Tôn vinh những tinh hoa từ quá khứ

03/09/2019 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Hà Nội và chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới là hai sự kiện văn hóa đáng chú ý của tuần này.

Nghệ thuật Tuồng truyền thống: Lênh đênh những dấu hỏi

Nghệ thuật Tuồng truyền thống: Lênh đênh những dấu hỏi

Ám ảnh bởi những ánh nhìn mê mẩn của khán giả, những khóc - cười như lên đồng của nghệ sĩ, những lung linh rực rỡ của sân khấu trong những ngày liên hoan, để rồi chớp mắt, quay về với thực tại phẳng lặng u buồn của hát bội.

Và dù thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc hay điêu khắc, những di sản được tôn vinh đều là tinh hoa của người Việt từ nhiều thế kỷ, với những dấu ấn khó quên.

Đặc sắc nghệ thuật Tuồng

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ diễn ra từ 4 -10/9 tại Hà Nội, với không gian chính là rạp Hồng Hà (phố Đường Thành). Theo đó, sáng 4/9 sẽ có lễ khánh thành phòng trưng bày nghệ thuật tuồng; tối 7/9 sẽ biểu diễn vở Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Đặc biệt, vào ngày 9/9, lễ kỷ niệm chính thức sẽ diễn ra từ sáng, với các hoạt động như thắp hương tại bàn thờ Tổ nghề, trình chiếu phim tư liệu về lịch sử 60 năm của Nhà hát…

Nghệ thuật tuồng tại Việt Nam ra đời từ rất sớm (có giả định cho rằng xuất hiện ngay từ thế kỷ thứ 10) và là một loại hình sân khấu truyền thống với những trình thức vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Riêng ở miền Bắc, đầu thế kỷ 20, các gánh tuồng đã biểu diễn khá rộng rãi ở nhiều đô thị như Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Vinh... và đặc biệt là các rạp tuồng nổi tiếng tại Hà Nội như Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở tuồng “Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư”

Đoàn Tuồng Bắc - tiền thân của Nhà hát Tuồng Việt Nam - được thành lập vào năm 1959, với 15 nghệ nhân tuồng tại các tỉnh phía Bắc. Hàng chục năm sau đó, bên cạnh việc sưu tầm và gìn giữ những lớp tuồng, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn từng bước nghiên cứu, phát triển loại hình biểu diễn này cả về đề tài và hình thức thể hiện. Để rồi, từ những vở diễn chủ yếu sử dụng tích xưa và cốt truyện Trung Hoa, hàng loạt vở tuồng mang đề tài lịch sử Việt Nam đã ra đời với nội dung hướng về cuộc đấu tranh gìn giữ và bảo vệ đất nước Việt Nam, cũng như hình tượng các anh hùng dân tộc như An Tư công chúa, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đề Thám… Thậm chí, ở góc độ thử nghiệm, một số đề tài hiện đại hoặc lấy cốt truyện từ bi kịch cổ đại phương Tây cũng được dàn dựng cho tuồng.

Những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của nền sân khấu, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng gặp nhiều vất vả trong việc tìm kiếm khán giả - đặc biệt là các khán giả trẻ. Bởi thế, ở thời điểm này, sự tôn vinh dành cho Nhà hát là một lời động viên hữu ích và cần thiết.

20 năm di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn

Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, nay vừa tròn 20 năm. Tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm.

Theo lịch trình, ngày 7/9/2019 sẽ diễn ra Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn. Ngày 8/9 là hội thảo khoa học quốc tế Vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Ngày 7-8/9 là chương trình văn hóa nghệ thuật Nhạc cụ dân tộc và xe cổ - Hành trình di sản. Ngày 8-9/9 là lễ kỷ niệm 20 năm di sản Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Nhân dịp này tỉnh Quảng Nam cũng làm lễ kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chú thích ảnh
Chương trình “Xe cổ và hành trình di sản Quảng Nam” năm 2009 tại Hội An, thu hút đông đảo người xem. Ảnh: Khánh Chi

Nhìn ở khía cạnh văn hóa - giải trí, Nhạc cụ dân tộc và xe cổ - Hành trình di sản có lẽ là sự kiện sẽ thu hút đông đảo khán giả. Phần nhạc cụ dân tộc sẽ do nghệ sĩ Ngô Hồng Quang và gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ của 6 đoàn nghệ thuật từ Hà Nội, Bình Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Quảng Nam trình diễn. Phần xe cổ sẽ có gần 150 xe các loại, diễu hành qua một số đường ở Hội An, sau đó di chuyển đến Mỹ Sơn.

Dự kiến sẽ có hơn 200 nhà sưu tầm, bảo tồn, sửa chữa xe cổ trên toàn quốc tham gia. Còn hành trình di sản sẽ do Hoa hậu Việt Nam Trần Tiểu Vy cầm cờ dẫn đường, xuất phát lúc 14h ngày 7/9, diễu hành xung quanh Hội An, qua nhiều khu vực lận cận, cuối cùng trưng bày tại khu vực vườn tượng An Hội.

Một điểm nhấn khác là lễ kỷ niệm tối 8/9 tại Mỹ Sơn, dự kiến có gần 4.500 khách trong nước và quốc tế tham gia. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa bàn lân cận như Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ… tổ chức các hoạt động hưởng ứng để tăng hiệu ứng chung, nhằm tạo ra vị thế mới cho du lịch Quảng Nam.

Anh Bảo - Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm