Vở Cải lương 'Truyền tích Cổ Loa xưa': Diễn viên trẻ tỏa sáng

05/10/2020 20:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Nguyên Đạt đang sửa chữa lầu 1 của Hội Sân khấu TP.HCM để ra mắt điểm diễn Cải lương Thể nghiệm. Từ bây giờ anh đã chuẩn bị kịch mục để công diễn. Mới đây, vở cải lương Truyền tích Cổ Loa xưa (tác giả Mai Hương-Nguyên Phương, đạo diễn Nguyên Đạt) đã được phúc khảo.

Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa

Việc nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) được các nhà khoa học cho rằng đã quá muộn khi hơn 10 thế kỷ qua, trên đất Cổ Loa không có một đền thờ, một lễ hội nào tri ân, tưởng nhớ công lao của ông. Thời điểm này không thể chậm trễ hơn nhưng việc xây dựng lễ hội như nào để xứng đáng với tầm vóc, công lao của ông, nhất là khi tại di tích Cổ Loa đã có lễ hội Cổ Loa rất nổi tiếng, đang là vấn đề đặt ra tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa” do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 3/10.

Câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương gói bên trong là chuyện tình ngang trái của Trọng Thủy-Mỵ Châu luôn là một đề tài hấp dẫn cho sân khấu khai thác.

Bài học cảnh giác

Thực sự đã có nhiều vở kịch lẫn cải lương làm về câu chuyện này. Một lần nữa, đạo diễn Nguyên Đạt thử sức, anh gói gọn kịch bản trong 110 phút với không gian sân khấu nhỏ, cố gắng tạo một cách dựng mới, cách kể chuyện mới, chinh phục người xem bằng những câu hỏi được đặt ra trong tâm trí của người hôm nay, xoay sở, băn khoăn, ray rứt, lật đi lật lại vấn đề, hất tung những tảng đá che lấp quá khứ, mong tìm ra những lời giải đáp thỏa lòng.

Chú thích ảnh
Điền Trung (Trọng Thủy) và Lệ Trinh (Mỵ Châu) trong vở “Truyền tích Cổ Loa xưa”. Ảnh: H.K

Chính nhân vật đạo diễn Quốc Việt (NSƯT Xuân Hồng đóng) đại diện cho người của hôm nay, khi đặt bút viết lại lịch sử đã không chấp nhận những gì hiện ra trên trang giấy, mà anh thao thức đi tìm lại người xưa để hỏi cho ra lẽ. Hỏi vì sao Cao Lỗ lại lo củng cố quân sự trong khi đất nước thanh bình. Hỏi vì sao An Dương Vương mua vui, hưởng lạc, chủ quan. Hỏi vì sao nàng Mỵ Châu tin tưởng chồng mình tuyệt đối. Hỏi vì sao Trọng Thủy cam lòng phản bội Mỵ Châu…Rất nhiều câu hỏi mà Quốc Việt muốn nghe nhân vật giãi bày, chứ không nỡ viết một cách áp đặt. Và từ đó, chuyện xưa mở ra, cho người hôm nay chứng kiến, cho người hôm nay thấu hiểu.

Và những thân phận như Trọng Thủy, Mỵ Châu, Cao Lỗ, An Dương Vương dần hiện ra với những lời tâm sự nghe đau xót lẫn đầy tính cảnh báo. Quá nhiều vấn đề khiến người xem phải giật mình. Và người ta hiểu cho khát vọng hòa bình của Mỵ Châu, chỉ muốn lấy tình yêu để vượt lên trên thù hận. Với An Dương Vương là sự ngủ quên trên chiến thắng, cho cả nước mua vui, hưởng lạc, tổ chức lễ hội rình rang, vì ỷ vào nỏ thần sẽ phát huy sức mạnh diệu kỳ. Nhưng Cao Lỗ thì khác, ông chủ trương củng cố quân sự, dù trong thời bình, không lơ là nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Tô Châu (An Dương Vương, bìa trái), Tô Tấn Loan (Cao Lỗ). Ảnh: H.K

Trọng Thủy có lẽ là bi kịch nhất khi kẹt giữa tình và hiếu. Ở vở diễn này, Trọng Thủy đã thật sự muốn “hòa hợp dân tộc” khi về làm rể cho đất nước Âu Lạc thủy chung nhân nghĩa. Chính Trọng Thủy đã được Âu Lạc cảm hóa. Nhưng câu cửa miệng của tên cận thần nội gián mà Triệu Đà gởi qua để giám sát Trọng Thủy đã khiến cả dân tộc Âu Lạc phải giật mình: “Tiểu quốc và đại bang không bao giờ hòa hợp”. Từ đó Trọng Thủy đã phản bội Mỵ Châu.

Mỗi nhân vật đều làm người ta thương cảm, bởi suy cho cùng mỗi con người đều có 2 mặt trắng đen, tốt xấu xen lẫn, chưa biết lúc nào phần tối lại trồi lên, diệt hết cơ nghiệp. Cho nên cảnh giác chưa bao giờ là thừa. Và cả những số phận bị động, phải trôi theo dòng nước thời cuộc, như Cao Lỗ, làm người anh hùng cô độc. Nhiều câu thoại, lời ca rất hay, có thể làm khán giả rưng rưng. Lịch sử chưa bao giờ cũ mòn, mà cứ tươi mới những giá trị, cứ vẹn nguyên những rung động cho hiện tại, cứ khắc sâu những bài học…

Chú thích ảnh
Bảo Trí (nội gián của Triệu Đà), Điền Trung (Trọng Thủy). Ảnh: H.K

Diễn viên trẻ đẹp, dàn dựng công phu

Đặc điểm của đạo diễn Nguyên Đạt là không sử dụng nhiều nghệ sĩ ngôi sao, anh chú trọng tài năng trẻ, làm đòn bẩy cho họ bật lên. Diễn viên Lệ Trinh trong vai Mỵ Châu thật sự rất mới, nhưng sắc vóc và diễn xuất đều chinh phục khán giả. Một nhan sắc khá mong manh báo hiệu một cái gì tan vỡ.

Còn Trọng Thủy do Điền Trung đảm nhiệm vừa bước ra sân khấu đã gây ấn tượng mạnh. Điền Trung có cả vũ đạo đẹp và giọng ca ngọt ngào, ấm áp, nhưng khi cần uy mãnh thì anh bật lên đầy chinh phục.

Chú thích ảnh
An Dương Vương và Mỵ Châu trên đường bôn tẩu. Ảnh: H.K

Tô Châu trong vai An Dương Vương, Tô Tấn Loan trong vai Cao Lỗ, Bảo Trí trong vai nội gián, đều là những diễn viên giỏi nghề, làm dàn bao cho 2 nghệ sĩ trẻ một cách tuyệt vời. Ở đây, sức mạnh tập thể được phát huy rất rõ, làm nên một tổng thể vở diễn hài hòa, cộng hưởng với ngôn ngữ đạo diễn của Nguyên Đạt khá công phu từ trình thức cho đến vũ đạo, âm nhạc.

Âm nhạc luôn có vai trò mạnh mẽ trong tác phẩm của Nguyên Đạt, lần này vẫn phát huy, với các bản phối có lúc mang tính cổ xưa, có lúc mang tính hiện đại, đan xen rất khéo, làm bật được tính bi tráng. Nguyên Đạt luôn muốn thể nghiệm, dù chỉ một vài chi tiết thì cũng là cựa quậy cho cải lương không đứng yên một chỗ.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm