Từ Họa bì đến Connected & một thế hệ đạo diễn trẻ Hong Kong

09/11/2008 20:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Điện ảnh Hong Kong ra đời năm 1913, tuy muộn hơn điện ảnh Đại lục (năm 1905), nhưng trong 95 năm qua, nó có sức sống mạnh mẽ với lớp lớp đạo diễn và diễn viên tài năng.

Những người làm phim và lớp diễn viên tiền bối như Thiệu Dật Phu, Lục Vận Đào... đã góp công lớn trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho điện ảnh Hong Kong với hàng ngàn bộ phim các loại, biến mảnh đất có diện tích chỉ xấp xỉ 1.000km² với hơn 6 triệu dân trở thành nơi có nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ nhất khu vực từ cuối thập niên 1950 tới cuối những năm 1960. Tiếp đó, lớp đạo diễn từng có trải nghiệm tại Hollywood như Ngô Vũ Sâm, Từ Khắc đã làm điện ảnh Hong Kong rạng danh, được gọi là “Hollywood phương Đông” từ thập niên 1970 tới đầu những năm 1990.
 
 Đạo diễn Trần Gia Thượng
của phim Họa bì
Nhưng từ cuối thập kỷ 1990, nhất là sau khi trở về với Trung Quốc vào năm 1997, điện ảnh Hong Kong đã bước vào một giai đoạn sa sút do bị điện ảnh Đại lục cũng như các nước cạnh tranh quyết liệt. Việc nhiều diễn viên nổi tiếng và các đạo diễn lớn tuổi chững lại trong khi lớp kế tục chưa chín muồi đã khiến cho hình ảnh “Hollywood phương Đông” một thời bị lu mờ. Để thích ứng với môi trường mới, các diễn viên và đạo diễn Hong Kong cùng bắt đầu cuộc cách tân. Với nhiều bộ phim gây tiếng vang thời gian qua, cùng sự hợp tác của các diễn viên trẻ đến từ Đại lục, lớp đạo diễn đang nổi lên đã thổi một luồng sinh khí mới, làm bừng tỉnh “con rồng” điện ảnh Hong Kong.

Năm 2001, Ngọa hổ, tàng long của đạo diễn Ðài Loan Lý An đoạt giải Oscar Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Thành công này là mốc son chói lọi của điện ảnh Hoa ngữ, đồng thời có tác dụng khích lệ các nhà làm phim trẻ Hong Kong khôi phục lại danh tiếng trước đây của “Hollywood phương Ðông”.

Họa bì của đạo diễn Trần Gia Thượng với dàn diễn viên nổi tiếng đã đánh bại các phim Hong Kong khác trong cuộc đua giành quyền tham gia tranh giải Oscar 2009. Ban đầu, công chúng Trung Quốc rất ngỡ ngàng với tin này, nhưng sau khi Họa bì công chiếu buổi đầu tiên vào ngày 19/9/2008 ở Quảng Đông, tiếp đó ngày 22/9 tại 6 rạp với 20 buổi ở Bắc Kinh thì phim đã được đánh giá cao về sự sáng tạo mang tính đột phá. Thành công bước đầu đó đã khẳng định tài năng của đạo diễn Trần Gia Thượng trong làng điện ảnh Hong Kong.

Sinh năm 1960, Trần Gia Thượng đã có dịp làm quen và tiếp nhận kinh nghiệm nghề nghiệp của lớp đạo diễn đàn anh như Lý Hàn Tường, Hồ Kim Thuyên - những người từng làm phim cả ở nước ngoài. Năm 20 tuổi, Trần Gia Thượng phụ trách tổ quay phim, sau đó chuyển sang làm biên kịch (các phim Thế giới ba người, Duyên phận) và đạo diễn (phim đầu tay: Chàng trai Chu Ký). Từ đó tới nay, đạo diễn này đã thực hiện khoảng 30 bộ phim các loại, nhưng chỉ sau khi Họa bì ra đời thì cái tên Trần Gia Thượng mới thực sự nổi đình nổi đám.
 Cổ Thiên Lạc trong Connected
Ðược hỏi về bí quyết thành công vượt dự kiến của Họa bì, Trần Gia Thượng cho biết: “Các đạo diễn đàn anh đã tạo nền móng cho phim ảnh Hong Kong, nhưng lớp trẻ không thể đi theo lối mòn mà phải có bước đột phá. Khi công chúng đã no nê phim võ hiệp thì tôi quay sang làm Chí lớn hổ bay, một phim vừa có yếu tố võ thuật, tình cảm và cũng đề cập đến lý tưởng sống. Khi công chúng đang chuộng những phim vui vẻ thì tôi làm Uy Long trốn học và Nhật ký chàng trai họ Chu. Một khi thị trường đã bão hòa với chủ đề cũ thì đạo diễn phải sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới mang lại sức sống cho phim”. Và phim Họa bì cũng được xây dựng trên cơ sở của tinh thần sáng tạo. Phim dựa theo một truyện trong bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, nhưng đã được cải biên và nâng lên tầm cao mới về tình yêu đôi lứa, tinh thần võ hiệp và triết lý sống.

Ðạo diễn Trần Mộc Thắng của phim Connected sinh năm 1969, gia nhập làng điện ảnh Hong Kong từ thập kỷ 1980. Năm 1983, khi mới 14 tuổi, Trần Mộc Thắng đã làm trợ lý cho đạo diễn Ðỗ Kỳ Phong trong thời gian ông này quay phim truyền hình nhiều tập Tuyết sơn phi hồ. Năm 1990, khi 21 tuổi, anh đã đạo diễn phim điện ảnh Thiên nhược hữu tình.

Trần Mộc Thắng bộc bạch: “Cho tới nay, tôi đã làm hơn 20 bộ phim các loại. Cuộc đời đạo diễn của tôi có thể chia làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất bắt đầu năm 21 tuổi, khi đạo diễn phim Thiên nhược hữu tình mà chủ đề cơ bản là tình yêu đôi lứa, trong đó coi trọng cả diễn viên nam và nữ. Thời kỳ thứ hai từ phim Lửa hận đầu phố năm 1996 tới năm 2007, chủ yếu là phim hành động, võ hiệp nên diễn viên nam được coi trọng hơn. Thời kỳ thứ ba từ Connected năm 2008 là phim trở lại đề tài kinh điển của Hong Kong trước đây”.

Theo đạo diễn Trần Mộc Thắng, do tại Hong Kong, phim mang tính thương mại chiếm tỷ lệ khá lớn và có tốc độ sản xuất rất nhanh nên người đạo diễn khó cưỡng nổi xu thế chung, nếu không, phim làm ra chẳng ai xem và sẽ bị thải loại. Bởi vậy, việc bứt phá khỏi xu thế chung để làm phim hoàn toàn mang dấu ấn riêng của mình thực sự là khó khăn. Tuy nhiên, với phim Connected, đạo diễn Trần Mộc Thắng đã làm được điều tưởng như không thể này.

Connected được làm lại từ phim Cellular của Hollywood. Nội dung của Connected khá đơn giản: Người mẹ trẻ Grace (do Từ Hy Viên đóng) là một nhà thiết kế game điện tử. Vào một buổi sáng, khi đưa con tới trường, bỗng nhiên cô bị nhóm xã hội đen của Hoắc Ðức Năng (Lưu Diệp) bắt cóc. Sau đó Grace mới biết rằng em trai mình đã quay video về tội ác của nhóm này làm bằng chứng cho cảnh sát, nên chúng dùng cô làm con tin hòng lấy lại cuốn băng. Nhân lúc bọn gác sơ ý, Grace đã sửa lại chiếc điện thoại di động bị hỏng và liên lạc được với một người ở bên ngoài là A Bang (Cổ Thiên Lạc). Nhờ đó mà cảnh sát phá được vụ án.

Nội dung phim đơn giản nhưng nhờ sự dàn dựng công phu của đạo diễn Trần Mộc Thắng cùng diễn xuất của các ngôi sao Hong Kong, Ðài Loan và Đại lục, nên sau khi công chiếu buổi đầu tiên tại Thượng Hải ngày 28/9/2008, Connected lập tức trở thành phim ăn khách. Trần Mộc Thắng cho biết kinh phí của phim này là 45 triệu đô-la Hong Kong (tương đương gần 6 triệu USD) nhưng nếu Hollywood dàn dựng thì con số đó phải đội lên thành 40 triệu USD.

Ngay sau Họa bì, khán giả Việt Nam lại tiếp tục được thưởng thức Connected (tựa tiếng Việt: Xin đừng gác máy), khởi chiếu từ 7/11 tại các rạp trên toàn quốc.

Kiều Tỉnh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm