Từ 'Bắc Kỳ thể thao' đến 'Thể thao Đông Dương' (Kỳ 1): 'Bắc Kỳ thể thao' - Tờ báo cổ động thể thao đầu những năm 1930

28/06/2021 19:14 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Vòng loại World Cup 2022 rồi EURO 2020 đang tạo ra những cơn “địa chấn” thông tin về bóng đá giữa mùa dịch. Báo in Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lại xây dựng format “Tin nhanh EURO” như một truyền thống gần 40 năm qua, kể từ khi “tiền thân” của tờ báo - tờ Tin nhanh Espana’ 82 - ra đời và đánh dấu một giai đoạn bùng nổ của các tờ báo chuyên về thể thao trên toàn quốc. Để rồi, tới nay, lại chứng kiến một sự thoái trào của báo in thể thao. Điều đó lại càng thấy rõ trong mùa EURO này.

Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng giở lại những tờ báo chuyên về thể thao nửa đầu thể kỷ 20. Ngày 8/5/1930, tờ báo thể thao đầu tiên được xuất bản là Nam kỳ thể thao tại Sài Gòn, 6 tháng sau ở Hà Nội là tờ Bắc kỳ thể thao… Như vậy, từ gần 100 năm trước, làng báo chí Việt Nam đã có những tờ báo chuyên về thể thao rất bề thế, minh chứng cho tình yêu thể thao không hề hời hợt của người Việt Nam, và cũng chứng tỏ có một nền “văn hóa” luận bàn về thể thao rất sang trọng.

Thể thao và Văn hóa xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Từ Bắc kỳ thể thao đến Thể tháo Đông Dương”...

(Thethaovanhoa.vn) - Là tờ báo chuyên về thể thao hiếm hoi trong làng báo nước Việt, Bắc Kỳ thể thao được biết đến nhiều cùng với tờ Thể tháo Đông Dương (chữ “thể tháo” phổ biến ở Nam Kỳ xưa). Trong thời gian đua tranh cùng anh em làng báo 4 năm, Bắc Kỳ thể thao nhận lãnh công việc một tờ báo ủng hộ sự phát triển của thể thao nước nhà.

Báo Thể thao & Văn hóa: Từ Tin nhanh Espana 82 đến TT&VH

Báo Thể thao & Văn hóa: Từ Tin nhanh Espana 82 đến TT&VH

Tháng 6/1982, một cột mốc lịch sử trong làng báo chí nước nhà được xác lập khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khai sinh ra Tin nhanh Espana 82 - tờ Tin nhanh World Cup đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là nền tảng cho sự ra đời của Báo Thể thao & Văn hóa (TT&VH)...

“Bắc Kỳ thể thao” trong ký ức các nhà báo đương thời

Tờ Bắc Kỳ thể thao do Nghiêm Xuân Huyến làm Chủ nhiệm. Theo lời Vũ Bằng (1913-1984) trong hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” thì ông Huyến sau là bố vợ của nhạc sĩ Văn Cao, sau ông bỏ mạng vì phát xít Nhật bắt tống ngục. Bắc Kỳ thể thao chuyên viết về chuyện thể thao, nào đá bóng, quần vợt hay khúc côn cầu.

Với Bắc Kỳ thể thao, Phạm Cao Củng (1913-2012), sau được thiên hạ biết tiếng trong làng bút mực với nhân vật thám tử Kỳ Phát tạo nên thương hiệu truyện trinh thám Phạm Cao Củng, đã bắt đầu nghiệp nhà báo với tờ báo thể thao này.

Chú thích ảnh
Trang bìa số đầu tiên của tờ báo“Bắc Kỳ thể thao”

Kỷ niệm ấy cha đẻ Kỳ Phát còn nhớ rõ qua Hồi ký Phạm Cao Củng. Khi ấy Củng mới ở tuổi 15, vốn yêu bóng đá, rất kết Hội bóng tròn Nhà máy Sợi của Nam Định. Đội nổi tiếng lại đá hay, nhưng trên tuần báo Bắc Kỳ thể thao, phóng viên tường thuật trận đấu thường hay thiên vị, tường thuật có phần thua thiệt cho đội Nhà máy Sợi trong khi thực tế đội chơi hay hơn nhiều. Chàng Củng đọc báo lấy làm ấm ức lắm, quyết có phen “rửa hận” cho đội nhà.

Dịp ấy rồi cũng đến. Nhân một trận đấu của Nhà máy Sợi thi đấu tranh giải vô địch Bắc Kỳ, Củng ta xem xong, về nhà viết ngay một bài tường thuật trận đấu rất hay, đầu tư kỹ lưỡng, ký bút danh Văn Tuyền rồi gửi cho Bắc Kỳ thể thao. Bài viết được ông Huyến quan tâm, gửi thư riêng mời Văn Tuyền làm phóng viên cho Bắc Kỳ thể thao. Không những thế, một thời gian sau, ông Huyến từ Hà Nội tìm về tận Nam Định, đến nhà Phạm Cao Củng trực tiếp trao cho chú bé tuổi mới 15 tấm thẻ nhà báo do đích thân ông ký kèm chữ ký thị thực của Công sứ Hà Nội, có dán ảnh Phạm Cao Củng đã gửi trước đó. Nghiệp làm báo của nhà văn trinh thám đã bắt đầu như thế với Bắc Kỳ thể thao.

Nếu Phạm Cao Củng bén duyên Bắc Kỳ thể thao như trên, thì Vũ Bằng có dây mơ với Nghiêm Xuân Huyến từ trước qua báo Rạng Đông. Rạng Đông dừng thì Bằng xoay qua làm Bắc Kỳ thể thao. Cứ theo trí nhớ của Vũ Bằng, thì Rạng Đông dường như ra trước Bắc Kỳ thể thao. Nhưng thực chất, trong những số sau chót, Bắc Kỳ thể thao vẫn đang cổ động cho sự ra đời của Rạng Đông.

Tồn tại trong làng báo, Bắc Kỳ thể thao thọ 4 năm, trải 133 số. Bắc Kỳ thể thao số 1, ra ngày 4/11/1930, Bắc Kỳ thể thao số 133 là số cuối cùng, ra ngày 27/6/1933. Đây là tờ báo chuyên về thể thao hiếm hoi của làng báo nước Việt nhưng không phải tờ duy nhất. Bắc Kỳ thể thao là tuần báo xuất bản vào ngày thứ Ba hàng tuần với Chủ nhiệm Nghiêm Xuân Huyến, Chủ bút Lê Đông Mai, sau thay bằng Trúc Đỳnh Trương Công Đỉnh. Tòa soạn ở số 37 phố Hàng Quạt, Hà Nội.

Nói về cái lẽ xuất hiện trong làng báo, Bắc Kỳ thể thao số 1 đăng ngay trang nhất bài Vì lẽ gì báo Bắc Kỳ thể thao ra đời. Nhận rằng báo ra giữa lúc phong trào thể thao nước nhà đang sôi nổi, báo tự nhận trách nhiệm là cơ quan chung cho giới thể thao, giữ việc tổ chức các giải về thể thao, cổ động thể thao. Báo cũng tuyên bố bản thân không thuộc về đảng phái, hội nhóm nào, đứng ở vị trí trung lập từ lời nói tới hành động. Để có thể thực hiện được việc tổ chức các giải thể thao, cũng ngay trong số này Bắc Kỳ thể thao tuyên bố dự định trích 10% số tiền mua báo đồng niên để làm quỹ tổ chức.

Ủng hộ sự ra đời của báo, tác giả D.T.T. có bài thơ mừng Mừng Bắc Kỳ thể thao trên Bắc Kỳ thể thao số 2, ra ngày 11/11/1930 theo thể lục bát: “Thể thao tuần báo ra đời,/ Trên đàn ngôn luận cùng người đua chen./ Ra công đắp móng xây nền,/ Hô hào thể dục khắp miền nước ta./ Nào là tin tức gần xa,/ Đánh vợt, thi chạy, cùng là đá ban [banh]./ Đều đăng lên báo luận bàn,/ Xa gần nô nức quốc dân yêu vì./ Còn non còn nước cổ đi,/ Đường xa gánh nặng sợ gì trôn [chông] gai./ Mấy lời chúc báo lâu giài [dài],/ Cơ quan chính đáng cho người ích chung”.

Chú thích ảnh
Hí họa cùng thơ vui các tay bút của “Bắc Kỳ thể thao” số 50, kỷ niệm tròn 1 năm báo ra mắt

“Bắc Kỳ thể thao” toàn cảnh

Tiếng là báo thể thao, lại là báo thể thao Bắc Kỳ, nhưng tờ tuần báo này không bó mình ở tên gọi, mà mở rộng viết về thể thao khắp 3 kỳ, cũng như thể thao Đông Dương và thể thao trên thế giới với giải quần vợt Wimbledon, điền kinh thế giới, bóng đá thế giới…

Không chỉ đưa tin bài về thể thao, báo thỉnh thoảng cũng có thơ, truyện, kịch liên quan đến thể thao: Ái tình và thể thao (Hồng Sơn soạn, tiểu thuyết trinh thám, đăng dài kỳ từ số 1), Uy Lịch [Odyssêy] phiêu lưu ký (Homère, dịch thuật, bài dài kỳ, khởi đăng từ số 21, ra ngày 31/3/1931), Lam Điền nữ hiệp (Bách Lữ dịch thuật, tiểu thuyết dài kỳ, khởi đăng từ số 76, ra ngày 3/5/1932), Hậu Thủy hử (đăng dài kỳ, khởi đăng từ số 109, ra ngày 27/12/1932)…

Từ nửa cuối năm 1931 trở đi, báo có sự cộng tác của nhiều tên tuổi như Thái Phỉ, Trọng Lang, khoản minh họa có sự góp mặt của họa sĩ NGYM. Trên số 50, ra ngày 4/11/1931, số kỷ niệm tròn năm của báo, ở phần phụ trương họa sĩ NGYM hí họa các tay bút của Bắc Kỳ thể thao, kèm theo đó có bài thơ vui của Đạm Quang về báo cũng như các tay bút tiêu biểu. Trong đó có đoạn như dưới đây nói về công việc của báo là: “chuyên việc thể thao,/ noi theo làn sóng tân trào,/ nâng nền thể dục lên cao kịp người./ Những mong tai mắt ở đời,/ rọc [dọc] ngang trời rộng, bể khơi vẫy vùng,/ từng phen sắt đá, dụng công hô hào”.

Cũng qua bài này, các tay bút quen mặt quen tên xuất hiện trên Bắc Kỳ thể thao như Trọng Lang, Trúc Đỳnh, Lê Toàn, Quang Trung… cũng được điểm danh dí dỏm: “Này gã TRỌNG LANG, (1)/ Húy TÀNG CỦ TRỨNG,/ chuyên trị đá đấm,/ giở lắm trò hề./…/ Sói con khéo dụ, chính cụ TÔ ĐIỀN. (3)/ Lại bác VĂN TUYỀN,/ huyên thuyên võ Nhật!/ TRÚC ĐỲNH gấu thật. (4)/ lẩn mặt trong hang,/ ngọn lưỡi ngang tàng,/ ngang ngang bướng bướng!/ QUANG TRUNG cậu tướng, (5)/ khí tượng ban lông!”.

Ngay từ khi ra đời, Bắc Kỳ thể thao đã ủng hộ mạnh mẽ phong trào thể thao ở phụ nữ khi viết nhiều tin bài đưa tin về những phong trào, sự kiện thể thao liên quan đến nữ giới như cuộc đi bộ của đoàn phụ nữ do cô Hoàng Việt Nga dẫn đầu đi Hà Nội đến Hải Phòng cuối năm 1930, đoàn đi xe đạp phụ nữ từ Nam ra Bắc đầu năm 1931…

Các hoạt động thể thao được đưa tin nhiều trên báo là quần vợt, banh tròn, đua xe đạp, đua ngựa... Độc giả dễ bắt gặp những tên tuổi trong giới thể thao nước nhà dạo ấy như quần vợt không thể bỏ qua các tay vợt Chim, Giao, hay các đội banh tròn Chợ Lớn, Gia Định, danh thủ Văn Đức Vịnh quen tên dạo ấy cũng thường xuyên được báo đề cập.

Thỉnh thoảng, trong lĩnh vực thể thao, báo có lúc tranh luận với báo đồng nghiệp Phụ nữ Tân văn, Duy Tân, Phong hóa… về điểm này điều nọ. Có thể thấy qua bài Cô Lê Thị Thắm - cô Hồ Tố Quyên nhỏ - đã tổ chức một cuộc “lết” từ Saigon đến Quảng Trị trên Bắc Kỳ thể thao số 32, ra ngày 30/6/1931, Báo Duy Tân không cần phải nói khích trên Bắc Kỳ thể thao số 33, ra ngày 7/7/1931… Nếu để ý, sẽ thấy Bắc Kỳ thể thao đưa tin rất thường xuyên hoạt động của các đoàn hướng đạo.

Ngay từ khi mới ra đời cho đến sau này hoạt động, cách đăng tin quảng cáo của Bắc Kỳ thể thao khá riêng. Hoặc là làm một chuyên trang quảng cáo với mỗi ô nhỏ là một mẩu quảng cáo riêng cho các cửa hàng cửa hiệu, hoặc là thực hiện quảng cáo ngay mỗi chân trang.

(Còn tiếp)

Trần Đình Ba

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm