'Truyện Kiều' với 'lời ăn tiếng nói' của nhân dân

21/09/2020 19:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Truyện Kiều và văn học dân gian đã tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau rất lớn. Thật khó để nói sự ảnh hưởng qua lại bắt đầu từ đâu? Những câu tục ngữ, ca dao có nguồn gốc từ Truyện Kiều, hay Nguyễn Du đã mượn vốn văn hóa dân gian phong phú để làm giàu bản sắc Việt cho Truyện Kiều?

'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn' (kỳ 2): Khám phá những thành ngữ trong Truyện Kiều

'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn' (kỳ 2): Khám phá những thành ngữ trong Truyện Kiều

Là trí thức Hán học, với lòng tự tôn dân tộc, Nguyễn Du luôn ý thức đưa lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân vào Truyện Kiều.

1. Ngôn ngữ mang phong vị ca dao, thành ngữ, tục ngữ, lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân trong Truyện Kiều được Nguyễn Du sử dụng hiệu quả với tần suất lớn và chính điều đó làm cho ngôn ngữ Truyện Kiều mang đậm hơi thở dân tộc, trở nên gần gũi, thân thuộc trong đời sống nhân dân. Các nhân vật có tính cách độc đáo, khiến câu chuyện thêm phong phú, hấp dẫn.

Nguyễn Du đưa ca dao vào Truyện Kiều một cách nhuần nhụy mang giá trị biểu cảm lớn.

Dựa trên khảo sát của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan và đồng nghiệp, Truyện Kiều và văn học dân gian (tục ngữ, ca dao, dân ca) có những ảnh hưởng qua lại sâu sắc. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều vốn văn học dân gian cho cấu trúc câu thơ của mình.

Sự tác động qua lại nhanh, mạnh đến mức chúng ta cũng khó xác định lằn ranh, thậm chí khó xác định cái nào chịu ảnh hưởng của cái nào trước: Truyện Kiều với văn học dân gian, hay ngược lại. Một điều không phủ nhận Truyện Kiều ra đời quần chúng nhân dân cũng lại vay mượn ngôn ngữ và nhân vật Truyện Kiều đề xây dựng ca dao và dân ca. Khảo sát tiếp Truyện Kiều ta sẽ bắt gặp nhiều câu ca dao, tục ngữ như thế.

Từ chất liệu câu ca dao về phận làm con: “Thức khuya, dậy sớm chuyên cần/ Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con”, Nguyễn Du đã trau chuốt thành câu thơ miêu tả hoàn cảnh, nỗi niềm cụ thể của Kiều trong bước phong trần: “Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ” (1.043-1.044).

Chú thích ảnh
Cảnh Kiều ở Lầu Ngưng Bích qua nét vẽ của họa sĩ trẻ Phạm Đức Hạnh 

Đó là lúc Kiều toan tự tử, Tú Bà phần sợ mất tiền mua, phần sợ mất người đẹp cho khách và cũng sợ mắc tội gây án mạng, nên chăm sóc Kiều chu đáo và cho ở riêng lầu Ngưng Bích hứa hẹn dối gạt rằng chờ người xứng đáng sẽ gả chồng cho Kiều. Ở lầu Ngưng Bích, Kiều cô độc, buồn bã, ngậm ngùi nhớ cha mẹ, Kim Trọng, cố hương…

Thành ngữ “Quạt nồng ấp lạnh” được sử dụng nhằm nhấn mạnh nỗi đau xót dày xé tâm can của Kiều khi lo lắng nghĩ về cha mẹ. Nàng băn khoăn không biết cha mẹ có được phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo không. Kiều thương cha mẹ vì phận làm con chưa "Quạt nồng ấp lạnh". Tích này, Nguyễn Du đã mượn trong kinh lễ rằng: "Kẻ làm con theo lễ mùa Đông phải làm cho cha mẹ ấm, mùa Hạ phải làm cho cha mẹ mát".

Tâm trạng sầu não, Kiều khôn nguôi nỗi nhớ Kim Trọng: “Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba Thu dồn lại một ngày dài ghê” (247).

Ngoài điển cố, Nguyễn Du miêu tả Kim Trọng tỏ tình với Thúy Kiều là ngôn ngữ mang phong vị ca dao, dân ca kín đáo, tinh tế với nhiều ẩn dụ: “Xương mai tính đã rũ mòn/ Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay/ Tháng tròn như gửi cung mây/ Trần trần một phận ấp cây đã liều/ Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng” khiến ta liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc: “Tiện đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”.

Thúy Kiều gặp Giác Duyên và được Giác Duyên gửi Kiều cho một Phật tử là Bạc Bà. Nhưng Kiều lại bị ép lấy cháu Bạc Bà là Bạc Hạnh và lại bị bán vào lầu xanh lần thứ hai. Tâm trạng thảng thốt, hốt hoảng của Kiều được Nguyễn Du miêu tả rất phù hợp: “Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung rày đã sợ làn cây cong”. Để viết câu thơ này, Nguyễn Du đã dựa vào 2 nguồn: Sách chữ Hán “Thương cung chi điểu, kiến khúc mộc nhi cao phi" (Con chim đã bị thương vì cung thì thấy cái cong nào cũng sợ mà bay cao); ca dao “Thiếp như con én lạc đàn/ Thấy cung mà sợ phải phần mấy cung”. Câu thơ này Kiều nói về tình trạng của mình để gợi nỗi thương xót ở Bạc Bà. Kiều lúc này như con én lạc đàn, bơ vơ, không nơi nương tựa, bấu víu, không người giúp đỡ. Vì là con én lạc đàn nên nỗi sợ hãi cố hữu đeo bám đến mức bất kể cành cong nào cũng liên tưởng đến cánh cung hướng vào mình. Kiều nói xa xôi thân phận đã từng lấy chồng và khiếp đảm vì điều đó. Kiều e lần này lấy chồng lại rơi vào bể khổ, địa ngục…

2. Qua một số ví dụ trên, điều nhận thấy rõ nhất là mối quan hệ nhuần nhuyễn, hòa quyện, hài hòa giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và những sáng tác dân gian... Nói như nhà thơ Vương Trọng, Đại thi hào Nguyễn Du sử dụng khéo léo đến nỗi, lắm lúc chúng ta không còn biết được những câu thành ngữ quen thuộc đã nhập vào trong Truyện Kiều, hay chính Truyện Kiều đã tạo ra những thành ngữ, tục ngữ ấy...

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Ấn (sinh năm 1943) đang trả lời câu hỏi dự thi từ nhà thơ Vương Trọng - thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi “Bạn đọc với Truyện Kiều”

Như chúng ta đã biết, văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc. Khi chưa có chữ viết, nền văn học Việt Nam chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học Việt Nam mới bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết.

Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Những tác phẩm, hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng, thi liệu, văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú” (Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội).

Về phương diện nghệ thuật, văn học dân gian cung cấp cho nhà văn một kho tàng các truyền thống nghệ thuật dân tộc, từ ngôn ngữ đến các hình thức thơ ca, các phương pháp xây dựng nhân vật, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu dân gian... Ngôn ngữ văn học dân gian mang đậm tính triết lý, giàu chất thơ với hình thức biểu đạt gần gũi, dễ hiểu. Người dân lao động thường dùng những cách nói trong giao tiếp hàng ngày để diễn đạt tư tưởng, tình cảm, đúc kết kinh nghiệm sống, lao động sản xuất… Hơn 90% số bài ca dao sử dụng thể thơ lục bát, hoặc lục bát biến thể. Ngoài thể thơ lục bát, ca dao còn dùng một số thể thơ khác, như: Song thất lục bát, vãn bốn, vãn năm.

Nguyễn Du sinh và lớn lên trong gia đình khoa bảng. Từ nhỏ, ông đã được tiếp thu nền Nho học. Con đường học vấn gắn với Hán học, cùng các thể loại văn học trung đại. Việc Nguyễn Du chọn văn tự Nôm, sử dụng thể thơ lục bát thành công tạo thành kiệt tác Truyện Kiều có thể xem là một điều lạ, điều hiếm trong chính thời đại nhà thơ sống - thế kỷ 18 – 19 - khi văn sĩ chủ yếu chọn chữ Hán làm công cụ sáng tác văn học và thể thơ Đường luật. Điều này cho thấy, Nguyễn Du có ý thức tìm hiểu thể thơ lục bát và tìm tòi, học hỏi từ chất liệu đời sống trong tục ngữ, ca dao, dân ca. Thêm nữa, nhà thơ có quan niệm tiến bộ đối với văn học dân gian: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Câu hát nơi thôn dã giúp ta biết những tiếng nói trong nghề trồng dâu, trồng gai).

Vì thế sẽ không lạ khi ngôn ngữ Truyện Kiều mang đậm dấu ấn văn học dân gian (tục ngữ, ca dao, dân ca…).

Đón đọc kỳ 5: “Những loại hình văn hóa Kiều trong đời sống và nghệ thuật”

PGS-TS LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm