Vụ 'xin nghỉ tập thể' tại Liên đoàn xiếc: Không muốn đứa con tinh thần bị xếp kho!

05/11/2015 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù cảnh èo uột của sân khấu xiếc phía Bắc đã diễn ra từ nhiều năm qua, song việc một loạt diễn viên của Liên đoàn Xiếc VN nộp đơn xin nghỉ việc vẫn thu hút sự chú ý lớn từ dư luận. Bởi, đây là câu chuyện liên quan tới Làng tôi - tiết mục được coi là “điểm sáng” của xiếc Việt trên sân khấu quốc tế.

Như Thể thao &Văn hóa (TTXVN) đưa tin trong số báo ngày 4/11, tất cả những người nộp đơn xin nghỉ việc đều nằm trong thành phần biểu diễn của Làng tôi, với 12 diễn viên và 1 chuyên viên kỹ thuật.

Vẫn chuyện “lương không đủ sống”

“Các khoản thu nhập cứng tại Liên đoàn xiếc (LĐX) của tôi một tháng là 4,2 triệu đồng. Chừng đó là quá ít để lo cho một gia đình ở Hà Nội” - Nguyễn Quang Thọ, trưởng nhóm biểu diễn Làng tôi, cho biết. “Vậy mà các anh em trong nhóm còn thấp hơn, có người chỉ được trên 2 triệu đồng”.

Anh Thọ, 33 tuổi, là diễn viên của LĐX từ đầu thập niên 2000. Tám năm kể từ 2005 là giai đoạn anh và các đồng nghiệp gắn với những thăng trầm của Làng tôi, kể từ khi ra đời, chỉnh sửa, lưu diễn quốc tế, rồi trở lại VN vào 2013. Như lời anh Thọ, trên nền kỹ thuật cơ bản xiếc đã nắm vững, họ mất hàng năm  học thêm các kỹ thuật về múa, hình thể, chơi nhạc… để có thể biểu diễn trong Làng tôi - một chương trình xiếc đương đại.


Một cảnh trong chương trình xiếc “Làng tôi”

“Nói rằng chúng tôi tập Làng tôi về rồi không muốn diễn các tiết mục xiếc truyền thống của LĐX thì không đúng. Ngoài việc Làng tôi rất ít được biểu diễn, anh em cũng ít có cơ hội tham gia vào các chương trình biểu diễn của LĐX” - anh cho biết thêm. “Bởi thế, gánh nặng về kinh tế là nỗi lo thường trực từ vài năm qua”.

Thực tế, việc tách ra khỏi những nội dung biểu diễn của LĐX trong nhiều năm dài đã khiến các diễn viên này không có cơ hội tham gia những tiết mục xiếc truyền thống được LĐX dàn dựng. Trong khi đó, để xây dựng và tập hoàn chỉnh một tiết mục mới, các nghệ sĩ sẽ phải mất tới nửa năm trời. Đó là lý do khiến một số thành viên của Làng tôi chỉ có thể tham gia vào các chương trình của LĐX bằng các tiết mục cá nhân.

Và, dù có biểu diễn thường xuyên, hoàn cảnh khó khăn của LĐX cũng không thể đem lại mức thù lao đáng kể cho các diễn viên. Điển hình, anh Lê Việt Tuấn, nhân viên kỹ thuật trong nhóm Làng tôi, là người vẫn làm việc đều đặn trong các chương trình biểu diễn của nhà hát, nhưng cũng chỉ nhận thêm được vài trăm ngàn/tháng bên cạnh mức lương gần 2,5 triệu đồng của mình. Tất nhiên, anh Tuấn cũng nằm trong số 13 người đã nộp đơn xin nghỉ việc vào ngày 26/10 vừa qua.

Nghệ sĩ chấp nhận thù lao thấp, Liên đoàn không “gánh” được lỗ

Trao đổi với báo giới chiều 4/11, ông Phạm Xuân Quang, Phó giám đốc LĐX VN, cho biết: Quan điểm cơ bản của LĐX là tạo điều kiện để các trường hợp này được nghỉ việc theo nguyện vọng, đồng thời đảm bảo các quyền lợi cho họ theo số năm công tác. “Tất nhiên, sẽ có những thủ tục phải giải quyết theo Luật công chức, nhưng chúng tôi cũng không muốn làm khó dễ gì, dù đã có những buổi họp để phân tích, chia sẻ và động viên” - ông Quang nói.

Tuy nhiên, như lời của một số thành viên nhóm Làng tôi, bên cạnh vấn đề kinh tế, lý do cho đợt ra đi này còn nằm ở việc “đứa con tinh thần” của họ rất ít có cơ hội xuất hiện trên sàn diễn. Cụ thể, chỉ tính riêng trong 3 năm qua, Làng tôi chỉ được LĐX tổ chức diễn gần chục buổi vì bị… lỗ khá nặng khi bán vé.

“Ở những show diễn bên ngoài trước đây, Làng tôi có mức thù lao khoảng 1 triệu đồng/diễn viên. Còn với những buổi diễn Làng tôi do LĐX tổ chức, thù lao của anh em diễn viên chỉ khoảng 150.000 đồng” - anh Việt Tuấn cho biết. “Nhưng thật lòng, đó không phải là lý do. Anh em đều sẵn sàng nhận mức thù lao thấp, miễn là được thấy Làng tôi xuất hiện đều đặn trên sân khấu”.

Theo nhận xét của anh Tuấn, chương trình Làng tôi có mức đầu tư cao cho mỗi đêm diễn bởi phải “gánh” phí bản quyền, đồng thời yêu cầu các trang thiết bị kỹ thuật  rất  đặc thù mà LĐX chỉ có cách phải thuê bên ngoài. Tuy nhiên, việc khán giả không mấy mặn mà với Làng tôi cũng là lý do quan trọng.

“Cũng đúng khi nói rằng xiếc đương đại như Làng tôi khó thu hút những khán giả vốn chỉ quen xem xiếc truyền thống. Quả thật, với mức giá khá cao, người xem đôi khi tỏ ra ngần ngại khi mua vé vào xem vở diễn này” - anh Tuấn nói. “Nhưng đi xa hơn, có lẽ đó còn là câu chuyện về tiếp thị, về chiến lược truyền thông quảng bá - những yếu tố đòi hỏi sự đổi mới so với cách nghĩ cũ ở một cơ quan Nhà nước”.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm