Triển lãm điêu khắc của Elijah Pierce: Hết mình vì quyền bình đẳng

30/09/2020 07:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 10 tới, một triển lãm nhằm tôn vinh nghệ sĩ điêu khắc người Mỹ - Elijah Pierce sẽ được tổ chức. Phần lớn các tác phẩm của ông đã ghi lại lịch sử của một đất nước “đầy bất công” và “bất bình đẳng”.

 

Tác phẩm điêu khắc 'Rabbit' lập kỷ lục đấu giá hơn 91 triệu USD

Tác phẩm điêu khắc 'Rabbit' lập kỷ lục đấu giá hơn 91 triệu USD

Tác phẩm điêu khắc hình chú thỏ ăn cà rốt lập kỷ lục về giá đối với tác phẩm nghệ thuật của tác giả còn sống.

Triển lãm Elijah Pierce’s America được diễn ra tại Bảo tàng Barnes Foundation ở Philadelphia (Hoa Kỳ) từ ngày 2/10 đến 10/1/2021.

Tác phẩm mang ảnh hưởng từ quá khứ của gia đình

Elijah Pierce (1892 - 1984) sinh tại Baldwyn, Mississippi (Hoa Kỳ). Cha mẹ ông đều từng là nô lệ trước 1865 (năm chế độ nô lệ ở Mỹ được bãi bỏ). Ông từng tiết lộ cha mình bị bán làm nô lệ 3 lần, kể từ năm 4 tuổi. Do vậy, chế độ nô lệ là chủ đề chính trong hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Lớn lên trong một trang trại, khi cha tặng cho ông một con dao bỏ túi, Pierce bắt đầu tập tành chạm khắc gỗ từ năm lên 7 tuổi. Ban đầu, ông chỉ chạm khắc các hình động vật đơn giản, nhưng người chú là Lewis Wallace đã khuyến khích ông chạm khắc những tác phẩm có tính “phức tạp” hơn. Từ đó, ông ngày càng yêu thích nghệ thuật điêu khắc, tuy nhiên Pierce mở một tiệm cắt tóc để ổn định kinh tế mà không theo cha mình làm nông.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thời kỳ nô lệ” (1965 - 1970). Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati

Tiệm cắt tóc của ông nằm trong một tòa nhà trên phố Long Street ở Columbus, Ohio. Ở đó, ông không hề từ bỏ đam mê khắc gỗ, phòng thứ 2 của tiệm cắt tóc là nơi ông sáng tác nghệ thuật. Pierce điêu khắc trong giờ nghỉ và trưng bày tác phẩm của mình cho những người qua đường xem, nơi đây giống như một phòng trưng bày “tạm thời” của ông.

Elijah Pierce’s America sẽ trưng bày hơn 100 tác phẩm nghệ thuật hiếm thấy được ông thực hiện từ năm 1923 đến năm 1979. Đây sẽ là “cơ hội” để làm nổi bật các tác phẩm của ông, bởi phần lớn trong số đó đều đang là chủ đề “nóng” của người dân Mỹ ngày nay.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Elijah Escapes The Mob” của Elijah Pierce. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Columbus

“Nó mang đến điều tích cực và sự hy vọng cho hoàn cảnh hiện nay” - giám tuyển bảo tàng, Nancy Ireson, chia sẻ - “Bạn sẽ thấy cuộc đấu tranh đòi quyền công dân, sự thất vọng của Elijah Pierce với các chính trị gia. Bạn cũng sẽ thấy sự dí dỏm trong tác phẩm của ông. Chúng tôi nhìn thấy những vấn đề mà thật đáng buồn là ngày nay vẫn còn hiện hữu trong xã hội của chúng ta”.

Cho đến những câu chuyện của bản thân

Trong suốt quãng thời gian sáng tác nghệ thuật của mình, ông luôn nhắm vào các vấn đề, sự kiện đáng quan tâm của đất nước.

Chú thích ảnh
Chân dung nghệ sĩ điêu khắc gỗ Elijah Pierce

Ngoài chủ đề về nô lệ, các tác phẩm của Pierce còn phản ánh về quãng thời gian hỗn loạn trong chính trường Mỹ. Từ vụ ám sát Martin Luther King đến vụ bê bối Watergate dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Nhưng đặc biệt hơn cả, là những câu chuyện của riêng ông được đưa vào tác phẩm. Trong tác phẩm Elijah Escapes The Mob, ông đã tường thuật lại chuyện mình bị bỏ tù “nhầm” với tội danh sát hại 1 người da trắng.

Chú thích ảnh
Bức tượng tưởng nhớ nghệ sĩ Elijah Pierce

“Vào năm 1974, tôi đang ngồi chờ một chuyến tàu, đột nhiên một thám tử đến bắt tôi và tống tôi vào tù. Tôi không hề biết chuyện gì đang xảy ra, họ cử một người đến để nhận dạng tôi. Người đó cho biết tôi không phải hung thủ nhưng cho rằng tôi là anh em song sinh của tên tội phạm”.

Nhờ vậy, Ireson cho biết, cuộc triển lãm này sẽ “tạo ra một câu chuyện rộng hơn” về cuộc đời và nghệ thuật của Pierce.

“Đề cao quyền công dân là một phần trong thông điệp mà ông muốn gửi gắm qua các tác phẩm, phần lớn mối quan tâm của ông là đấu tranh cho sự bình đẳng... Pierce luôn quan sát những gì đang diễn ra xung quanh mình” - Ireson nói thêm.

Chú thích ảnh
Elijah Pierce và người bạn Carolyn Allport

Một trong những người bạn của ông là Carolyn Allport, đang làm việc tại một bảo tàng địa phương, chia sẻ: “Pierce thường điêu khắc tại tiệm cắt tóc của mình. Anh ấy rất thành thật về mọi điều diễn tả trong tác phẩm. Anh ấy có quyền làm vậy và rất thẳng thắn. Đôi khi còn rất xúc động khi nói về những câu chuyện, vấn đề hay sự kiện trong tác phẩm của mình".

“Có thể nói công bằng xã hội là giá trị cốt lõi trong thông điệp của Pierce với tư cách là một nghệ sĩ” - Allport nói thêm - “Nếu còn sống ở thời đại này, anh ấy chắc chắn sẽ chạm khắc về cái chết của George Floyd hoặc Breonna Taylor”.

 

Điêu khắc gỗ là một hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo. Thay vì vẽ lên giấy hoặc lụa, các tác phẩm bằng gỗ được hiển lộ sống động chỉ bởi đầu mũi dao khắc nhờ kỹ năng hoàn hảo, để làm sống động từng chi tiết của cảnh vật. Thành phẩm thường rất ngoạn mục.

Thành Quách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm