Xem 'Búp bê không biết khóc': Khi chất Sài Gòn làm mềm sân khấu

16/07/2020 19:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tựa đề vở kịch đã gây tò mò hấp dẫn. Và nội dung của nó cũng thu hút người xem suốt hơn 2 tiếng đồng hồ với sự kịch tính, cảm thương, hài hước, với đủ các cung bậc hỉ-nộ-ái-ố và diễn xuất của một thế hệ nghệ sĩ điêu luyện.

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

Sân khấu Thủ đô sáng đèn trở lại, mở màn với 'Bệnh sĩ'

20h tối tối 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam diễn phục vụ khán giả vở Bệnh sĩ. Tác phẩm mở màn chuỗi chương trình khởi động trở lại 12 nhà hát thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau thời gian gián đoạn vì Covid-19.

1. Đạo diễn Ngọc Hùng vừa quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ (do Công ty Sài Gòn Phẳng thuê mặt bằng) nhưng vừa thành lập công ty riêng là Hero Film. Thỉnh thoảng anh ra mắt một vở khiến người ta thú vị khó quên. Tiếng giày đêm là một ví dụ. Và lần này là Búp bê không biết khóc (tác giả Lê Thanh Tăng, đạo diễn Vũ Đình Toàn), dự kiến sẽ diễn tại sân khấu Minh Nhí.

Hóa ra Búp bê không biết khóc còn gây bất ngờ còn hơn cả Tiếng giày đêm. Bất ngờ bởi đây không phải một vở kịch sinh hoạt mà thị trường đang ưa chuộng, mà là chính kịch. Đặc biệt, chính kịch lại có sự xuất hiện của màu áo công an, dễ khiến người ta liên tưởng đến sự khô khan. Ấy vậy mà vở diễn đã xóa mờ “phần cứng” đó, để hiện ra “phần mềm” với đầy đủ cái chất Sài Gòn đáng yêu.

Phần mềm đó là những số phận, từ anh quản giáo Vũ Minh Tiến (Đình Toàn đóng), đến mẹ anh (Thanh Hà), vợ anh (Việt Trang), người nữ tù tên Miên (NSƯT Ngọc Trinh), bà Hải (Nghinh Lộc), ông Sơn (Quang Thảo). Ai cũng gánh chịu những mất mát, đau thương vì cái ác lộng hành. Ma túy đã giết chết con bà Hải và ông Sơn, rồi đầu độc luôn cả Miên. Nạn cướp giật trên đường phố đã gây tai nạn cho vợ Tiến, khiến anh mất chị và cả đứa con trong bụng. Số phận đưa người ta đến với nhau với đủ các nỗi niềm hận thù, cảm thông, tha thứ, tin tưởng, ích kỷ, độ lượng trên sàn diễn…

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Trinh và Đình Toàn trong vở "Búp bê không biết khóc". Ảnh: H.K

Rồi cuối cùng người ta vẫn phải quay về nẻo thiện thôi, đó mới là niềm hy vọng của người làm ra tác phẩm và người thưởng thức tác phẩm. Vở diễn gắn với một cái kết có hậu, đủ để người ta luôn tin vào cuộc đời. Nhưng cái kết có hậu đó cũng phải đi qua những “phần mềm” khác như diễn xuất chân thật, không lên gân (một nét rất đặc trưng của sân khấu Sài Gòn), pha chút hài hước gây cười (lại cũng là nét duyên dáng của sân khấu Sài Gòn), và diễn cho người ta phải rung động, rơi lệ, đánh vào trái tim, không cho nó vô cảm (cũng là kiểu bi kịch phương Nam, nhứt định phải có nước mắt). Khán giả quên mất đây là chính kịch, chỉ thấy vở kịch mềm mại, chân thành, chỉ thấy số phận con người dù họ ở vị trí nào trong xã hội. Và tinh thần nhân ái vẫn là chủ đạo.

Thiết kế sân khấu giản đơn ở đoạn đầu, nhưng cảnh cuối lại gây bất ngờ vì mở ra một không gian lung linh huyền ảo. Bối cảnh là ban đêm, ở một bờ vực, nơi mà cô nữ tù trốn chạy, anh quản giáo kịp cứu, và họ đã có màn đối mặt với sự thật nghiệt ngã, với lương tâm dày vò, với cái tốt chòi đạp trong tim. Nơi đó mờ mờ sương đêm, như cuộc đời mờ mờ nhân ảnh. Nơi đó có bờ vực ngổn ngang đá tảng đen sì như cái ác đè nặng thân phận người ta. Nhưng nơi đó lại có những cành lau trắng tinh mọc hoang bên suối như chút thiện lương còn sót lại trong mỗi trái tim.

Chú thích ảnh
Nghinh Lộc và Quang Thảo vai cha mẹ chồng của Miên. Ảnh: H.K

Trong tiếng xuýt xoa của khán giả vì khen thiết kế đẹp, dường như có một thông điệp rất trầm để chúng ta hiểu rằng: Mỗi kiếp người chúng ta có thể mang những hòn đá tội đồ trên lưng nhưng cũng có thể đang nhú mầm những chồi non trong trẻo. Hãy đừng tuyệt vọng, đừng nghi ngờ, và đừng tàn nhẫn với nhau.

2. Thật sự đây không phải là lần đầu tiên NSƯT Ngọc Trinh đóng bi lẫn hài. Chị có rất nhiều vai khiến người ta khóc như mưa lẫn cười như nắc nẻ. Vai Miên trong vở này cũng vậy, Ngọc Trinh diễn với nhiều trạng thái tâm lý phức tạp và tinh tế, từ vẻ ngang ngạnh bất cần, tới yếu đuối cô đơn, rồi chở che cho con bằng tất cả bản năng làm mẹ, rồi van nài, cầu khẩn bà mẹ chồng ích kỷ, rồi nổi loạn, vào tù, nhớ con đến khùng khùng, trốn chạy, biết ơn, hướng thiện, hồn nhiên… Quá nhiều thăng trầm trong cuộc đời nên Miên phức tạp như vậy.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Trinh và Nghinh Lộc. Ảnh: H.K

Ngọc Trinh diễn nhẹ nhàng như không, chẳng cần lên gân, chỉ chân thành là đủ chinh phục người ta. Tung hứng với chị là nghệ sĩ Đình Toàn vừa oai nghi vừa mềm mỏng, vừa nguyên tắc vừa cởi mở. Có cảm giác Đình Toàn là trụ cột vững chãi của vở kịch, và Ngọc Trinh là một dây trầu quấn quanh tỏa lá xanh mướt mát cho câu chuyện.

Cùng thế hệ với nhau còn có Quang Thảo, Nghinh Lộc trong vai cha mẹ chồng của Miên, ông thì dễ chịu, nhân hậu, bà lại ích kỷ, độc đoán. Họ diễn cực kỳ sinh động, sâu sắc, nhất là Nghinh Lộc đã có một vai thật hay cho hành trang nghề nghiệp của mình. Phần còn lại là các diễn viên vừa tốt nghiệp trường sân khấu đã làm tròn vai một cách đáng khen. Vở kịch gọn nhẹ, nhân vật đông vừa phải, nhưng nội dung, chi tiết đầy đặn, nghiêm túc mà hấp dẫn.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm