Tình yêu chưa bao giờ thay đổi

03/09/2017 09:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong sự đa dạng phong phú của truyền thông hiện nay, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) luôn là một tờ báo uy tín được nhiều người trong giới văn nghệ sĩ, trí thức tin tưởng dành cho những tình yêu chưa bao giờ thay đổi.

Nhà báo Chu Thu Hằng, TBT báo Văn hoá : “Nơi tôi được rèn luyện bản lĩnh báo chí...”

Trong đời làm báo của mình, tôi luôn coi Thể thao & Văn hóa là “ngôi nhà” thứ 2. Chỉ là cộng tác viên nhưng với gần 20 năm gắn bó và hơn 10 năm là cộng tác viên giữ Chuyên mục “Trang điện ảnh trong tháng”, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm từ người lãnh đạo của Thể thao & Văn hóa.

Gần 20 năm là cộng tác viên của báo, có nhiều kỷ niệm khó quên. Những bài viết của tôi trên Thể thao & Văn hóa dưới bút danh Nguyệt Nhi luôn là những bài vấn đề khiến những người, những đơn vị được đề cập đều “nóng mặt”. Có lần, một đạo diễn sau loạt bài của tôi đăng trên báo Thể thao & Văn hóa đã “mất trắng” dự án về bộ phim được dự toán vài chục tỷ. Đạo diễn phản ứng dữ dội, dọa kiện tôi ra tòa và bắt đền bù 100 triệu danh dự sau khi khẳng định những thông tin liên quan đến phát biểu của đạo diễn trong bài viết là bịa đặt.

Nhà báo Chu Thu Hằng, TBT báo Văn hoá
Nhà báo Chu Thu Hằng, TBT báo Văn hoá

Tổng Biên tập báo Ngô Hà Thái khi đó gọi cho tôi hỏi: “Em có ghi âm không?”. Tôi khẳng định có bản ghi âm đầy đủ và những gì tôi viết ra mới chỉ là 1/10 sự thật. Anh Thái đã nói với đạo diễn phóng viên có ghi âm và sẽ cho công bố toàn bộ bản ghi âm trên báo. Vị đạo diễn này sau đó đã rút êm.

Tại Liên hoan phim Việt Nam ở Đắk Lắk, máy tính xách tay khi đó là “của hiếm”. Muốn viết bài phải ra các cửa hàng cho thuê máy tính. Để kịp có bài gửi về tòa soạn, trong đêm, anh Thái đã phải đi cùng tôi ra cửa hàng cho thuê máy tính, chờ tôi viết bài để duyệt ngay tại cửa hàng. Quay trở về khách sạn, đường vắng, chúng tôi bị một đám thanh niên ngăn lại. Nhìn cung cách của đám người này, vẻ như say rượu, vẻ như muốn giật đồ. Anh Thái đã cầm lấy túi đồ của tôi, rút một chiếc cọc rào bên đường và gạt tôi ra phía sau. Do nhìn thấy chúng tôi đeo phù hiệu của Liên hoan phim, lại có người đi đến, đám thanh niên kia đã bỏ đi.

Do bận việc, tôi không còn cộng tác với báo Thể thao & Văn hóa vài năm nay, nhưng luôn ý thức đó là nơi tôi được rèn luyện bản lĩnh báo chí và có được niềm tin yêu từ độc giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long : “Tờ báo có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”

Thể thao & Văn hóalà nơi chắp cánh cho những bài viết đầu tiên của tôi về âm nhạc đến với đông đảo độc giả. Vẫn còn nhớ mãi, đầu những năm 2000, khi tôi mới chập chững bước vào làng báo bằng các bài viết về âm nhạc, tay bút vẫn còn cứng bởi văn phong của một người học nghiên cứu lý luận chuyên sâu, nhưng dạo ấy, sau một thời gian gửi các tin, bài và được đăng tải, trực tiếp nhà báo Ngô Hà Thái, khi ấy là Phó Tổng biên tập, đã trao đổi và khuyến khích tôi viết nhiều hơn.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

Sau mỗi bài báo được đăng tải, tôi đọc lại để biết nội dung đã chỉnh sửa để tự rút kinh nghiệm cho những bài sau. Một trong những bài báo đến bây giờ tôi vẫn nhớ mang tên: Lê Minh Sơn: Bắt đầu từ “Bên bờ ao nhà mình” (8/2003). Bài báo phỏng vấn nhạc sĩ trẻ, dù rất ngắn, chỉ nhỉnh hơn 1/3 trang báo khổ A4 nhưng lại mang tính phát hiện, dự báo cho một nhạc sĩ tài năng mà cá tính đã định hình đang bắt đầu dần tỏa sáng.

Tôi yêu Thể thao & Văn hóaTT&VH vì còn tạo cho tôi “đất” để giới thiệu, bàn luận những vấn đề chuyên sâu hoặc những hoạt động âm nhạc của bản thân hay giãi bày những cảm xúc cá nhân. Chẳng hạn như công trình phục hồi Hát xẩm Hà Nội mà tôi là một thành viên công bố năm 2006, báo dành cho tôi trọn một trang; hay bài báo chuyên sâu Còn đây một giọt đàn bầu (1/2009) bàn về sự mai một của cây đàn bầu cổ truyền dân tộc và nỗ lực hồi sinh trong đơn độc của NSND Xuân Hoạch; các bài thể hiện cảm xúc cá nhân như: Nhạc sĩ Thế Song - Người viết “đảo ca” của Hoàng Sa, Trường Sa (6/2014); hay Bu Cầu ơi! (03/2013) trong ngày chia tay nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu…

Để tự tin bước đi trên con đường âm nhạc gắn liền báo chí như hôm nay, tôi trân trọng vị trí Thể thao & Văn hóaTT&VH là một trong hai tờ báo đã chắp cánh cho những ước mơ và khát khao cống hiến của tôi.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: “Mỗi số báo nên có ít nhất một bài viết sâu”

Từ khi ra đời cho đến thập niên đầu của thế kỷ 21, báo Thể thao & Văn hóa luôn giữ được chữ tín với bạn đọc về tin tức chính xác, thông tin mới lạ trên thế giới cùng với những phân tích, bình luận theo các góc nhìn khác nhau.

Nhưng dăm năm nay, chuyện đã khác rất nhiều. Internet làm thay đổi thói quen đọc báo của nhiều người, ngày nay giới trẻ thích đọc báo trên mạng hơn báo giấy. Là tờ báo chuyên về thể thao và văn hóa, có bề dầy và uy tín với bạn đọc nên Thể thao & Văn hóa vẫn có những lợi thế nhất định.

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả Con đường gốm sứ
Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến

Tuy nhiên khái niệm văn hóa ngày nay đã khác, rộng hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực, nên không tự bó hẹp theo quan niệm truyền thống. Thể thao & Văn hóa khó lợi thế hơn các tờ báo mạng trong đưa tin nhanh các sự kiện hay khai thác đề tài giải trí, không phải vì thiếu phóng viên giỏi mà vì tôn chỉ, mục đích của báo. Độc giả hôm nay bội thực thông tin nhưng lại đói kiến thức bởi thiếu những bài viết sâu. Vì thế trong mỗi số báo Thể thao & Văn hóa  nên có ít nhất một bài viết sâu sắc. Khi dân trí trong xã hội ngày càng cao thì nhiều độc giả đòi hỏi đặc sản.

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả Con đường gốm sứ: “Tôi đặt báo TT&VH từ năm này qua năm khác…”

Tôi yêu quý và gắn bó với Thể thao & Văn hóa từ thời học phổ thông, khi cha tôi làm ở báo Nhân dân, trong nhà lúc nào cũng có mấy đầu báo, nhưng tôi thích nhất tờ Thể thao & Văn hóa. Bộ phim hay nào mới ra, ca sĩ nào đang nổi tiếng thế giới, công trình kiến trúc mới nào đặc biệt, đội bóng đá và cầu thủ nào được yêu thích…luôn thu hút tôi. Vào đại học, tôi nhận ra rằng, khi đọc được một bài báo hay, ta sẽ có cảm giác hạnh phúc như được ngắm một bức tranh đẹp hay nghe một bản nhạc hay.

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả Con đường gốm sứ
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả Con đường gốm sứ

Cảm nhận đó nhiều lần tôi có được khi đọc các bài viết trên Thể thao & Văn hóa. Trong thời gian 15 năm làm báo, nhà tôi thường xuyên đặt mua tờ . Kể cả khi báo mạng bùng nổ, tôi vẫn thích cảm giác mỗi sáng, khi bác đưa thư tung qua cổng tờ Thể thao & Văn hóa và tôi bắt đầu một ngày mới với việc đọc lướt qua các thông tin và bài viết trên tờ báo.

Cộng tác viên với TT&VH: Cha và con và ... Thể thao & Văn hóa

Cộng tác viên với TT&VH: Cha và con và ... Thể thao & Văn hóa

Nhà văn Nga Paustopski có viết ở đâu đó rằng:” Trí nhớ như một cái rây thần, nó để lọt những hạt cát, chỉ giữ lại bụi Vàng...” Hôm nay, một ngày tháng Tám tôi bồi hồi nhớ lại duyên nợ với Thể thao & Văn hóa. Tôi bước sang tuổi 65, còn “nàng” cũng đã 35 mùa lá rụng.

Với tôi, Thể thao & Văn hóa luôn tập hợp cái nhìn toàn cảnh khách quan từ trong nước ra nước ngoài. Đó là bài viết của các nhà văn, nhà thơ, học giả, các nhà nghiên cứu, phê bình lý luận mà báo Thể thao & Văn hóa đã thu hút được họ tham gia cộng tác từ nhiều năm, và cả các bài dịch từ báo chí nước ngoài. Theo tôi đây là một thế mạnh của Thể thao & Văn hóa trong suốt 35 năm qua…

Ngọc Tường (ghi)
Thể thao & Văn hóa 35 năm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm