Tưởng nhớ Sơn Tùng: Nhà văn anh hùng, sự nghiệp bất tử

28/07/2021 19:23 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc đời cầm bút của một nhà văn anh hùng, Sơn Tùng đã có gần 30 cuốn sách, trong đó có 18 cuốn (kể cả 2 tuyển tập xuất bản năm 2020) viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài văn xuôi, ông là tác giả của hơn 100 bài thơ, trong đó có bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.

Tưởng nhớ nhà văn Sơn Tùng (Kỳ 1): Sống hiên ngang như cây tùng trên núi

Tưởng nhớ nhà văn Sơn Tùng (Kỳ 1): Sống hiên ngang như cây tùng trên núi

Hôm qua 26/7, tang lễ nhà văn Sơn Tùng vừa diễn ra tại Hà Nội, 4 ngày sau khi ông trút hơi thở cuối cùng. Hơn 60 năm biền biệt xa quê, nhà văn đã trở về với xứ Nghệ sau khi được an táng tại quê nhà (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Ý tưởng tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để viết đã nhen nhóm từ năm 1948 khi chàng thanh niên tuổi 20 Bùi Sơn Tùng đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An.

Là người con xứ Nghệ, ông rất tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã chủ động tìm gặp bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị ruột và anh ruột) của Bác để có thêm tư liệu về Người.

Do 2 cuộc chiến tranh, thời gian có lúc bị gián đoạn, nhưng trong tâm thức Sơn Tùng vẫn nuôi quyết tâm lớn là tìm những nhân chứng liên quan tới đề tài Hồ Chí Minh. Ngay sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhà văn tiếp tục thực hiện nhiều cuộc điền dã để tìm các nguồn tư liệu về Bác Hồ. Rất may mắn, nhà văn Sơn Tùng đã gặp được bà Lê Thị Huệ. Giữ lời hứa thiêng liêng với bà, nên sau khi bà Lê Thị Huệ mất (năm 1980), ông mới công bố tiểu thuyết Búp sen xanh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng năm 2011

Búp sen xanh là tiểu thuyết đầu tiên viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh được nhà văn Sơn Tùng chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 1948 đến năm 1982 mới hoàn thành. Ông chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử, xây dựng thành 3 chương gắn với từng mốc thời gian lịch sử của Người: Thời thơ ấu, Thời niên thiếu và Tuổi hai mươi. Chặng đường 21 năm (1890-1911) với bao biến cố lịch sử của đất nước, quê hương, gia đình đã tác động đến quá trình định hình nhân cách, ý chí, quyết tâm thực hiện khát vọng cứu nước, cứu dân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Lần đầu tiên, nhà văn đã đưa vào tác phẩm những chi tiết mới gần gũi đời thường.

Lời đề từ trang trọng của tác giả Búp sen xanh đã chuyển tải thông điệp: "Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời".

Cùng với Búp sen xanh, bằng ý chí, nghị lực, nhà văn Sơn Tùng đã viết hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là những cuốn sách viết từ năm 1974 Nhớ nguồn (tập truyện, 1974), Kỷ niệm tháng năm (truyện, 1976), Bông sen vàng (tiểu thuyết, 1990), Trái tim quả đất (tiểu thuyết, 1990), Mẹ về (tập truyện, 1990), Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản phim, 1990), Từ làng Sen (truyện tranh, 1990), Bác về (truyện ký, 1990), Hoa dâm bụt (tập truyện, 1999), Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (2004), Bác ở nơi đây (ký, 2005), Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga (tập truyện, 2007), Chung một tình thương Bác (tập truyện ngắn, 2008), Tuyển tập truyện ký về Hồ Chí Minh (quyển I, II, 2020).

Chú thích ảnh
Nhà văn Sơn Tùng (phải) đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

2 cuốn sách Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn (2015), Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (2016) đã được con trai nhà văn sưu tập, hoàn thiện từ những trang viết tay của cha. Nguồn tư liệu cho cuốn sách Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn đã được nhà văn Sơn Tùng thu thập tài liệu trong thời gian dài và đã viết gần xong. Trong đó, cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh, chị ruột Bác Hồ) năm 1948 đã được ông ghi chép cẩn thận và cất vào chiếc hòm sắt tây do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng nhà văn Sơn Tùng để đựng tài liệu.

Sau khi cha lâm bệnh (6/2010), anh Bùi Sơn Định đã tập hợp bản thảo chép tay của cha và giúp cha hoàn thiện tác phẩm tâm huyết này. Cuốn sách Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn được GS-TS Hoàng Chí Bảo viết Lời giới thiệu: "Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm này nhiều tư liệu vô cùng quý giá, xúc động về Bác Hồ; và lại thêm một lần nữa ta kính yêu, thương nhớ Bác, ta cảm ơn nhà văn Sơn Tùng với tất cả tấm lòng…".

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), cuốn sách Từ làng Sen ra đời. Cùng cách viết ngắn gọn, súc tích, truyền cảm và 25 bức tranh minh họa màu nước của họa sĩ Lê Lam, Từ làng Sen là cuốn sách ý nghĩa giúp thiếu niên, nhi đồng thêm hiểu biết về vị lãnh tụ kính yêu từ thuở ấu thơ cho tới khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 2015, nhân kỉ niệm 125 năm Ngày sinh nhật Bác, kịch bản văn học phim Hẹn gặp lại Sài Gòn đã được NXB Kim Đồng in sách Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng. Cuốn sách dày 212 trang, 12 chương và phần phụ lục “Đi tìm Út Huệ”…

Ngoài sáng tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông còn dành viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử: Chim én mùa xuân (1962), Mười hai cô gái nông trường (1963), Bà mẹ làng Kim (1964), Xuân Lỗ Khê (1964), Bên khung cửa sổ (truyện và ký, 1974), Lõm (tiểu thuyết, 1994), Vườn nắng (truyện vừa, 1997), Con người và con đường (truyện, 1976), Trần Phú (truyện, 1979), Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ cờ Tổ quốc (truyện, 1981), Anh họa sĩ mù (truyện, 1981).

Chú thích ảnh
Hoa Xuân Tứ - nhân vật trong bài báo “Cụt hai tay mà vẫn học giỏi, lao động khá, thể thao cừ” (báo “Thiếu niên Tiền phong” ngày 18/2/1966) đến thăm tác giả bài báo sau 46 năm. (Ảnh: Từ Khôi)

Bộ phim điện ảnh đầu tiên về lãnh tụ Hồ Chí Minh

Nhà văn Sơn Tùng là tác giả kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn - bộ phim truyện nhựa đầu tiên về lãnh tụ Hồ Chí Minh (thời trẻ) màn ảnh rộng công chiếu năm 1990. Lúc đầu, kịch bản lấy tên là Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng.

Hành trình từ kịch bản đến tiểu thuyết và trở lại kịch bản phim rất đặc biệt. Năm 1978, nhà văn Sơn Tùng bắt đầu viết kịch bản Con đường năm ấy. Đọc kịch bản phim, ông Vũ Năng An (Giám đốc Xưởng phim Truyện Việt Nam) xúc động và đánh giá rất cao kịch bản phim truyện đầu tiên về lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Chỉ có điều thời điểm đó khó khăn, Xưởng phim chưa có điều kiện dựng thành phim. Không nản lòng, nhà văn Sơn Tùng vẫn bền bỉ tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện các chuyến điền dã để làm đầy nguồn tư liệu về Người. Dựa trên kịch bản Con đường năm ấy và các nguồn tư liệu sưu tập được, năm 1981, ông viết tiểu thuyết Búp sen xanh.

Để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), TP.HCM đầu tư sản xuất bộ phim truyện điện ảnh về tuổi trẻ của Bác Hồ. Năm 1987, các nhà làm phim đề nghị nhà văn Sơn Tùng hợp tác làm bộ phim về Người. Không có niềm hạnh phúc nào hơn, nhà văn Sơn Tùng quyết định chuyển thể tiểu thuyết Búp sen xanh thành kịch bản Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng. Vẫn giữ những chi tiết nội dung cuốn Búp sen xanh, viết về Bác Hồ ở tuổi 20, nhà văn Sơn Tùng khắc họa sâu sắc hơn tình cảm trong sáng, cao đẹp của cô Út Huệ (Lê Thị Huệ) với người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ khi là học sinh Trường Quốc học Huế cho tới khi rời Bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước…

Chú thích ảnh
Phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” năm 1990

Bộ phim do đạo diễn Long Vân thực hiện hoàn thành với tên gọi mới: Hẹn gặp lại Sài Gòn cùng các diễn viên: Nghệ sĩ Tiến Hợi (vai Nguyễn Tất Thành); nghệ sĩ Thu Hà (nhân vật Út Huệ trong Búp sen xanh là Út Vân trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn), nghệ sĩ Nguyễn Bá Lộc (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), nghệ sĩ Lan Hương (vai bà Hoàng Thị Loan)…

Nói về tên phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, diễn Long Vân cho biết: “Cuối phim có cuộc chia tay của anh Nguyễn với Út Vân. Út Vân hỏi: Anh đi bao giờ về? Anh Nguyễn đã trả lời rằng: Con đường phía trước còn rất dài và phải đi. Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn. Tôi thấy ý này rất hay, bèn đổi tên phim thành Hẹn gặp lại Sài Gòn theo câu nói ấy…”.

Bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn đã ra mắt đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó, bộ phim được in ra 5 bản, trong đó có 4 bản chiếu trong nước và một bản Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng nhân dân Ấn Độ…

Tôn vinh nhà văn Anh hùng

Tiểu thuyết Búp sen xanh đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải Đặc biệt. Tri ân với những cống hiến của ông, ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhà văn Sơn Tùng (Quyết định số 1083/QĐ-CTN). Ngày 22/7/2011, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Danh hiệu Anh hùng Lao động là phần thưởng cao quý thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của Đảng và nhân dân đối với công lao hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học của nhà văn Sơn Tùng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc, dù bị thương nặng nhưng nhà văn Sơn Tùng với nghị lực phi thường, đã vượt qua khó khăn, luôn bám sát chiến trường, gắn bó với đồng bào, đồng chí để cho ra đời những tác phẩm giàu giá trị. Tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Sơn Tùng luôn tỏa sáng đóng góp cho nền văn học nước nhà, trong đó là tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm Búp sen xanh được tái bản đến 20 lần đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học”.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng đã có trong danh mục môn Ngữ văn Trung học phổ thông.

Ngày nhà văn Sơn Tùng còn khỏe, tôi gặp ông trong nhiều sự kiện. Tôi vẫn ấn tượng mãi những câu chuyện ông kể về những chuyến điền dã tìm tư liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; hành trình gặp gỡ nhân chứng; viết kịch bản phim từ Con đường năm ấy đến Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng và đổi thành tên phim Hẹn gặp lại Sài Gòn; viết tiểu thuyết Búp sen xanh... Tôi có mặt trong sự kiện nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Lúc đó, ông rất yếu phải ngồi xe lăn.

Bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ”:

“Gửi em chiếc nón bài thơ” và hơn 100 bài thơ

Ngoài văn xuôi, Sơn Tùng còn là tác giả của hơn 100 bài thơ, trong đó có bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành ca khúc cùng tên sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.

Ca từ rất phù hợp với không khí ngày hội thống nhất: "Em đội nón bài thơ đi đón ngày hội mới/ Nước non ta nay một dải/ Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ...”, nhưng thực tế bài thơ đã được viết từ 20 năm trước (1955) khi ông đi dự Đại hội Thanh niên, Sinh viên Thế giới lần thứ V tại Warsaw (Ba Lan). Hành trình đến thủ đô Ba Lan có dừng ở Moskva (Liên Xô). Chàng thanh niên Việt Nam xúc động vô cùng khi chạm mắt hình ảnh cô gái Nga đội chiếc nón lá Việt Nam đi giữa đường phố. Nhớ đất nước, nhớ quê nhà và cảm xúc thăng hoa đã bật lên thành bài thơ Gửi em chiếc nón bài thơ.

Bài thơ được in trong nội san Sinh viên năm 1955, báo Thống nhất (1960) và sau 30/4/1975 là ca khúc cùng tên.

“Tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không”?

Khâm phục ý chí mạnh mẽ của nhà văn thương binh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho tiểu thuyết Búp sen xanh lần tái bản đầu tiên (1/1983): “Đến đây, tôi muốn nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, mà nhiều độc giả, nhất là trong giới thanh, thiếu niên ưa thích; và báo chí nước ta đã đăng những bài bình luận và đánh giá mà theo tôi biết, tác giả rất chú trọng. Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm