Trùng tu lăng mộ Djoser: Vị pharaoh cứu Ai Cập khỏi nạn đói

16/09/2021 18:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lăng mộ của Djoser - vị pharaoh nổi tiếng nhất sống cách đây hơn 4.500 năm và được xem là người sáng lập ra Vương triều thứ 3 vào thời cổ đại của vương quốc Ai Cập – đã mở cửa đón du khách trở lại vào hôm 14/9 sau 15 năm tu bổ.

Tìm thấy 'Thành phố vàng đã mất' của Pharaoh

Tìm thấy 'Thành phố vàng đã mất' của Pharaoh

Cuối tuần qua, một nhóm nhà khảo cổ Ai Cập công bố họ đã tìm thấy “thành phố vàng đã mất” 3500 năm tuổi với tên gọi Aten. Đây được cho là thành phố cổ đại lớn nhất từng được phát hiện ở Ai Cập và được coi là khám phá khảo cổ học quan trọng nhất Ai Cập kể từ sau lần phát hiện lăng mộ của Tutankhamun gần một thế kỷ trước.

Dự án trùng tu này đã khôi phục được vẻ đẹp rực rỡ ban đầu của Lăng mộ Vua Djoser - được gọi là lăng mộ phía Nam - với những viên đá màu ngọc lam tuyệt đẹp, các bản chạm khắc chữ tượng hình và một mê cung các hành lang.

Từ ngôi mộ “giả”...

Lăng mộ Vua Djoser phần lớn nằm dưới lòng đất. Ông Mostafa Waziri, Tổng thư ký của Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, cho biết pharaoh Djoser không được chôn cất trong lăng mộ phía Nam. Lăng mộ này được cho là xây dựng vì những lý do mang tính tượng trưng, hoặc có thể là để chứa các cơ quan nội tạng của Djoser.

Chú thích ảnh
Bức tượng pharaoh Djoser trong lăng mộ phía Nam

Lăng mộ này bị đổ nát do từng có thời gian dài bị bỏ quên giữa gió sa mạc dữ dội và cuối cùng bị hư hại bởi một trận động đất xảy ra vào năm 1992. Bộ Cổ vật và Du lịch Ai Cập cho biết, việc mở cửa lăng mộ phía Nam đánh dấu việc hoàn thành cuộc trùng tu bắt đầu từ năm 2006. Quá trình trùng tu bao gồm việc gia cố các hành lang dưới lòng đất, tân trang các bức chạm khắc và các bức tường lát gạch, đồng thời lắp đặt đèn chiếu sáng khắp các đường hầm từng là bóng tối.

Để tham quan kiến trúc này, du khách đi theo một con đường đi bộ để vào lăng mộ và sau đó xuống lòng đất qua một cầu thang dẫn đến trục chôn cất và mê cung của các hành lang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hầm chôn cất này quá nhỏ để chứa hài cốt người trưởng thành, bởi nó chưa bao giờ là nơi an nghỉ của Vua Djoser.

Chú thích ảnh
Tấm bia đá đề cập đến Djoser

Ngoài lăng mộ phía Nam, cao nguyên Saqqara có ít nhất 11 kim tự tháp, bao gồm cả kim tự tháp bậc thang, cũng như hàng trăm ngôi mộ của các quan chức cổ đại và các địa điểm khác trải dài từ Vương triều thứ nhất (2920 - 2770 trước Công nguyên) đến thời kỳ Copt (395-642).

Di chỉ Saqqara là một phần của đô thị cổ đại Memphis của Ai Cập, bao gồm các kim tự tháp Giza nổi tiếng cũng như các kim tự tháp nhỏ hơn ở Abu Sir, Dahshur và Abu Ruwaysh. Tàn tích của Memphis đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1970.

... tới Kim tự tháp bậc thang nổi tiếng

Thực tế, pharaoh Djoser được an nghỉ trong Kim tự tháp bậc thang nổi tiếng gần đó do kiến trúc sư của ông là Imhotep xây dựng. Lăng mộ phía Nam và Kim tự tháp bậc thang tạo nên một phần của khu phức hợp mai táng Saqqara gần thủ đô Cairo - một trong những địa điểm khảo cổ phong phú nhất của Ai Cập.

Theo UNESCO, Kim tự tháp bậc thang cao 60m, được xây dựng hoàn toàn bằng đá ở nghĩa địa Saqqara rộng lớn ở phía nam Cairo cách đây khoảng 4.700 năm (từ năm 2667 đến năm 2648 trước Công nguyên). Kim tự tháp của Dosjer được coi là nguyên mẫu cho việc xây dựng nhiều Kim tự tháp của Ai Cập sau này, bao gồm cả 3 Kim tự tháp bên cạnh tượng nhân sư ở Giza.

Chú thích ảnh
Kim tự tháp bậc thang, nơi an nghỉ của pharaoh Djoser

Kim tự tháp bậc thang được tạo thành từ 6 “mastaba” (cấu trúc hình chữ nhật) xếp chồng lên nhau. Kim tự tháp này ban đầu được xây dựng gần giống như là một “mastaba” hình vuông nhưng sau đó 5 mastaba khác đã được xếp chồng lên mastaba đầu tiên và mỗi cái mastaba sau lại nhỏ hơn cái trước cho đến khi công trình này trở thành kim tự tháp bậc thang đầu tiên của Ai Cập.

Kim tự tháp Djoser được thiết kế và xây dựng dưới sự chỉ đạo của Imhotep, được một số người mô tả là kiến trúc sư đầu tiên trên thế giới. Bên dưới nó là một hệ thống mê cung ngầm khổng lồ bao gồm các dãy hành lang và những phòng chứa. Phòng chôn cất chính nằm ở trung tâm khu phức hợp ngầm này và được nối với bề mặt thông qua một đường ống sâu 28m. Một phiến đá có trọng lượng 3,5 tấn được dùng để niêm phong lối vào của đường ống này.

Kim tự tháp bao gồm 4 dãy phòng trưng bày. Dãy phòng trưng bày phía Đông có 3 bức phù điêu bằng đá vôi khắc họa vua Djoser đang trải qua lễ hội Hebsed. Các bức tường xung quanh và nằm giữa các bức bích họa này được trang trí bằng những viên gạch bằng sứ có màu xanh lam.

Chú thích ảnh
Lăng mộ phía Nam phần lớn nằm dưới lòng đất với một mê cung các hành lang được trang trí với các bản khắc chữ tượng hình và đá màu ngọc lam

Kim tự tháp của Djoser được bao quanh với một bức tường ngăn có chiều cao 10m, bên trong là một sân rộng 15ha. Bên trong sân này còn có một số tòa nhà được dùng vào mục đích tôn giáo chẳng hạn như lăng mộ phía Nam, sân phía Nam, sảnh đường phía Nam, sảnh đường phía Bắc, hàng cột lối vào và căn hầm với bức tượng ngồi nổi tiếng của Djoser.

Vị vua chấm dứt nạn đói 7 năm ở Ai Cập

Djoser, còn được gọi là Netjerikhet, là con trai của vua Khasekhemwy với hoàng hậu Nimaethap.

Nhà sử học Ai Cập cổ đại Manetho cho rằng Djoser đã cai trị Ai Cập trong suốt 29 năm, trong khi bản danh sách Vua Turin ghi lại là 19 năm. Căn cứ vào số lượng các dự án xây dựng quan trọng của ông, đặc biệt tại Saqqara, một số học giả cho rằng Djoser phải có một triều đại kéo dài gần 3 thập kỷ. Do đó, con số của Manetho đưa ra dường như chính xác hơn.

Chú thích ảnh

Sau khi lên ngôi, Djoser đã đem quân chinh phục các bộ lạc địa phương ở bán đảo Sinai. Ông cũng tổ chức các cuộc thám hiểm tại các mỏ quặng có giá trị như lam ngọc và đồng. Người ta biết được điều này là nhờ vào những dòng chữ khắc trên đá được tìm thấy trong sa mạc Sinai, trên đó đôi lúc khắc họa cả biểu tượng của thần Seth cùng với biểu tượng của Horus - vốn khá phổ biến dưới triều đại của Khasekhemwy.

Djoser được các học giả biết đến nhiều vì 2 lý do. Thứ nhất, ông được ghi nhận là người đã cứu Ai Cập khỏi nạn đói kéo dài 7 năm bằng cách xây dựng lại đền Khnum - vị thần của nguồn sông Nile. Một tấm bia đá thuật lại rằng chính nhờ vào điều này, nạn đói kéo dài 7 năm ở Ai Cập đã kết thúc. Một số học giả coi câu chuyện cổ này giống như là một truyền thuyết được lưu truyền vào thời điểm tấm bia đá này được khắc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng hơn 2000 năm sau người Ai Cập vẫn còn nhớ đến Djoser.

Chú thích ảnh

Thứ hai, và quan trọng hơn, Djoser được biết đến với di tích gắn với mình, Kim tự tháp bậc thang ở Saqqara, được xây dựng từ các khối đá chứ không phải gạch bùn dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư nổi tiếng Imhotep.

Việc Djoser có thể chấm dứt nạn đói và xây dựng một tượng đài lớn như vậy cho thấy rằng, trong thời kỳ trị vì của ông, Ai Cập đã ổn định về chính trị và kinh tế.

Djoser là pharaoh đầu tiên chỉ sống ở Memphis thay vì đi di chuyển giữa các cung điện. Ông cũng mở rộng quyền lực của Ai Cập về phía Nam tới Aswan và phía bắc tới Sinai.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm