Từ sen tới 'ánh sáng bên trong'

05/07/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá

Tuần lễ trưng bày các tác phẩm hội họa mới nhất của họa sĩ Trương Văn Ngọc mang tên Ánh sáng bên trong sẽ kéo dài tới 10/7 tại không gian nghệ thuật The Muse (47 Tràng Tiền, Hà Nội). Trương Văn Ngọc là họa sĩ đã có những thành công nhất định với chất liệu màu nước và chủ đề sen. Trong trưng bày này, The Muse đem đến cho khán giả một động thái mới của Trương Văn Ngọc hướng dần về trừu tượng.

Triển lãm 'Nghệ thuật và hòa bình': Khi màu nước Việt Nam ra sân chơi quốc tế

Triển lãm 'Nghệ thuật và hòa bình': Khi màu nước Việt Nam ra sân chơi quốc tế

Vào chiều tối qua 10/3, triển lãm tranh màu nước quốc tế "Nghệ thuật và hòa bình", đã khai mạc tại Vietnam Watercolor Art (187 Lê Văn Sỹ, TP.HCM).

Họa sĩ Trương Văn Ngọc sinh năm 1990 tại Phú Thọ, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2014, và sớm tìm được cho mình một lối đi riêng trong hội họa. Ít ai biết, trước đó Trương Văn Ngọc cũng đã từng thể nghiệm hội họa chân dung biểu hiện, nude, lập thể… một cách dữ dội. Thứ hội họa đó bộc phát ra một cách tự nhiên từ thực hành nghệ thuật của anh trong quãng đời sinh viên với nhiều trăn trở, khó khăn. Nhưng rồi Ngọc nhận ra “nó không phù hợp với mình nữa” và tiếp tục hành trình tìm về bản sắc cá nhân trong nghệ thuật.

Những biến chuyển của sen

Ở phương Đông, sen vốn là một hình tượng biểu trưng mang nhiều ý nghĩa trong Phật giáo. Nên, khi các họa sĩ vẽ sen ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ý nghĩa biểu tượng của nó. Tuy vậy, chỉ một vòng đời ngắn ngủi của sen thôi cũng có vô số sắc thái từ tươi mới đến lụi tàn. Người nghệ sĩ có cảm hứng với trạng thái nào và lựa chọn vẽ sen như thế nào cũng bộc lộ một phần nội tâm và tư duy nghệ thuật của anh ta với các tác phẩm sen.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Trương Văn Ngọc

Sen bắt đầu xuất hiện trong sáng tác của Ngọc từ năm 2015. Nhưng từ đó đến giờ, sen của anh cũng có thể được nhận biết được những trạng thái khác biệt. Những năm 2015 - 2018, tranh sen của Ngọc đã mang hơi hướng biểu hiện, như một dự báo. Năm 2019 - 2020, sen trong tranh rộ lên, chật kín mặt giấy, đầy màu sắc, đường nét trong không gian có lớp lang xa gần. Triển lãm cá nhân Nguồn năm 2019 đánh dấu chặng phát triển này của Ngọc. Nhưng bên cạnh đó, các tác phẩm sen tàn lược giản hình, vẫn xuất hiện. Có thể nói, 2021 là giai đoạn cao trào trong nghệ thuật màu nước của Trương Văn Ngọc khi xuất hiện nhiều tác phẩm bán trừu tượng.

Chú thích ảnh
“2020” - tác phẩm vẽ sen năm 2020

Đối với các tác phẩm sen của Trương Văn Ngọc, ngay cả trong thời kỳ sen xuất hiện dày đặc nhất trên mặt giấy thì hồ sen vẫn mang một tone trầm. Cảm giác như sen và hồ vừa qua cơn gió bão.

Sen trong trưng bày lần này mang hơi hướng tối giản, biểu hiện và trừu tượng. Đó là các trạng thái trừu tượng hóa của sen như Vũ điệu sen, Ngẫu hứng sen hay Dao động. Ở đây, họa sĩ nắm bắt được sự chuyển động tinh tế trong từng trạng thái, khoảnh khắc và tạo hình sen theo sự rung động đó. Ngẫu hứng sen là trạng thái đối diện, nắm bắt thần sắc của lá và hoa. Nhưng qua đó, nội tâm của người vẽ được thể hiện qua chất cảm của độ loang, của màu đặc trong tác phẩm. Các nét hình trong tác phẩm này được buông dần, chủ yếu tạo hình bằng dấu vết của mảng màu gợi mở hoa được đặc tả ở trạng thái động nhưng chừa lại khoảng trống của nền, tạo nên không gian không xác định để đẩy tính trừu tượng lên cao.

Chú thích ảnh
Không gian triển lãm

Bên cạnh đó là các tác phẩm thể hiện sen tàn, có bối cảnh hồ và lá sen, nhưng vẫn trong một không gian ước lệ. Sen tàn cho cảm giác nhìn nhận sự luân hồi của tự nhiên nhưng vẫn nhìn được vẻ đẹp và ý nghĩa của hiện tượng. Các tác phẩm sen tàn của Ngọc với tone màu nâu điểm sắc xanh trữ tình và biểu cảm.

Không còn miêu tả chi tiết mà chuyển sang biểu hiện trạng thái, dấu hiệu sen. Ít hình, nhiều khoảng trống, kiệm màu và chuyển sắc. Khả năng biến hóa trong bút pháp được khai thác… Đó là những đặc trưng mang đậm tính thiền của sen trong trưng bày lần này.

“Ánh sáng bên trong”

Nội dung chính của gần 20 tác phẩm được lựa chọn trong tuần lễ trưng bày lần này bên cạnh sự chuyển dịch của hình tượng sen, là các tác phẩm bán trừu tượng về tự nhiên.

Các tác phẩm như Ý niệm về vật chất, Luôn có một khoảng trống, Miền tự do, Ánh sáng cho người xem liên tưởng đến cả 2 ý nghĩa về trạng thái của tự nhiên và những ý niệm hay trạng thái xuất thần mà con người cảm nhận được một cách tâm linh trong vũ trụ. Các tác phẩm này không còn hình dạng của ngoại vật trong đời sống. Theo đó, không còn thấy nét vẽ để tạo hình, chỉ có mảng màu được đặt đan xen, hay những mảng loang của vật liệu dẫn là nước. Chính sự làm nhòe đi ranh giới của nét cũng làm tăng ý nghĩa biểu đạt cho những tác phẩm này. Sự đối chọi giữa 2 sắc độ sáng - tối trong các tác phẩm với sắc tối chiếm ưu thế, tạo sức nặng cho những ý niệm và tăng giá trị cho khoảng sáng.

Và cuối cùng, các sáng tác như Ánh sáng bên trong, Cõi sáng mang rõ ý nghĩa của Phật giáo. Các tác phẩm này như sự đúc kết lại những cảm giác còn mơ hồ ở các trạng thái của sen và ánh sáng… tuy vậy, đây là những tác phẩm được lược giản hình tượng Đức Phật. Sự trống rỗng của hình đại diện cho tâm không trong Phật giáo. Và có vẻ như sự đơn sơ về màu lại đem lại hiệu quả khiến bức tranh không bị nặng nề mà toát lên tinh thần của Phật giáo.

Chú thích ảnh
“Ánh sáng bên trong” (2021), 56 x 76cm - mực Tàu, màu nước trên giấy

Màu nước là một chất liệu rất phù hợp với xu hướng hội họa của họa sĩ Trương Văn Ngọc. Có rất nhiều họa sĩ chuyên vẽ chất liệu màu nước ở Việt Nam và chất liệu này đã có thể đẩy tác phẩm lên đến độ tinh vi của miêu tả và biểu cảm hiện thực. Tuy vậy, dùng màu nước để vẽ trừu tượng thì rất ít thấy trong mỹ thuật đương đại cho tới thời điểm này. Có thể nói, trong trưng bày lần này là một bước chuyển mới trong hội họa của Trương Văn Ngọc với chất liệu màu nước. Mặc dù các tác phẩm sen biểu hiện và thiên nhiên bán trừu tượng/ trừu tượng đã xuất hiện và như một dự báo trong thực hành của anh từ những năm 2016 - 2017, nhưng sự hội tụ các tác phẩm trong trưng bày lần này đem đến cho khán giả một sự bao quát và cái nhìn sâu sắc hơn về sự chuyển biến trong tư duy hội họa của Trương Văn Ngọc.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

   

Bình tâm trong gió

Ngọc là người hiền lành, tính tình nhã nhặn thanh tao. Anh ít nói nhưng hay viết lại những suy nghĩ về hội họa, có làm thơ, có thực hành thiền. Và không ngạc nhiên khi con đường hội họa của anh dần tìm về sự nhẹ nhàng nhưng đầy nội lực. Nói như thế không có nghĩa là đời sống hiện tại không còn sóng gió, nhưng khi đã tìm được ra con đường của mình, hội họa của Ngọc đúng như tên một tác phẩm trong trưng bày lần này: Bình tâm trong gió.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm