Vĩnh biệt Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Người 'khai sơn phá thạch' nghiên cứu Đạo Mẫu, văn hóa vật chất…

08/06/2020 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Năm 2015, khi sức khỏe Giáo sư Ngô Đức Thịnh rất yếu, nhưng thấy chúng tôi kể về các nghi lễ của người “đồng thầy” người Tày ở Đông Cuông, Cam Đường, Giáo sư lại lặn lội đi lên. Chỉ trong một ngày, Giáo sư tranh thủ quan sát, ghi chép, phỏng vấn, chụp ảnh toàn bộ các nghi lễ. Sau đó, Giáo sư lại trở về Hà Nội ngay trong đêm để hôm sau kịp đến viện chạy thận” - TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - xúc động chia sẻ trong bài viết dành riêng cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Vĩnh biệt GS.TS Ngô Đức Thịnh – ‘cây đại thụ’ về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống

Vĩnh biệt GS.TS Ngô Đức Thịnh – ‘cây đại thụ’ về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống

GS TS Ngô Đức Thịnh, một trong những nhà nghiên cứu tiểu biểu về văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu, đã qua đời ở tuổi 77 vào sáng nay 6/6.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh về với cõi Thánh lúc 6h20 ngày 6/6. Có nhiều bài báo đã viết về tài năng của Giáo sư. Nhưng tôi không chỉ muốn bàn về tài năng trong công việc chuyên môn mà muốn bàn về sự năng động, sáng tạo trong khoa học và trong cuộc sống.

Nhà khoa học đầu ngành

Giáo sư Ngô Đức Thịnh là một nhà dân tộc học được đào tạo cơ bản ở nước Nga Xô Viết. Ngay khi mới bảo vệ luận án Tiến sĩ, trở về Việt Nam đầu thập kỷ 1980, Giáo sư đã chú trọng nghiên cứu về văn hóa vật chất của các tộc người ở Việt Nam. Ở nước ta khi đó, văn hóa vật chất ít được các nhà dân tộc học chú ý, mới có Giáo sư Nguyễn Khắc Tụng đi sâu nghiên cứu về nhà cửa (Công trình Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam (tập 1) (1994) của ông đã giành Giải thưởng Nhà nước).

Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã nghiên cứu một loạt các di sản văn hóa vật chất của các tộc người như trang phục các dân tộc, ẩm thực các dân tộc, đặc biệt là công trình nông cụ các dân tộc, với một số công trình tiêu biểu như: Tìm hiểu nông cụ Việt Nam: Lịch sử và loại hình (1996); Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam (1994); Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam (2010)…

Giáo sư là người “khai sơn phá thạch” trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa vật chất của các dân tộc. Vào thời điểm đó, Giáo sư rất chú trọng nghiên cứu cả lý thuyết như các lý thuyết về sinh thái học nhân văn, lý thuyết về cảnh quan tộc người, lý thuyết về vùng văn hóa, lý thuyết về trung tâm và ngoại vi…

Chú thích ảnh
Chân dung Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Nhưng từ cuối những năm 1980, sau một số chuyến đi điền dã, Giáo sư phát hiện ra hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu… Từ đó, Giáo sư Ngô Đức Thịnh dồn nhiều tâm sức vào nghiên cứu Tín ngưỡng thờ Mẫu. Thời kỳ đầu, Giáo sư tiếp cận Tín ngưỡng thờ Mẫu từ các thành tố văn hóa dân gian. Giáo sư kế thừa công trình nghiên cứu của Maurice Durand, “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam”, xuất bản bằng tiếng Pháp vào những năm 1950, nhưng ở lĩnh vực này Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã vận dụng lý thuyết về chỉnh thể nguyên hợp, lý thuyết hệ thống của văn hóa dân gian, lý thuyết về sự đa dạng văn hóa… để nhận diện phát huy các thành tố Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ông là người đầu tiên trong các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống về việc thờ Mẫu, các đặc trưng thờ Mẫu ở các vùng, miền. Thậm chí bây giờ đọc lại trang viết của Giáo sư về Quốc mẫu Tây Thiên, về Mẫu Thoải ở Tuyên Quang… đều thấy lấp lánh những tư liệu mới, những giá trị mới về nguồn gốc thờ Mẫu ở từng vùng miền khác nhau. Và, vượt lên tất cả chính là tính đa dạng trong văn hóa được phản ánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu: Đạo mẫu Việt Nam (2010, NXB Tôn giáo).

Những luận điểm khoa học này về sau được tác giả phản ánh trong công trình Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận (2007, NXB Trẻ). Trong công trình này, tác giả đã nhìn hiện tượng “lên đồng” trong cái nhìn đa chiều, từ cái nhìn về nghi lễ đến tôn thờ các thần linh, từ cái nhìn của tín ngưỡng saman so sánh với tín ngưỡng của các dân tộc H’mông, Thái, Mường, Chăm, Tày… Ở đây tác giả cũng đi sâu phân tích các khía cạnh tâm, sinh lý, lên đồng - nhìn từ góc độ giới, hoặc lên đồng với sự tích hợp văn hóa v.v…

Từ các luận điểm này của Giáo sư, các học trò do Giáo sư hướng dẫn hoặc trao đổi khoa học hình thành các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Điển hình như công trình Bản hội trong Đạo Mẫu tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi (2018) của Mai Thị Hạnh; Quyền lực mềm của người Phụ nữ trong văn hóa đạo Mẫu (2016) của Vũ Thị Tú Oanh.

Ngoài ra, Giáo sư Ngô Đức Thịnh còn là chuyên gia về lễ hội, chuyên gia về luật tục, sử thi các dân tộc thiểu số. Ở những lĩnh vực khoa học cơ bản của dân tộc học, của văn hóa, ông đều là người đi tiên phong. Những năm gần đây, sức khỏe của ông không đảm bảo, nhưng các công trình khoa học của ông vẫn được các học viên, các nhà khoa học nước ngoài trích dẫn nhiều khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

Để gặt hái được những thành công nghiên cứu Tín ngưỡng thờ Mẫu, Giáo sư Ngô Đức Thịnh không chỉ sử dụng lý thuyết mới trong nghiên cứu Tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn cùng với các học trò vận dụng các lý thuyết mới về mạng xã hội, về phân tâm học, về cấu trúc chức năng và nhân học biểu tượng để đạt được kết quả.

Nhưng điểm nổi bật của Giáo sư Ngô Đức Thịnh là say mê đi điền dã. Vào cuối những năm 1980, khi Tín ngưỡng thờ Mẫu còn bị cấm đoán, nhiều bà đồng, ông đồng phải tổ chức lên đồng bí mật thì Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã trở thành “người nhà” của họ. Giáo sư nghiên cứu khá sâu sắc trong nghi lễ lên đồng, vai trò của y phục rất quan trọng. Giáo sư đã kế thừa luận điểm của C.Lévi-Strauss khi cho rằng y phục (quần áo, giày, khăn…) là vật trung gian giữa tự nhiên và văn hóa. Y phục làm cho con người gặp nhiều điều may mắn, thần y phục lại là vị khăn phủ diện màu đỏ) đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa giữa người thường (chưa lên đồng) trở thành các vị thánh (khi nhập đồng, thánh giáng đồng). Y phục (khăn, áo, đạo cụ) là vật môi giới, vật có sức mạnh giúp người lên đồng chuyển hóa.

Năm 1995, Giáo sư lên Lào Cai, tranh thủ vượt đèo, vượt suối đến tận làng người H’mông để nghiên cứu về Saman H’mông. Khi đó, Giáo sư đi nhanh thoăn thoắt, chúng tôi leo núi không kịp. Một người có kinh nghiệm điền dã như Giáo sư hỏi rất chi tiết, kỹ về từng họa tiết trong tranh cắt giấy ở bàn thờ Saman người H’mông. Giáo sư chụp từng chi tiết nhỏ trên ban thờ, hỏi cặn kẽ về ý nghĩa, chức năng của từng vật dụng.

Năm 2015, khi này sức khỏe Giáo sư rất yếu, nhưng thấy chúng tôi kể về các nghi lễ của người đồng thầy người Tày ở Đông Cuông, Cam Đường. Giáo sư lại lặn lội đi lên. Chỉ trong một ngày, Giáo sư tranh thủ quan sát, ghi chép, phỏng vấn, chụp ảnh toàn bộ các nghi lễ. Sau đó, Giáo sư lại trở về Hà Nội ngay trong đêm để hôm sau kịp đến viện chạy thận. Thậm chí, đi hội thảo khoa học ở Thái Lan, Giáo sư cũng tranh thủ đi từ tối thứ Sáu, làm trong 2 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật để kịp thứ Hai về nằm viện chạy thận.

Chú thích ảnh
Một tác phẩm của Giáo sư Ngô Đức Thịnh

Tầm nhìn xa trong quản lý, đào tạo nguồn nhân lực

Nhiều người nhận xét Giáo sư Ngô Đức Thịnh là chuyên gia hàng đầu về Tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa vật chất, nhưng ít người biết về năng lực quản lý của Giáo sư đối với viện nghiên cứu khoa học.

Trước hết, Giáo sư có tầm nhìn xa trong đào tạo nguồn nhân lực của viện và các địa phương. Trong thời gian làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (1994 - 2004), Giáo sư đã lựa chọn, xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên trẻ, cho đi đào tạo tiếng Anh. Hàng loạt các nhân viên trẻ của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (sau này là Viện Nghiên cứu Văn hóa) đều xin được học bổng đi du học ở Mỹ, Australia, Singapore và Nhật Bản, trong đó có một số nhà khoa học xuất thân từ dân tộc thiểu số.

Theo Facebook Vương Xuân Tình, ngày 6/6/2020, Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã chia sẻ với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vương Xuân Tình: “Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, xong vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình”. Đặc biệt, ông còn xin Quỹ Ford và các tổ chức phi chính phủ khác đào tạo cho đội ngũ cán bộ các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trở thành các thạc sĩ. Các em vừa thực hành nghiên cứu sưu tầm về sử thi Tây Nguyên, vừa học nâng cao trình độ thạc sĩ và sau này là tiến sĩ. Nhiều học trò, cán bộ dưới quyền ông sau này đều trở thành các nhà khoa học trẻ đi tiên phong trong nghiên cứu văn hóa và nhân học. Trong đó có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, Đại biểu Quốc hội v.v…

Cái tâm và tầm nhìn của ông đã để lại di sản quý về đội ngũ cán bộ cho nền khoa học nước nhà. Ông hiểu muốn làm khoa học thì phải tiếp cận với tri thức quốc tế, tiếp cận với các lý thuyết nghiên cứu. Ông biến ý tưởng này trở thành các dự án về dịch sách, xuất bản sách.

Năm 2005, ông đã xin được dự án dịch thuật và xuất bản bộ sách Folklore thế giới - một số công trình nghiên cứu cơ bản Folklore - một số thuật ngữ đương đại. Ông và Tiến sĩ Frank Proschan đồng chủ biên các công trình quý giá này. Hầu hết các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trẻ và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã coi bộ công trình này là bộ sách gối đầu giường của mình. Công trình thực sự đã góp phần đào tạo một cách gián tiếp cho các cán bộ nghiên cứu văn hóa dân gian.

Người có công lớn với đề án về sử thi Tây Nguyên

Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề kinh phí là vấn đề cấp bách đối với các viện nghiên cứu, nhưng Giáo sư Ngô Đức Thịnh rất năng động, xây dựng các ý tưởng, từ ý tưởng chấp bút xây dựng các đề án, đề tài. Đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học xã hội làm chủ đầu tư, nhưng lực lượng chủ yếu là do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian. Đây là Đề án có số kinh phí “khủng” nhất ở thời bấy giờ với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Dưới thời ông làm Viện trưởng, ông cũng mang về cho Viện nhiều đề tài, đề án khác.

TS Trần Hữu Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm