Triển lãm tranh nude – làm sao để khỏi bị “e dè”?

28/04/2009 14:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chuyện tranh nude của họa sĩ Nguyễn Kim Đính không được Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho triển lãm đã gây nên những ý kiến trái chiều. Điều đó cho thấy, tranh nude với Việt Nam nói chung, và với Huế nói riêng, vẫn là lĩnh vực nhạy cảm. Vấn đề đặt ra là tranh nude có thể ra mắt công chúng không? Và ra mắt trong thời gian, địa điểm và cách thức như thế nào để khỏi bị nhiều người “e dè”?
 
 
Trong hội họa phương Tây, tranh khỏa thân là một trong những loại đề tài khó khăn nhất. Việc trưng ra những đường cong gợi cảm trên cơ thể con người, nếu không có một năng lực nghệ thuật mạnh mẽ để “chế phục” thì rất dễ đi vào dung tục. Người họa sĩ vẽ mẫu khỏa thân là đi trên bờ vực thẳm chênh vênh giữa cao quý thánh thiện và dung tục tầm thường. 
 
Tranh nude của họa sĩ Nguyễn Kim Đính bị cất trong kho 
 
Các họa sĩ Việt Nam làm quen với việc vẽ mẫu khỏa thân từ những bài tập nghiên cứu hình họa cơ thể người khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925. Nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam rất hiếm những hình ảnh khỏa thân. Sáng tác của các họa sĩ Đông Dương sau khi ra trường cho đến năm 1945, ngay cả các họa sĩ nổi tiếng nhất như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, đều không có bức họa khỏa thân nào. Hội họa cách mạng và kháng chiến sau này thì lại càng ít có. Hiếm hoi lắm mới có họa sĩ vẽ nude nhưng họ phải giấu biệt.
 

Trong hội họa hiện đại, người ta đã có cái nhìn cởi mở hơn với tranh nude. Bằng chứng cụ thể là sinh viên của các Trường đại học Mỹ thuật đều được học vẽ tranh nude. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nude có một lộ trình “phẳng lặng” và đường đường chính chính như những đề tài khác.

Có thể thấy, với người nghệ sĩ, tranh nude là nghệ thuật nhưng đối với công chúng, tranh nude vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm mà không phải ai cũng có thể chấp nhận. Cũng như cái tục và cái thanh trong nghệ thuật, không phải mọi người đều nhất quán và có cùng chung nhận thức.

Sau đây là ý kiến của một số văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu xứ Huế trong vụ tranh nude.
 
* Nhà văn Trần Thùy Mai: Trước hết hãy triển lãm xen kẽ

Nhà văn Trần Thùy Mai

Mang chủ đề tranh nude, hỏi nhà văn Trần Thùy Mai, tác giả của truyện được chuyển thể thành phim Trăng nơi đáy giếng gây xôn xao dư luận vừa qua, chị thừa nhận, với bản thân chị, nude thật sự là nghệ thuật nhưng cũng nên xem ý kiến của công chúng trước khi ra mắt một phòng tranh nude hoàn toàn bởi tranh nude không có vấn đề về đạo lý nhưng về tâm lý, nó sẽ gây sốc đối với những người còn mang nặng tư tưởng nho giáo. Theo chị, hãy để công chúng làm quen với tranh nude bằng cách xen kẽ một vài bức tranh nude ở các buổi triển lãm. Sau khi tranh nude đã trở thành một đề tài khá quen thuộc với công chúng thì việc chấp nhận nó sẽ dễ dàng hơn.
 
* Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Nên tổ chức nhỏ, lẻ 
 
 Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh
So sánh với các nước có chung nền văn hóa tâm linh với Việt Nam như Thái Lan, Singapore... tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta nên cởi mở với tranh nude. Tuy nhiên, bước đầu người họa sĩ phải tế nhị, không nên tổ chức triển lãm ở những địa điểm “chính thống” mà nên tổ chức nhỏ, lẻ, mang tính chất giới thiệu tác phẩm cá nhân. Như vậy, người họa sĩ vừa đưa được tác phẩm của mình đến với công chúng, vừa giúp công chúng làm quen với tranh nude.
 
* Nhà nghiên cứu Bửu Ý lại cho rằng, chúng ta nên bứt phá đưa tranh nude đến với công chúng
 
Có thể lần đầu tiên chưa đạt chất lượng và sẽ có nhiều ý kiến phản đối nhưng nó sẽ mở ra những cánh cửa khác, một tầm nhìn khác. Dần dần, công chúng sẽ quen với tranh nude và có cái nhìn thân thiện hơn với tranh nude.
 
* Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên - Huế): Chưa có điều lệ nào cấm đoán đề tài khỏa thân

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu

Tôi là họa sĩ, cũng đã từng vẽ nude. Tuy nhiên, chỉ dám treo tranh trong phòng riêng. Bản thân tôi cũng sợ những cái nhìn còn lệch lạc với tranh nude mặc dù trong thực tế chưa có điều lệ nào cấm đoán đề tài khỏa thân. Tôi nghĩ, chúng ta đang ở trong tư thế hội nhập thế giới nên cần phải có cái nhìn khách quan hơn với tranh nude. Hãy để công chúng bày tỏ thái độ trước tác phẩm như một cách thẩm định khách quan và công bằng nhất. Sống tại TP.HCM, mảnh đất sôi động và cởi mở, nhưng phóng viên ảnh Phan Quang của báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phải rất vất vả để xin được một tờ giấy phép triển lãm ảnh nude. Lần thứ 3 xin cấp giấy phép anh mới được chấp thuận với điều kiện: tổ chức 1 cuộc triển lãm khiêm tốn ở một quán cà phê ven đô. Sự việc này cho thấy, một vùng đất còn nặng thuần phong mỹ tục như Huế, việc e dè cấp giấy phép cho triển lãm tranh nude là vấn đề dễ hiểu.

Tịnh Yên (Huế)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm