Tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của UNESCO

16/01/2020 21:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, với sự tham dự của đại diện các tiểu ban chuyên môn, một số địa phương, các nhà khoa học, nhà văn hóa.

Sự ghi danh Di sản phi vật thể của UNESCO không phải là 'xếp hạng'

Sự ghi danh Di sản phi vật thể của UNESCO không phải là 'xếp hạng'

“Không có Di sản Văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có Di sản Văn hóa phi vật thể của cộng đồng tại một quốc gia nào đó; Công ước 2003 cũng bác bỏ việc xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể nên không có khái niệm xếp hạng di sản theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam vui mừng nhận thấy, công tác của Ủy ban UNESCO Việt Nam đã đạt được những thành tựu tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-UNESCO trên nhiều mặt, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và đoàn Việt Nam tại kỳ họp

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh hoan nghênh và đánh giá cao những nỗ lực của các tiểu ban chuyên môn và các đoàn thể trong việc phối hợp triển khai công tác năm 2019, góp phần xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm 2020, tạo nền tảng vững mạnh cho Ủy ban hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tình hình hiện nay tạo ra cơ hội để Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hoạt động tốt hơn, thế và lực của đất nước ngày càng được tăng cường, những thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo nền tảng để Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước và UNESCO, các tổ chức quốc tế. Do đó nhiệm vụ phát triển đất nước cũng đòi hỏi công tác của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam có những đổi mới về phương thức triển khai cũng như sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả hơn giữa các tiểu ban chuyên môn.  

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn cũng như những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2019,  xác định phương hướng hoạt động trong năm 2020. Đó là trên cơ sở thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh tham gia, đóng góp tích cực vào việc cải cách và triển khai hoạt động thực tiễn của UNESCO, tiếp tục nâng cao, phát huy hình ảnh, vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của UNESCO, qua đó thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng các Đề án cụ thể việc vận động, ứng cử vào các cơ chế khác nhau của Unesco; theo dõi sát và sẵn sàng tham gia đấu tranh bằng biện pháp, hình thức phù hợp về dân chủ nhân quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, theo dõi diễn biến về việc một số nước có thể lồng ghép các vấn đề chính trị trong lĩnh vực chuyên môn của UNESCO để tham mưu đối sách kịp thời.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, nhất là vai trò điều phối, hỗ trợ, giám sát các hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình dự án của UNESCO; phát huy vai trò và đóng góp tích cực của các bộ, ngành và địa phương đối với công tác UNESCO. Quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp; tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia, các tiểu ban, các bộ, ngành, địa phương với UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trong việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch hợp tác…

Ủy ban tiếp tục củng cố bộ máy với việc kiện toàn bộ máy các tiểu ban, Ban thư ký; đẩy mạnh vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt nam với các bộ, ngành, hoàn thành  kiện toàn tiểu ban chuyên môn chương trình ký ức thế giới (MOW), thành lập tiểu ban chuyên môn quản lý biến đổi xã hội (MOST), thuộc tiểu ban khoa học xã hội…; tiếp tục tận dụng ý tưởng, chất xám của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, văn hóa…

Trong năm qua, quan hệ Việt Nam-UNESCO vẫn được tăng cường, là năm cuối cùng Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành trong nhiệm kỳ 2015-2019, Việt Nam đã tiếp tục tham gia đóng góp vào các vấn đề quan trọng của Tổ chức, qua đó khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO, tiếp thu và nỗ lực thúc đẩy các chương trình, sáng kiến của UNESCO về khoa học tự nhiên, giáo dục và thông tin ở trong nước thông qua các hợp tác cụ thể.

Công tác phối hợp giữa Ban thư ký với các tiểu ban, giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các tiểu ban với văn phòng UNESCO tại Hà Nội đạt nhiều kết quả đáng  ghi nhận khi huy động được nguồn lực từ các quỹ của UNESCO và nguồn xã hội hóa phục vụ cho các chương trình lớn tại Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương liên quan đạt được sự đồng thuận  rõ hơn, cả trong nhận thức và hành động về yêu cầu đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị và vai trò của di sản trong phát triển kinh tế-xã hội. Điều này được thể hiện qua việc các địa phương có di sản UNESCO tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng du khách góp phần đưa cả nước đạt mức thu hút du lịch tăng trưởng kỷ lục với 18 triệu du khách đến Việt Nam. Bên cạnh đó, UNESCO cũng đánh giá cao việc nghiêm túc thực hiện các cam kết của Việt Nam sau các chuyến tác của đoàn chuyên gia UNESCO tại một số địa phương…

Nguyễn Hồng Điệp - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm