Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND: Sự kiện văn hóa đẹp nhất

20/05/2012 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua (19/5), Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lần thứ IV và danh hiệu NSND lần thứ VII đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tới dự buổi lễ.

Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này được trao cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm, trong đó, lĩnh vực âm nhạc có 2 cụm tác phẩm của nhạc sĩ Mai Văn Chung và nhạc sĩ Phạm Tuyên; lĩnh vực sân khấu gồm 3 cụm tác phẩm của NSND - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, NSND Sỹ Tiến (Nguyễn Xuân Kim); lĩnh vực văn học gồm 7 cụm tác phẩm của Phạm Tiến Duật, Hoàng Tích Chỉ, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Hồ Phương, Đỗ Chu, Lê Văn Thảo. Trong số 12 tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay có 5 tác giả đã qua đời.

Danh hiệu NSND được trao tặng cho 74 nghệ sĩ: Bùi Bài Bình, Hoàng Cúc, Lan Hương, Kim Cương, Ngọc Giàu, Minh Hòa, Lệ Thủy, Hồng Vân, Lý Huỳnh, Đào Bá Sơn…



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho 12 tác giả, đại diện gia đình tác giả. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

* Nhà thơ Hữu Thỉnh: Cảm ơn cuộc sống và sự nghiệp của nhân dân

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn VN vui mừng nói: "Giải thưởng HCM, Giải thưởng Nhà nước và các danh hiệu NSND-NSƯT trước hết đó là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với từng cá nhân văn nghệ sĩ đối với sự cống hiến của họ. Nhưng cá nhân tôi còn nghĩ rằng, vinh dự này thuộc về toàn giới văn học nghệ thuật. Đó là sự khích lệ của toàn nhân dân đối với giới văn nghệ sĩ của nước ta.

Tôi nghĩ rằng phần thưởng này là một sự chờ đợi không chỉ là ghi nhận những đóng góp trong quá khứ mà còn là sự chờ đợi của công chúng đối với những cống hiến mới của các văn nghệ sĩ trong thời đại mới.

Bản thân tôi rất  xúc động và nghĩ rằng mình sẽ cố gắng vươn lên, sáng tác nhiều tác phẩm xứng đáng hơn nữa. Tôi vô cùng cảm ơn cuộc sống vĩ đại của nhân dân, cảm ơn sự nghiệp to lớn của nhân dân bởi không có cuộc sống lớn, sự nghiệp lớn đó của nhân dân thì sẽ không bao giờ có được những tác phẩm của chúng tôi".

Vị chủ tịch Hội Nhà văn VN còn hóm hỉnh khoe, hàng ngày ông vẫn làm thơ, viết tiểu luận phê bình và quan trọng là giữ được nhịp độ sáng tác rất nhịp nhàng. Tuy công việc quản lý làm ảnh hưởng đôi chút đến nghề viết nhưng vì xuất thân là một người làm thơ nên ông không bao giờ để cho hồn thơ bị nguội lạnh.

"Sắp tới, tôi sẽ công bố một tập thơ ngắn mới và một tập trường ca mới" – nhà thơ Hữu Thỉnh khoe. "Tôi nghĩ rằng phần thưởng rất quan trọng và vinh dự nhưng cuộc đời sáng tác của người nghệ sĩ là phải vươn lên không ngừng để đáp lại yêu cầu của đời sống, yêu cầu của bạn đọc, góp một phần nhỏ bé vào sự đổi mới toàn diện của đất nước" 



Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (bìa trái) trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Nhà văn Đỗ Chu.

* Nhà văn Hồ Phương: Giải thưởng đã vực tôi dậy khỏi đau buồn và chán nản

Tác giả của những Thư nhà, Cỏ non, Nhằm thẳng quân thù mà bắn - thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương hồ hởi: "Tôi đã trải qua chiến trận đầy mình rồi, nhưng vẫn thấy có một sự xúc động đặc biệt vì hôm nay là một ngày vui quá lớn đối với văn học nghệ thuật nước nhà. Và trong đó, mình lại là người may mắn đoạt giải thưởng thì niềm vui càng nhân lên. Tôi đã được nhiều huân, huy chương rồi, nhưng giải thưởng Hồ Chí Minh với tôi chính là phần thưởng cao quý nhất. Anh biết đấy, tôi là Hồ Phương, tôi yêu quý Bác Hồ từ ngày tôi còn là học sinh, viết về Bác từ ngày còn bé, đến bây giờ lại được giải thưởng Hồ Chí Minh thì thật quá đặc biệt như là có một cái duyên gì đó đối với Bác vậy. Thế nên tôi rất vui. Chưa giải thưởng nào làm tôi xúc động như lần nhận giải thưởng này....”

Chủ tịch Hội Điện ảnh VN nhận danh hiệu và giải thưởng

Chiều 18/5, quyết định tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng Nhà nước cho đạo diễn Đặng Xuân Hải- Chủ tịch Hội Điện ảnh VN- cũng đã được ký. Ông Đặng Xuân Hải cũng đã kịp có mặt để nhận danh hiệu NSND vào sáng qua. Hai trường hợp “vướng” khiếu kiện khác là cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí và nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn vẫn đang trong quá trình tiếp tục xác minh.

Cũng giống như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Hồ Phương chứng tỏ sự lao động văn chương không biết mệt mỏi của mình bằng một cuốn tiểu thuyết mới đang viết dở dang. Thật xúc động khi nghe ông kể về nguyên nhân khiến ông chưa hoàn thành cuốn sách, nó liên quan đến người vợ thân yêu của ông vừa qua đời cách hơn nửa năm. 

Ông nói như muốn khóc: "Nhà tôi mất, khiến tôi buồn lắm, đầu óc tan rã nhiều lắm, không muốn viết nữa. Nhưng rồi được tin mình được Chủ tịch Nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy mình đã được vực dậy, thoát ra khỏi đau buồn và chán nản. Đúng là giải thưởng này đã vực tôi dậy. Tôi cảm ơn tất cả và đã thầm hứa: "Sau giải thưởng này, mình phải bình tĩnh lại thôi. Phải viết tiếp thôi. Đó là cuốn tiểu thuyết tôi ấp ủ nhất, khó viết vì tôi viết về vợ tôi. Đó là người đặc biệt, là người tôi yêu quý và trân trọng suốt đời..."

* Nên mở rộng biên độ giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhà văn Hồ Phương bỏ lửng câu chuyện viết về vợ vì tiếng loa trong Nhà hát Lớn gọi tên ông, thay mặt cho các văn nghệ sĩ được Chủ tịch Nước trao tặng giải thưởng lên sân khấu phát biểu ý kiến.

Đứng trên bục, trước hàng trăm văn nghệ sĩ và hàng triệu người qua sóng truyền hình trực tiếp, nhà văn Hồ Phương dõng dạc: "Việc trao giải thưởng về văn học nghệ thuật này đã trở thành một phong tục mới rất đẹp và nặng đầy ý nghĩa không phải chỉ cho giới văn nghệ mà còn của toàn dân ta. Nó không chỉ nhằm động viên, thúc đẩy văn nghệ sĩ mà còn vinh danh cho cả nền văn hóa dân tộc. Nó góp phần chứng minh cho mọi người, cho thế giới thấy rõ đất nước Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp và toàn diện như thế nào, trong đó có văn hóa văn nghệ”.

Sự kiện văn hóa tốt đẹp này sẽ còn được duy trì mãi nhưng theo tác giả Cỏ non, giải thưởng Hồ Chí Minh có thể mở rộng hơn nữa, thậm chí ra nước ngoài cho những tác giả ngoại quốc có những sáng tác chân thành, tốt đẹp nhất về Việt Nam ta.

Trước ý kiến này, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: "Đề nghị của nhà văn Hồ Phương không phải là mới. Vì trong quá trình xây dựng Thông tư cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị nên có giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về dịch thuật vì có nhiều tác giả có công rất lớn trong việc dịch nền văn học của chúng ta ra thế giới và ngược lại. Còn với các tác giả nước ngoài có những tác phẩm thực sự xuất sắc viết về Việt Nam thì tôi cho rằng đó cũng là một ý kiến hay rất cần tham khảo để đưa ra một quy chế mới".

* Nhà văn Ma Văn Kháng: sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn

"Đây là một phần thưởng rất là lớn vô cùng cao quý bởi đó là sự đánh giá của Đảng, của nhà nước, của nhân dân, của bạn đọc đối với những cống hiến của chúng tôi về văn học nghệ thuật. Các nhà văn, trong đó có cá nhân tôi thấy rằng nhận được giải thưởng là một vinh dự rất lớn và là nguồn động viên quý giá đối với bản thân mình.

Bởi vậy, sau đây tôi sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn với những thành tựu xứng đáng hơn nữa cho nền văn học của dân tộc, của đất nước".

* Nhà văn Đỗ Chu: Tôi đang viết và tiếp tục viết

Sau lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT và trao tặng danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ, ngày 27/5 tới đây cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Nhà nước, Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức Lễ trao giải thưởng Nhà nước về VHNT và danh hiệu NSƯT cho các văn nghệ sĩ.

“Giải thưởng Hồ Chí Minh làm tôi nhớ đến nhiều bạn bè anh em, nhất là những người đồng chí đã cùng với chúng tôi lăn lộn trong chiến tranh ở các mặt trận. Sau 50 năm cầm bút phục vụ cách mạng, hôm nay có được sự trưởng thành này, đầu tiên tôi phải cảm ơn họ rất nhiều, trong đó có các anh em, đồng nghiệp, đồng chí của tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chính họ đã dìu dắt tôi từ thuở thanh niên, giúp tôi có đủ nghị lực, trí tuệ để sau này vẫn tiếp tục giữ vững được truyền thống, giữ vững được hướng đi cho sáng tác văn học nghệ thuật.

Tôi đang viết và tiếp tục viết về những năm tháng mình đã sống, về đồng đội, đồng chí và rộng hơn là về nhân dân mình. Tôi nhặt được những viên ngọc quý chính là ở đời sống, ở trong chính nhân dân mình và tôi luôn biết ơn cuộc sống, nhân dân vì đã cho tôi sự trưởng thành như ngày hôm nay".

* Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Mang lại niềm vui cho từ em bé đến cụ già

Nguồn động viên duy nhất mà tôi cảm thấy giúp cho tôi sáng tạo được nhiều chính là tình yêu của nhân dân và các em thiếu nhi và của người lớn đối với những bài hát mà tôi đã viết. Nhưng một khi tất cả các tình cảm ấy của nhân dân lại được sự ghi nhận của nhà nước nữa thì động lực ấy lại càng tăng thêm phần phấn khởi.

Tôi nghĩ rằng mục tiêu phấn đấu của cả đời tôi là làm thế nào để bằng các tác phẩm của mình mang lại niềm vui cho từ em bé đến cụ già.

Huy Thông - Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm