắng. Sau này, thủy mặc có thể kết hợp giữa mực và màu nước và có thêm ít màu sắc.

Tranh thủy mặc đặc biệt tập trung vào nét vẽ và tinh thần của vật thể cảnh vật hơn mô tả. Điều quan trọng nhất là truyền tải được sự sống động và thần thái của đối tượng. Tranh thủy mặc là một hình thức nghệ thuật mang đậm tính triết học và mỹ học hội họa phương Đông. Người xem tranh thủy mặc cũng cần có hiểu biết nhất định về các chuẩn mực hay quan điểm thẩm mỹ của phương Đông để cảm nhận được vẻ đẹp của dòng tranh này.

Tạ Hách, một họa gia nổi tiếng ở Trung Hoa thế kỷ 6, từng tóm tắt lục pháp - 6 nguyên tắc trong hội họa cổ điển Trung Hoa. Những nguyên tắc này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ sau đó để đánh giá cái hay cái đẹp đối với thủy mặc nói riêng và hội họa cổ điển Trung Hoa nói chung. 6 nguyên tắc đó là: Khí vận sinh động/ Cốt pháp dụng bút/ Ứng vật tượng hình/ Tùy loại phú thái/ Kinh dinh vị trí/ Truyền di mô tả.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Hoàng yến (2021), kích thước 80x80cm, màu trên lụa. Tác giả Tạ Duy. Ảnh: The Muse Art Space

6 nguyên tắc ý nói: Đầu tiên, phải tạo được cái không khí sống động trong bức tranh. Thứ 2, dựng nên cấu trúc của đối tượng bằng bút pháp của họa sĩ. Thứ 3, miêu tả hình dáng của sự vật tương ứng. Thứ 4, tùy từng sự vật mà cho những màu sắc thích hợp. Thứ 5, sắp xếp vị trí của sự vật tạo bố cục theo ý của họa sĩ. Thứ 6, học hỏi những cách vẽ được truyền lại của người xưa.

Trong sáu nguyên tắc này, nguyên tắc cuối cùng được áp dụng như một truyền thống trong hội họa thủy mặc Trung Hoa và cũng chính điều này đã góp phần cho thủy mặc trở thành dòng Quốc họa- dòng hội họa chính thống và đặc trưng, được tiếp nối lâu bền nhất trong lịch sử hội họa trên thế giới.

Những nguyên tắc còn lại, có rất nhiều điểm liên quan đến tinh thần của Đạo giáo - một nhánh triết học và tôn giáo đặc hữu chính thống của Trung Quốc ra đời khoảng thế kỷ 4 trước công nguyên, xuất phát từ Lão Tử và tác phẩm Đạo Đức Kinh. Trong học thuyết của Lão tử: “Khí” là một phạm trù căn bản đi cùng với “Đạo”. “Đạo bao hàm khí”. Khí là sự hỗn độn của “Đạo”, khí phân hóa thành “âm” và “dương”. Vạn vật sản sinh từ sự giao hòa của âm dương chính là sự thống nhất của “khí”. Khí vận hành lưu thông sinh ra sự vận động biến hóa. “Đạo” và “Khí” là bản thể của mọi vật. Như vậy, yếu tố khí còn được hiểu là khí chất bẩm sinh, thuộc về bản năng. Theo Quách Nhược Hư (thế kỷ 6): “Hầu hết các kiệt tác trong quá khứ đều do các học giả vĩ đại vị thế cao sang hoặc các ẩn sỹ sống gần thiên nhiên tạo ra. Bởi họ sống cuộc đời của những con người đích thực và tìm sự thư giãn trong hội họa, đắm mình vào nó, nên tư duy cao bởi chí khí của họa sỹ cao, và khí vận sinh động có cao thì bức tranh mới tràn trề sức sống…” - họa sĩ Nguyễn Đình Đăng dịch.

Bên cạnh đó, trong học thuyết của Lão Tử, “Tượng” chỉ hình của vật cũng không thể thoát ly khỏi “khí” và “đạo”. “Tượng phải thể hiện “đạo” và “khí” mới thành đối tượng thẩm mỹ” -Diệp Lang viết trong Đại cương Lịch sử Mỹ học Trung Quốc.

Đối với kỹ thuật vẽ tranh thủy mặc, họa sĩ thể hiện cái tài tình trong việc một nét bút có thể có đủ 3 sắc độ: Đậm đen, xám bạc, trắng. Hay trong 1 nét bút có chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ sáng chỗ tối, chỗ nhấn chỗ buông, nét to nét nhỏ, đường hướng của hình, nét… Mỗi nét vẽ sau khi hạ bút lên giấy và kết thúc thì không thể tẩy xóa và coi như đã hoàn thành.

Như vậy để thấy, đối với tranh thủy mặc, bằng vốn kiến thức về mỹ học Trung Hoa và những quan sát trực tiếp, người xem hoàn toàn có thể cảm nhận được cái thần khí, khí chất của người họa sĩ thể hiện qua bút lực và bút pháp.

Tạ Duy là một trong số ít những họa sĩ trẻ Việt Nam đam mê với hội họa cổ điển phương Đông. Những chủ đề mà Tạ Duy thể hiện, bút pháp, tình cảm, tâm hồn, khí chất, và thẩm mỹ cá nhân của anh được thể hiện như thế nào trong những tác phẩm thủy mặc hiện đại ngày hôm nay, mời bạn đọc cùng suy nghĩ và cảm nhận.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Sương thu,kích thước 80x80 cm, màu trên lụa. Tác giả Tạ Duy. Ảnh: The Muse Art Space
Chú thích ảnh
Tác phẩm Tĩnh vật hoa mẫu đơn (2021) - kích thước68x95 cm, mực và màu trên giấy. Tác giả Tạ Duy. Ảnh: The Muse Art Space
Chú thích ảnh
Tác phẩm Tĩnh vật hoa phù dung (2021),kích thước65x140 cm, mực và màu trên giấy. Tác giả Tạ Duy. Ảnh: The Muse Art Space
Chú thích ảnh
Không gian triển lãm

 Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm