Từ 'Bắc Kỳ thể thao' đến 'Thể tháo Đông Dương': Bức tranh thể thao 80 năm trước

19/07/2021 19:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cung cấp đủ những tin tức thể thao các lĩnh vực, Thể tháo Đông Dương(*) hiến cho độc giả món ăn tinh thần bổ ích về thể thao suốt thời gian nó hiện diện trong làng thể thao nước nhà từ 1941 đến 1944.

Dấu ấn đọng lại của 'Bắc Kỳ thể thao'

Dấu ấn đọng lại của 'Bắc Kỳ thể thao'

Trên "Bắc Kỳ thể thao", hoạt động thể thao đủ môn đủ món được đưa tin, theo sát sự kiện. Trong đó, tin tức về món quần vợt với 2 tay đại kỳ tài Chim, Giao được ưu tiên tin bài.

Bóng đá (khi ấy gọi bóng tròn) có sự hấp dẫn cao độ với những bài tường thuật kỹ lưỡng trên Thể tháo Đông Dương, một trận bóng diễn ra trong 70 phút.

Bóng đá được đưa tin nhứt hạng

Vào giai đoạn này, bóng tròn thịnh hành ở Bắc và Nam Kỳ, nhưng Trung Kỳ cũng không kém cạnh khi có giải vô địch Trung Kỳ. Khắp 3 kỳ không lớn thì nhỏ đều có giải bóng tròn, như Cúp bóng đá Pagès ở Nam Kỳ năm 1941, với trận chung kết giữa Stade Militaire và Hiệp Hòa kết thúc bằng phần thắng 3-2 thuộc về Stade Militaire (số 2, ngày 7/11/1941). Ngoài ra, còn giải Lambert, giải vô địch học sinh về bóng tròn… Toàn Đông Dương có giải bóng tròn tranh chức vô địch Đông Dương mà năm 1942 tổ chức tại Huế, tuyển bóng tròn Nam Kỳ đã hạ Bắc Kỳ 3-2 ở trận chung kết để đoạt ngôi vô địch.

Chú thích ảnh
Bài tường thuật bóng tròn trên “Thể tháo Đông Dương” số 59, ngày 26/12/1942

2 đội tuyển Pháp - Nam đã từng vài lần gặp nhau. Trong trận đấu giao hữu tại sân vườn Ông Thượng, tỷ số 2-0 nghiêng về tuyển Pháp (số 6, ngày 5/12/1941), rồi Nam Kỳ - Cao Miên đối đầu và tỷ số 3-1 nghiêng về Nam Kỳ (số 10, ngày 2/1/1942). Thậm chí tại giải Lambert, Nam Kỳ đoạt chức vô địch khi thắng Cao Miên cách biệt với tỷ số 9-1 (số 26, ngày 1/5/1942). Giữa 3 kỳ, từng chạm trán nhau những trận bóng tròn, như trận đội bóng tròn Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã diễn ra với chiến thắng 2-0 của Bắc Kỳ (số 7, ngày 12/12/1941)…

Các hảo thủ của môn bóng tròn dạo đầu những năm 1940 cũng được báo điểm tên với “tiên phong tả biên” (tiền đạo trái) “thần mã” Hòa của đội Hiệp Hòa được khen là có tài chạy nhanh, hay trung phong thuộc về vai của Tốt đội Police với kỹ thuật qua người rất giỏi và sút lợi hại.

“Cầu vương” Lý Huệ Đường của lãnh thổ Hong Kong đã điểm danh những hảo thủ của Việt Nam có: “Trương Tấn Bửu là nghệ sĩ thứ nhứt của cầu giới Việt Nam, nhưng người ta không thể quên trung phong Tốt và hữu biên Guichard, những sức mạnh của thế công” (Thể tháo Đông Dương số 9 bộ mới, ngày 4/10/1943)…

Qua thông tin trên báo, trước 1941 có chuyện mua bán cầu thủ làm cho các cầu thủ nay đang ở đội này có thể mai nhảy sang đội khác, khiến các đội bóng thiếu sự ổn định. Để bài trừ tệ đó, năm 1941 Tổng cuộc Banh tròn Nam Kỳ (F.C.F.A) đã ra điều luật quy định “buộc các cầu tướng ỡ [ở] đâu đá đó chớ chẵng [chẳng] được “bôn Nam tẩu Bắc” một cách tự do như xưa nay nửa [nữa]”.

Trong địa phận Nam Kỳ, cụ thể là đất Sài Gòn, đội Ngôi sao Gia Định là đội có tiếng bấy giờ, đã vô địch hạng nhất năm 1942 sau khi thắng đội xếp sau là đội banh Thương khẩu (Port de Commerce). Ở Lục tỉnh bóng tròn cũng phát triển mạnh chứ không chỉ là miền sông nước được biết đến với kênh rạch, lúa gạo không thôi. Nào giải bóng tròn Hậu Giang, cúp bóng tròn De l’Ouest ở Vĩnh Long…

Ngày nay, dân mộ điệu môn thể thao vua vẫn hay than phiền về công tác trọng tài. Nhưng họ chẳng phải buồn nẫu vì cách đây 80 năm, tiền nhân cũng réo trọng tài ra mà than, như bài Cái nạn trọng tài trên Thể tháo Đông Dương số 21, ngày 27/3/1942, phê bình việc trọng tài hoặc thiên vị, hoặc không hiểu luật lệ, hoặc xếp trọng tài chủ nhà bắt luôn cho chủ nhà… Đoạn trích sau đây là một dẫn chứng: “Chĩ [chỉ] kém hơn hết là M. Hưng trọng tài Bạc Liêu! Hể [hễ] banh xuống thành là ông thổi việt vị, hoặc tìm thế để che (masquer) tiền quân của đối phương, cho nên trận ngày 1/3/42, Rạch Giá thất thũ [thủ] tại Bạc Liêu củng [cũng] vì cái tài cũa [của] M. Hưng khéo che đở [đỡ] cho mành lưới nhà”.

Chú thích ảnh
Tay đua Lê Thành Các kể lại ký ức đua xe trên 'Thể tháo Đông Dương' bộ mới

Cá cược đua ngựa công khai trên báo

Với môn đua ngựa, Thể tháo Đông Dương dành sự quan tâm đặc biệt. Số 76, ngày 27/5/1943 cho biết từ khi ra đời, báo chuyên về các môn thể thao và đua ngựa, “xứng đáng là một cơ quan chuyên bàn về cuộc đua ngựa”. Trường đua Phú Thọ chính là nơi diễn ra các giải đua ngựa liên tục được báo đưa tin. Các ngựa đua được đặt những cái tên rất hay: Hồng bay, Mạnh tân ngọc, Hồng phi, rồi Lincoln, Black and White… Đua ngựa thu hút đông đảo công chúng tham gia cũng như độc giả theo dõi tin tức trên báo, một phần do tính chất gay cấn ở các cuộc đua, lại có cả món ăn cược nên các tay say máu, mong đổi đời đua nhau đặt cược.

Mà trò đời, món nào liên quan đến cá cược hình như cũng có khuất tất cả. Chẳng hạn có nài ngựa bị cho là đã ăn tiền nên đua láo khiến kết quả bị thay đổi: “Người ta biết rỏ [rõ] nài Tiên đả [đã] lãnh trước độ đó 300 đồng. Ai cho nó? Hội đua ngựa nên giao nài Tiên cho sỡ [sở] mật thám may ra sẽ nắm đầu được tên chũ [chủ] chốt. Mà được vậy, củng [cũng] là một cuộc tẩy uế trong làng tuyệt phích đó” (Thể tháo Đông Dương, số 22, ngày 3/4/1942).

Có những số của Thể tháo Đông Dương được xem như số chuyên đề, hoặc số đặc biệt. Thể tháo Đông Dương số 15 (13/2/1942), 16 (20/2/1942) là 2 số chuyên đề về đua ngựa. 2 số này được thực hiện khi rơi vào Tết Âm lịch và chỉ có 8 trang so với 16 trang như thông lệ. Từ số 15 trở đi, báo dành có lúc tới 10 trang cho môn đua ngựa bằng cả tin quốc ngữ và Pháp ngữ, tập trung nhiều vào mục “Lời bàn đua ngựa” và “Quanh quẩn vòng đua”. Từ số 39, tin tức trên Thể tháo Đông Dương xoay quanh đua ngựa là chính.

Chú thích ảnh
Mục “Lời bàn đua ngựa” trên “Thể tháo Đông Dương”

Xôn xao Quyền Anh, đua xe đạp, xe máy

Quyền Anh có vị trí trang trọng trên Thể tháo Đông Dương và ngoài đời, mà theo lời của báo này là ở công lớn của ông bầu Võ Khắc Thiệu. Đây là môn thể thao được công chúng hoan nghênh nhất với những trận đối đầu kịch liệt, gay cấn giữa Tâm - Muôn, Võ Tòng - Tâm, Khuê - Tiểu Lý Quảng… khiến khán giả mong chờ. Cuộc tranh ngôi vô địch quyền Anh Nam Kỳ luôn được đón đợi mà năm 1941 chức vô địch thuộc về Võ Tòng ở hạng “gà”, Đông Phương Sóc ở hạng “ruồi”… Món đối kháng sức mạnh này không chỉ là giữa người Nam với nhau, có lúc võ sĩ Việt cũng thượng đài với võ sĩ nước ngoài, như trận đấu biểu diễn giữa Võ Tòng vô địch hạng gà và Wuillaume vô địch nhà binh. Dù thấp bé nhẹ cân so với đối thủ, Võ Tòng vẫn làm cho Wuillaume nhiều phen bị áp đảo, thậm chí là lọt ra ngoài dây (số 11, ngày 9/1/1942); rồi võ sĩ Lý Văn Quảng thắng áp đảo vô địch Đông Pháp và Trung Kỳ Panfilo (số 6 bộ mới, ngày 14/9/1943)…

Đua xe đạp có giải đua xe đạp Hà Nội - Sài Gòn được giới thiệu là “Một cuộc chạy mới có lần thứ nhứt trong lịch sử thể thao ba kỳ, chạy ngót nửa tháng và xa đến 1.765 cây số”. Cuộc đua này được tổ chức từ 27/12/1941 đến 11/1/1942 để tranh áo vàng chung cuộc. Ở các kỳ, các tỉnh lại có giải đua riêng. Tài đua xe của cua-rơ Việt được Trung tá Ducoroy - Giám đốc tổ chức nền vận động Đông Dương, khen là “Cua-rơ Đông Dương không thua gì cua-rơ bên Pháp”. Trong số các cua-rơ, nổi tiếng có Phan Nhựt Sâm với 10 năm làm thủ quân, đem về cho làng xe đạp Nam Kỳ liên tiếp 10 năm thắng trận (Thể tháo Đông Dương số 9 bộ mới, ngày 4/10/1943).

Môn đua này từng có tay đoạt giải mà chẳng vinh hiển gì, thậm chí khiến dư luận khinh ghét vì trò bẩn. Thể tháo Đông Dương số 24, ngày 17/4/1942 cho biết cuộc đua xe Cap - Xuân Lộc - Chợ Lớn lần thứ 16, tháng 4/1942 với chức vô địch thuộc về cua-rơ Cao Miên Nguyễn Phát Giá. Nhưng thực ra, hắn nương bóng Lê Thành Các, luôn theo sau tay đua số 1 Đông Dương này với lời hứa chỉ về hạng nhì. Các tin lời nên chủ quan, khi cách vạch đích 10 thước, Giá đã nuốt lời mà về đích trước khiến Các tức tối tố cáo, tuy nhiên không thay đổi được kết quả. Sau này, ký ức về các cuộc đua được Các kể lại trên Thể tháo Đông Dương bộ mới (số 1 - 5).

Xe máy cũng có những giải đua lớn, trong đó có giải đua xe máy Hà Nội - Sài Gòn, cuộc tranh vô địch Đông Dương trên lòng chảo. Năm 1942, Cao Miên đã thắng khi cuộc đua xe máy lòng chảo được tổ chức tại Kim Biên. Xem Thể tháo Đông Dương, đôi khi bắt gặp những tin đáng chú ý như Phó Tham biện Meillon tham dự giải đua xe máy ở Cần Thơ. Không chỉ tham gia… cho vui, Meillon cùng đội đua “Pháp Nam thân ái” đoạt luôn chức vô địch đường đua 66km với thành tích 1 giờ 56 phút 9 giây và được bình phẩm là “đáng khen thay cái óc thể tháo của quan Phó tham biện Meillon” (số 4, ngày 22/11/1941).

Ngoài ra, tin về các môn thể thao khác cũng lên báo với bóng bàn điểm danh vô địch Đông Pháp Nguyễn Lan Hợp (số 1 bộ mới), bơi lội có giải riêng và năm 1943, giải vô địch Đông Pháp thuộc về Nguyễn Văn Cũ (Thể tháo Đông Dương số 6 bộ mới, ngày 14/9/1943), điền kinh thì có “thần mã” Trương Văn Ký (Thể tháo Đông Dương số 17 bộ mới, ngày 30/12/1943)…

Chú thích ảnh
Tin về đua ngựa đăng ngay trên trang nhất 'Thể tháo Đông Dương' số 80, 24/6/1943

Thể thao cũng có những hoạt động được thực hiện để làm từ thiện. Điểm danh có cuộc đua ngựa gây quỹ giúp Đông Dương học xá ngày 17 và 22/2/1942 dưới sự bảo trợ của Toàn quyền Decoux; cuộc lạc quyên được thực hiện trên Thể tháo Đông Dương tháng 7/1943 giúp tiền xây dựng thành Tours bên Pháp…

Trên báo, những kỷ lục thể thao được ghi nhận. Lực sĩ Legalle ở Phan Thiết phá kỷ lục ném đĩa và ném tạ do chính mình lập trước đó (số 19, ngày 13/3/1942); giải vô địch bơi lội Nam Kỳ kình ngư Phạm Văn Danh phá kỷ lục Đông Dương ở đường bơi 200m tự do với 2 phút 32 giây (số 38, ngày 24/7/1942)…

(*) “Thể tháo” là từ phổ biến ở Nam Kỳ thời bấy giờ, có nghĩa là “thể thao”

Trần Đình Ba

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm