'Tiểu thuyết gia' 12 tuổi Cao Việt Quỳnh: 'Con sẽ giữ việc viết văn mãi mãi'

12/02/2020 19:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008 tại Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM, vừa cho ra mắt tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới. Cao Việt Quỳnh bắt đầu viết tiểu thuyết này lúc 9 tuổi, hoàn thành năm 11 tuổi, nên có thể xếp vào nhóm “tiểu thuyết gia” trẻ tuổi nhất Việt Nam.

Đổi mới tư duy tiểu thuyết từ đâu?

Đổi mới tư duy tiểu thuyết từ đâu?

Hôm qua (28/2) hội thảo 'Đổi mới tư duy tiểu thuyết' (Hội Nhà văn Việt Nam) đã diễn ra như một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Ngày thơ Việt Nam 2018.

Hiện Cao Việt Quỳnh đang hoàn tất phần 3, với dự kiến bộ tiểu thuyết giả tưởng này sẽ có 3 tập, với tên gọi chung là Người sao chổi. Song song đó là khởi động viết bộ tiểu thuyết giả tưởng khác gồm 7 tập, đã có ý tưởng. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Cao Việt Quỳnh.

* Vì sao Quỳnh chọn viết một tiểu thuyết dạng siêu nhân, mà không phải là một câu chuyện mộng mơ, vui vẻ nào khác?

- Tại vì khi con viết một câu chuyện giả tưởng, con có thể vượt qua bất cứ giới hạn nào của lẽ thường. Con có thể tưởng tượng những siêu năng lực, pháp thuật mà ngoài đời không có.

* Vì sao Quỳnh nghĩ thế giới phải cần một siêu nhân nhỏ tuổi giống như Thành?

- Bởi vì con cũng là một người nhỏ tuổi, khi con viết về một nhân vật bằng tuổi thì có thể dễ dàng miêu tả hơn. Đi sâu vào tính cách và những sinh hoạt thường ngày, con sẽ dựa vào chính các kinh nghiệm từ con để viết ra.

Chú thích ảnh
Cây bút Cao Việt Quỳnh ở tuổi 12. Ảnh: Nguyễn Phong

* Vì sao Quỳnh chọn tên tiếng Việt cho nhân vật chính, trong khi tiểu thuyết có nhiều nhân vật phụ mang tên quốc tế?

- Bởi vì con là người Việt Nam, con yêu con người, tiếng nói và đất nước của mình. Con mong muốn các bạn đọc tiểu thuyết cũng sẽ có tình yêu giống như vậy.

* Quỳnh từng nói khi đọc sách và viết thì cảm thấy thoải mái hơn chơi điện tử, xem phim. Nhưng khi viết, bạn có gặp những khó khăn nào không?

- Là một học sinh, con rất khó chia thời giờ, viết tiểu thuyết và học đều mất thời giờ nhiều lắm. Con còn phải làm bài tập về nhà và làm việc nhà giúp đỡ gia đình. Đôi khi con bị cạn ý tưởng, có lúc con làm cho câu chuyện quá ngắn nên phải cố gắng viết cho dài thêm. Con cũng rất sợ mỗi khi phải động đến các vấn đề liên quan đến luật pháp nói chung, vì con không am hiểu.

* Quỳnh viết hoàn toàn theo tưởng tượng, hay là có dựa vào những thông tin nào đó để lấy cảm hứng?

- Về phần cốt truyện và các chi tiết, nhân vật, tình huống, các trận đánh, hành trình… đều do tưởng tượng mà có. Đương nhiên, những sức mạnh cũng như các nhân vật thần thoại như các vị thần của Ai Cập, vua Arthur… đều phải lấy từ các truyền thuyết và phim ảnh mà con từng đọc, từng xem. Con chọn các địa danh có thật như Cần Giờ ở Việt Nam, tháp Big Ben ở Anh, tháp Eiffel ở Pháp, Kim Tự Tháp ở Ai Cập… là để người đọc dễ hình dung, giống như câu chuyện đã xảy ra thật sự.

* Trong vô số những địa danh mà Quỳnh kể tên trong tiểu thuyết, Quỳnh đã đến những nơi nào rồi?

- Con từng đi đến duy nhất một nơi, đó là Cần Giờ. Khi đến đó, con rất thích thú trước khu rừng, những ngôi nhà ven rừng, thị trấn ở ven biển nên đã cho các chi tiết đó vào câu chuyện. Và thêm yếu tố giả tưởng là có một thành phố trên không giữa rừng, có một thành phố cực kỳ hiện đại ven biển, nơi có cả sân bay… Còn các địa danh khác đều là con tìm kiếm trên Google, tìm đọc, xem hình ảnh và miêu tả lại.

Chú thích ảnh
Bìa tiểu thuyết “Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới” vừa phát hành

* Hiện tập 2 của tiểu thuyết với tên “Người sao chổi: Cuộc nổi dậy của robot” đã được hoàn thành và tập 3 “Người sao chổi: Cuộc tấn công của người sao hỏa” cũng đang hoàn thiện. Vì sao Quỳnh nghĩ rằng robot sẽ nổi dậy chống lại loài người?

- Vì con nghĩ công nghệ đang trên đà phát triển. Có nhiều thứ dần trở nên tự động, không cần sự can thiệp của con người để hoạt động. Trong đó có cả những vũ khí nguy hiểm. Còn con người thì đang dần lệ thuộc vào điều đó. Trong truyện của con, một loại virus đã thâm nhập vào hệ thống máy chủ, khiến cho máy móc và các thiết bị điện tử bị điều khiển. Khi robot đã trở nên thông minh và có thể suy nghĩ như con người, chúng sẽ bắt đầu bất tuân và lật đổ loài người.

Đương nhiên con không phản đối việc chế tạo robot thông minh, chúng đã hoạt động, suy nghĩ, nói năng như con người, khuôn mặt còn có thể biểu cảm. Nhưng con đang nghĩ tới một thế giới nơi con người và robot có thể chung sống bình đẳng, nhưng đồng thời con người cũng độc lập và không bị lệ thuộc vào robot.

* Rộng hơn, vì sao Quỳnh lo lắng cho loài người trước các cuộc chiến tranh kiểu “giữa các vì sao” như vậy?

- Vũ trụ là một bí ẩn và con người chưa bao giờ hiểu hết. Ngoài kia còn có những nền văn minh tiên tiến hơn loài người không? Theo truyện của con, khi hành tinh Sao Hỏa không thể sống được vì môi sinh bị tàn phá, người dân ở đó bắt đầu lên kế hoạch xâm chiếm Trái đất. Trong đoạn kết của câu chuyện, những người Sao Hỏa đã lập được một hiệp ước hòa bình và bắt tay vào hồi phục hành tinh của mình.

* Vậy thì tương lai của loài người theo suy nghĩ của Quỳnh sẽ như thế nào?

- Từ tiểu thuyết của con, con mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một đất nước hiện đại, phát triển. Người dân Việt Nam nhiều sáng tạo, chăm chỉ, dũng cảm, thân thiện, luôn nghĩ đến những điều tích cực. Còn thế giới hiện đại thì mong con người sống không lệ thuộc vào máy móc, chung sống trong hòa bình, cải tiến, xây dựng thế giới mới.

* Quỳnh có khi nào nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một nhà văn toàn thời gian, nghĩa là không làm một việc nào khác?

- Trước đây con từng nghĩ đến điều đó, nhưng theo như mẹ con (nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang – PV) nói thì nhà văn không thể kiếm được nhiều tiền, nên con đang cố gắng học giỏi để làm được những công việc khác. Còn viết văn sẽ là niềm yêu thích, con sẽ giữ việc viết mãi mãi, không bao giờ từ bỏ.

* Cảm ơn Cao Việt Quỳnh. Chúc những phần tiếp theo sẽ sớm ra mắt.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm