Trung thu phá cỗ tranh

22/09/2021 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 12 họa sĩ nhóm G39 và 5 em thiếu nhi (từ 4 đến 13 tuổi) đã tham gia triển lãm trực tuyến Phá cỗ tranh trên Facebook của Phòng tranh 39 và của các thành viên từ ngày 20 đến 30/9/2021.

60 họa sĩ triển lãm tranh 'Gieo tổ ấm' trực tuyến

60 họa sĩ triển lãm tranh 'Gieo tổ ấm' trực tuyến

Triển lãm Gieo tổ ấm với sự tham gia của 60 họa sĩ trên toàn quốc sẽ chính thức khai mạc trực tuyến từ ngày 19/4/2021 nhằm đóng góp vào quỹ từ thiện Gieo nhà gặt nhà. 

Hơn 30 bức tranh được chọn trưng bày đều là tranh mới sáng tác về đề tài Tết Trung thu với các chất liệu: Sơn dầu, acrylic, khắc thạch cao, giấy dó, bột màu trên báo cũ.

Trong 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì chỉ mỗi mùa Thu là có Tết, Tết giữa mùa Thu, Tết của trăng tròn. Trăng tròn 12 tháng, 12 lần 1 năm mà lại mỗi tháng 8 là có Tết trăng tròn. Kể cũng là lạ. Trung thu để thả mơ ước về những điều tốt lành (cá chép ngắm trăng), mơ ước về học vấn qua hình tượng ông tiến sĩ, mơ ước no đủ qua hình ảnh ông Phỗng bụng phệ, cười tươi múa quạt dẫn đường và dẫn trò cho màn múa sư tử. Đây là lần 2 ông Phỗng đi vào đời sống. Lần đầu là hình tượng ông Phỗng quỳ dâng đồ lễ ở đình, chùa, bê đĩa đèn cho các buổi diễn chèo cổ ở sân đình.

Chú thích ảnh
Tranh của Nguyễn Quang Thiều tham gia triển lãm

Chỉ Trung thu mới được hóa thân, hóa mặt thành người khác, thậm chí thành một con vật nào đó mà mình yêu. Hóa thân, 1 năm 1 lần vào Trung thu cũng đủ để mình được tự do, mình không phải là mình của mọi khi của hàng ngày nữa, hãy tạm quên đi cái vất vả mưu sinh để mà cười, mà mơ mộng. Cao hơn là để hiểu cái mình, cái tôi, cái ta, cái ngã chính là vô ngã. Hiểu được vô ngã thì sẽ thấy sao cứ phải hơn thua, đố kỵ, tranh giành? Mình làm gì có nhỉ, mình cũng chỉ do nhiều yếu tố ô-xy, các-bon, cát bụi… hợp lại mà thành. Ngay cả những thứ đó cũng còn là “không” cơ mà.

Trung thu là “Thu phân”, phân chia mùa Thu làm đôi, Thu phân là 1 trong 24 tiết khí của lịch ta, lịch nhà nông. Mỗi Thu phân là Tết. Thu thuộc âm kim, quẻ Đoài (Đoài là vui), mọi sự được nghỉ ngơi, kim khắc mộc, cây cối rụng lá, để dồn dinh dưỡng nuôi cây qua mùa Đông giá rét đón Xuân về… Âm dương, dương âm, sinh tử, rụng lá và đâm chồi nẩy lộc ở trong nhau, 4 mùa luân chuyển nên Tết Trung thu, phá cỗ Trung thu là thuận lý, là một cái kết, một cái Tết để giao mùa. Xuân, Hạ, Thu, Đông, quay quay một vòng như cái đèn kéo quân, đèn chỉ sáng ở Tết Trung thu. Ép Tết Trung thu vào cái ý lúc đó mùa màng đã kết thúc bị gượng? Vì vụ chiêm gặt từ tháng 5 còn vụ mùa thì mùng 10 tháng 10 mới là Tết cơm mới.

Trong các loại cỗ bàn của người Việt, cỗ hiếu hỷ, cỗ nhà mới, tất niên, thượng nguyên, vào Hè, ra Hè… chỉ mỗi cỗ Trung thu là phá cỗ chứ không phải ăn cỗ.

Cỗ này là cỗ tranh, cỗ nghệ thuật, cỗ của cái đẹp. Phá cỗ tranh là chia sẻ, chia sẻ những bức tranh mới nhất vẽ về Trung thu với bạn bè đồng nghiệp, với những người yêu cái đẹp, yêu hội họa. Yêu một cái Tết đặc biệt, không chỉ của trẻ con mà còn của những người lớn được một lần về với đứa trẻ trong mình.

Danh sách các họa sỹ tham gia "Phá cỗ tranh"

1/ HS Lê Thiết Cương
2/ HS Nguyễn Quang Thiều
3/ HS Nguyễn Minh Hiếu
4/ HS Tào Linh
5/ HS Nguyễn Quốc Thắng
6/ HS Ngô Thị Bình Nhi
7/ HS Nguyễn Hồng Phương
8/ HS Võ Lương Nhi
9/ HS Vương Linh
10/ HS Nguyễn Minh
11/ HS Phạm Trần Quân
12/ HS Trần Giang Nam

Và các cháu nhỏ:

1/ Nguyễn Hân Dy (10 tuổi)
2/ Nguyễn Quốc Hùng ( Dím 13 tuổi)
3/ Nguyễn Vương Bảo Hân (Mì 4 tuổi)
4/ Nguyễn Vương Bảo Trân (Mầm 7 tuổi)
5/ Lê Trâm Anh (Mumu 13 tuổi)

Lê Thiết Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm