'Vincent' của Don McLean: Khi hân hoan và nỗi đau hòa làm một

02/02/2020 19:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dưới tầng hầm của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam có lưu trữ các kỷ vật liên quan đến danh họa. Điều thú vị là bên cạnh những chiếc cọ đã làm nên bao kiệt tác là bản nhạc ca khúc Vincent (Starry Starry Night) của Don McLean.

165 năm ngày sinh Van Gogh: Những bức tranh vẫn ám ảnh người xem

165 năm ngày sinh Van Gogh: Những bức tranh vẫn ám ảnh người xem

Danh họa Hà Lan Van Gogh (1853-1890) là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. 165 năm sau ngày sinh của danh họa, cuộc đời và những bức tranh của ông vẫn lôi cuốn người yêu hội họa trên khắp thế giới.

Nỗi đau của Vincent Van Gogh đã truyền cảm hứng cho nhạc sĩ người Mỹ viết nên bản ballad kinh điển, đi vào lòng người - Vincent.

Đẹp và buồn

Nhân viên bảo tàng nơi đây mỗi ngày đều bật Vincent cho du khách tới tham quan, dù chẳng có vẻ gì là ca khúc sẽ bị rơi vào quên lãng. Thậm chí, có thể chính bức chân dung về thiên tài bị hiểu lầm trong Vincent cũng là một phần lý do lôi cuốn những người tò mò tới đây.

Phát hành trong album kinh điển American Pie năm 1971, Vincent trở thành hit No.1 ở Anh năm 1972 và tạo ảnh hưởng rất lớn trong giới mộ điệu, được hát lại bởi tất cả mọi người, từ ban nhạc metal punk Nofx tới quý bà Julie Andrews hay Rick Astley.

Người hát tình ca Brian Kennedy đã hát nó trong đám tang George Best. Rapper huyền thoại Tupac Shakur cũng yêu Vincent vô cùng: Sau khi anh bị thương nặng trong vụ xả súng năm 1996, bạn gái anh đã để cuộn băng có ca khúc này vào trong đầu ngay cạnh giường anh ở bệnh viên để đảm bảo rằng nó là thứ cuối cùng anh nghe thấy trên đời.

Chú thích ảnh
Bức “Starry Night” của Vincent Van Gogh

Vincent, American Pie có lẽ là đỉnh cao trong sự nghiệp của McLean dù ông vẫn duy trì sự nghiệp bền vững của mình tới tận nay, khi đã ở tuổi 74. Cũng sau rất nhiều năm, McLean vẫn nhớ rõ câu chuyện về ca khúc Vincent.

“Vào mùa Thu năm 1970, tôi làm việc trong hệ thống trường học, chơi guitar ở các lớp học” -McLean kể - “Một buổi sáng nọ, tôi đang ngồi bên hiên nhà, đọc một cuốn tiểu sử về Van Gogh, và đột nhiên, tôi biết rằng tôi phải viết một ca khúc để lý lẽ rằng ông ấy không điên. Ông ấy bị bệnh và em trai Theo của ông cũng vậy. Trong tâm trí tôi, điều này thật khác biệt so với nghĩa thông thường của từ “điên” - bởi vì ông ấy bị một phụ nữ từ chối (như suy nghĩ chung). Thế nên, tôi ngồi xuống bên một bản in bức Starry Night và viết lời ca khúc trên một chiếc túi giấy”.

Giống như ca từ miêu tả bức tranh với “đám mây xoáy trên nền sương mù tím”, đôi mắt “xanh men Trung Quốc” hay “vùng tuyết lạnh”, giai điệu Vincent cũng như bảng màu khi dịu nhẹ khi quay cuồng của hợp âm phụ và chính. Những nốt nhạc khi tư lự lững lờ rồi lại chảy miên man như tưởng nhớ tới phong cách vẽcũng như sự bất hủ trong tranh của Van Gogh.

Nó bắt đầu gần như đột ngột, như thể McLean đang đáp lại một giọng nói lạ chưa từng nghe thấy. Không có tiếng nhạc dạo đầu, giọng hát và guitar vang lên cùng lúc: “Đêm đầy sao, đầy sao/ Vẽ màu xanh và xám đặc trưng của người/ Nhìn ra ngày Hè/ Với đôi mắt hiểu thấu góc khuất trong tâm hồn tôi”.

Khi hát rằng danh họa quá cố nhìn thấu góc khuất trong tâm hồn của chính ông, McLean muốn xác tín về sự tương thông giữa cái đẹp và nỗi đau.

Mối tương thông giữa hai nghệ sĩ

Van Gogh đã vẽ nên bầu trời sao siêu thực trong Starry Night sau khi đi tới St Remy an dưỡng vào năm 1889. Ông viết cho Theo (em trai) rằng ông thường cảm thấy đêm “màu sắc đậm nét hơn ngày”. Ông tin linh hồn của những người chết cư ngụ trên thiên đường. “Cũng như chúng ta bắt tàu tới Tarascon hay Rouen, chúng ta có thể nhờ cái chết để lên vì sao”.

Nhưng trong thời gian an dưỡng, ông không thể ra ngoài vào ban đêm và chỉ vẽ bức Starry Night từ những hồi tưởng.

Chú thích ảnh
Don McLean trên bìa đĩa đơn “Vincent”, phát hành năm 1972

Giống như nhiều tác phẩm của Van Gogh, Starry Night duy trì sự căng thẳng cực độ giữa hân hoan tột độ với u sầu vực thẳm. “Nó khiến bạn vui vì buồn”, nói như McLean, người đã cố gắng truyền tải tâm trạng tương tự vào ca khúc. “Dù tôi có hạnh phúc hay tràn trề hy vọng thế nào, tôi vẫn luôn có xu hướng trôi về đó. Nó ẩn dưới tất cả mọi ca khúc tôi từng viết… Một nghệ sĩ đang cố gắng nói cho bạn biết ông ấy cảm thấy thế nào và nếu điều đó vô tình khơi dậy sự vui thích, nó sẽ làm nên cả một sự nghiệp”.

McLean tiết lộ rằng khi ông viết những lời tưởng nhớ Van Gogh: “Tôi đang ở trong một cuộc hôn nhân thảm hại. Tôi bị tra tấn. Tôi không thảm hại như Vincent, nhưng tôi…”. Ông miêu tả những năm tuổi trẻ của mình là “buồn thảm không thể chịu nổi” sau khi cha qua đời năm ông 15 tuổi.

Donald McLean Jr. đã đánh con trai khi đọc giấy nhận xét từ trường gửi về vào buổi tối ông qua đời. Khi ông quỵ xuống, cậu bé Don đã được đưa sang nhà bạn bè, xuyên qua vùng tuyết lạnh, đó là một đêm băng giá và trời đầy sao.

Tuy nhiên, McLean nói rằng nếu cha ông còn sống, chưa chắc ông đã trở thành nhạc sĩ, vì như thế sẽ là nỗi thất vọng với cha.

McLean đã rẽ sang con đường của riêng mình, và trong album American Pie đã bày tỏ sự bất mãn của ông trước một thế giới nơi rock ’n’ roll và JFK đã chết, và hàng trăm người vẫn đang chết vì chiến tranh. Đó là bộ sưu tập những bài hát kết nối với nhau sâu sắc. McLean nói rằng khi khán giả nghe bản tình ca Empty Chairs trong album, ông muốn họ ngắm bức tranh Van Gogh vẽ một chiếc ghế.

Vincent xoay quanh thực tế rằng tranh của Van Gogh không được đánh giá cao khi ông còn sống, bị hiểu lầm là điên loạn. Rằng mặc dù ông đã cố gắng mang tới tự do cho người xem, nhưng “họ không nghe, họ không biết làm thế nào” và “có thể họ sẽ không bao giờ nghe”. Nhưng dù thế nào, dù có bị thế giới hạ thấp, tình yêu của Van Gogh vẫn chân thành, rộng khắp và ít nhất, cũng đã rọi tới Don McLean.

Và rồi, đến lượt chính McLean cũng trở thành nàng thơ. “Ông ấy hát như thể biết tôi/ Trong tất cả những tuyệt vọng tăm tối của tôi”, như Charles Fox và Norman Gimbel đã viết trong một ca khúc kinh điển khác là Killing Me Softly, về cảm xúc trào dâng của nữ nghệ sĩ nhạc folk Lori Lieberman khi đi nghe hòa nhạc của McLean. “Ông ấy đánh thức nỗi đau của tôi bằng những ngón tay/ Hát lên cuộc đời tôi với ca từ”.

“Tôi nghĩ nó thật đẹp” - McLean nói - “Tôi thật nhỏ bé so với nó. Tôi mừng vì nhạc của mình giúp được người khác như nó từng giúp tôi. Thật vui vì đã làm được điều tôi làm với đời mình”.

Những lời cuối cùng của Van Gogh về cái chết

Vậy là, như hiệu ứng domino về cái đẹp trong nỗi đau, thông điệp về sự thấu hiểu của Van Gogh đã được truyền qua nhiều thế hệ sau đó. Nỗi đau của sự tỉnh thức ở Van Gogh đã thức tỉnh bao tâm hồn bởi trốn tránh nỗi đau là làm mất đi một phần đẹp của đời, như Trịnh Công Sơn từng viết: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.

Van Gogh, trong những lời cuối cùng viết cho em trai, cũng đã nói: “Trong cuộc đời của một họa sĩ, chết có lẽ không phải là điều khó khăn nhất. Với anh, anh thấy mình không biết gì về nó. Nhưng cảnh tượng những ngôi sao luôn khiến anh mộng mơ một cách giản dị rằng, nó như những chấm đen trên bản đồ, đại diện cho thị trấn và làng mạc. Tại sao, anh tự hỏi mình, những đốm sáng trên bầu trời lại khó tới được hơn là những chấm đen trên bản đồ nước Pháp. Cũng như chúng ta bắt tàu tới Tarascon hay Rouen, chúng ta có thể nhờ cái chết để lên vì sao.

Điều chắc chắn đúng trong tranh luận này là khi còn sống, chúng ta không thể đi lên vì sao, cũng như khi chết thì không thể bắt tàu. Thế nên với anh, không phải là không thể khi nói dịch tả, sỏi thận, lao phổi, ung thư là phương tiện di chuyển của bầu trời, cũng như tàu hơi nước, động vật và tàu hỏa là phương tiện dưới mặt đất. Chết thanh thản ở tuổi già thì là đi bộ lên các vì sao”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm