Trao giải Cánh diều vàng 2015: 'Trúng số'… trúng độc đắc

21/04/2016 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cánh diều vàng đã được trao cho Trúng số, còn Cánh diều bạc được trao cho 3 phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Người trở về, Cuộc đời của Yến. Đây là những bộ phim được coi là giàu tính nhân văn, nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam.

Còn lại, giám khảo Cánh diều đã cảnh báo xu hướng phim Việt đang quá trọng yếu tố thương mại, và “học đòi” Hollywood, Hàn Quốc.

Lễ trao giải Cánh diều 2015 diễn ra tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội vào 20h ngày 20/4/2016. Cánh diều là giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, được trao thường niên.

“Mưa” Cánh diều bạc

Trúng số là một bộ phim đề tài về những người yếu thế trong xã hội không có chân dài, không có bạo lực, tình dục… nhưng lại ăn khách ngoài rạp. Bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh mạnh lạc, đem lại nhiều sắc thái cảm xúc, vừa hài hước, vừa cảm động. Lựa chọn Trúng số cho thấy Cánh diều vẫn tiếp tục trung thành với lựa chọn phim thương mại, mà mùa giải mấy năm gần đây vẫn chọn.

Riêng giải Cánh diều bạc năm nay đã chia cho cùng lúc 3 phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Người trở về. Kết quả này gây khó hiểu, vì ngôn ngữ điện ảnh của 3 bộ phim này rất chênh lệch.


Trao giải Cánh diều vàng phim truyện điện ảnh cho phim "Trúng số". Ảnh Minh Đức – TTXVN

Thành viên BGK Phim truyện điện ảnh, đạo diễn Lê Lâm cho biết, ông đánh giá cao nhất bộ phim Người trở về. “Bộ phim này đã khiến tôi khóc vì cảm động; khiến tôi đau thực sự, vì cảnh cháy nổ trong phim được làm thật chứ không phải bằng kỹ xảo. Đây là bộ phim chỉn chu nhất của Cánh diều năm nay. Tôi đánh giá cao bộ phim này vì rất lâu rồi mới xem một bộ phim chiến tranh mà không anh hùng hoá, không lên gân tuyên truyền, nó gây xúc động lòng người”.

Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ (phim Cuộc đời của Yến) đã giành giải Đạo diễn xuất sắc, “qua mặt” hai đạo diễn giàu kinh nghiệm hơn: Victor Vũ (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), Đặng Thái Huyền (Người trở về), đã gây bất ngờ cho người trong nghề. Vì trong số 3 đạo diễn, Đinh Tuấn Vũ là người tỏ ra lúng túng với vai trò của mình nhất qua những gì anh đã thể hiện trong Cuộc đời của Yến.

Xu hướng “Mỹ hoá”, “Hàn hoá”

Các thành viên giám khảo Cánh diều cho biết họ đều nhận thấy phim điện ảnh Việt Nam đang bị tính thương mại lấn át.

Đạo diễn Lê Lâm cho biết sau khi xem hết 18 bộ phim tham dự Cánh diều ông thấy phim Việt Nam hiện nay đang quá nặng tính thương mại và có xu hướng bị “Mỹ hoá”, “Hàn hoá”.

“Ngôn ngữ điện ảnh của các bộ phim nhìn chung còn yếu, yếu tố “mềm” của bộ phim là văn hoá, văn học, nghệ thuật rất mờ nhạt. Tôi rất ngạc nhiên vì kĩ thuật điện ảnh của Việt Nam rất tốt, không thua kém các nước Đông Nam Á, tuy nhiên hơi tiếc là kỹ xảo hơi “rẻ tiền” vì làm nhanh với mục tiêu thu hồi vốn nhanh” - đạo diễn Lê Lâm nói thêm.

Nhận xét này rất chính xác vì 18 phim dự thi Cánh diều năm nay chủ yếu là phim thương mại. Hầu hết các bộ phim không chỉ học cách làm phim nước ngoài, mà còn vay mượn quá nhiều yếu tố văn hoá nước ngoài.

Giải Cánh diều: 'Em là bà nội của anh' bị loại oan?

Giải Cánh diều: 'Em là bà nội của anh' bị loại oan?

Ngày 31/3, trong buổi họp báo Lễ trao giải Cánh diều (giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh VN) 2015 Ban tổ chức công bố sẽ không nhận các phim Việt hóa kịch bản nước ngoài như trường hợp 'Em là bà nội của anh'.


Phim Việt nhưng bắn súng, đua xe như phim Hollywood. Không chỉ phim gay cấn mà phim hài giờ cũng phải có bắn súng, đua xe. Những phim đề tài xã hội, phản ánh dung dị cuộc sống con người Việt Nam mà ra được rạp như Trúng số rất hiếm.

Những bộ phim được nhà nước đầu tư, vốn được coi là đậm yếu tố Việt Nam, nhưng rất tiếc ngôn ngữ điện ảnh lại kém, và quan trọng là không đủ sức hấp dẫn khán giả và không ra được rạp, nên đã nhường hoàn toàn thị trường cho phim thương mại.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, thành viên BGK Phim truyền hình cho biết, phim dự thi năm nay cho thấy sự phân hoá rõ rệt về mảng đề tài của phim miền Nam và miền Bắc. Trong khi phim truyền hình phía Bắc chủ yếu tập trung vào đề tài tình yêu, gia đình (Hôn nhân ngõ hẹp, Lời ru mùa đông…) thì phía Nam có rất nhiều phim tập trung vào mảng đề tài xã hội đen.

Xu hướng của phim truyền hình phía Nam cũng khá giống với phim truyện điện ảnh, khi đề tài xã hội đen đang rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, phía Nam cũng có 2 bộ phim truyền hình đề tài xã hội, phản ánh thời kì lịch sử kéo dài từ năm 1975 đến nay, được BGK đánh giá rất tốt: Biệt thự Pensée; Không có gì, không một ai.

Nhưng phim truyền hình đoạt giải năm nay lại là Tuổi thanh xuân, một phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất được khán giả yêu thích. Bộ phim này một lần nữa cho thấy làn sóng Hallyu vẫn đang ngự trị tại Việt Nam, phim Hàn hấp dẫn người Việt đã đành, phim có yếu tố Hàn cũng có khả năng hấp dẫn không kém.

NGND Lê Đăng Thực qua đời trong ngày ông được tôn vinh

Lễ trao giải Cánh diều 2015 đã dành thời lượng để tôn vinh hai nhân vật gạo cội trong làng điện ảnh: nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (biên kịch đầu tiên ở Việt Nam đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh) và Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực, Nhà giáo Nhân dân đầu tiên trong ngành điện ảnh.

Trong lễ trao giải, chỉ có nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ lên sân khấu. Theo nguồn tin của Thể thao & Văn hoá, NGND Lê Đăng Thực đã qua đời trong đúng ngày Cánh diều tôn vinh ông. Đây là một mất mát lớn với làng điện ảnh Việt Nam, vì nhà giáo Lê Đăng Thực là một người thầy đáng kính, đã đào tạo nên rất nhiều nghệ sĩ tài năng cho điện ảnh Việt Nam.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm