Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cần sự điềm tĩnh, thấu cảm để tha thứ và hòa giải

06/03/2017 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau Bức xúc không làm ta vô can, TS Đặng Hoàng Giang tiếp tục cho ra mắt cuốn sách Thiện, ác và smartphone (Công ty sách Nhã Nam, NXB Hội nhà văn). Sau buổi lễ ra mắt được tổ chức cuối tuần qua tại Trung tâm Văn hoá Pháp (L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội). TS Đặng Hoàng Giang đã dành cho báo Thể thao & Văn hóa một cuộc trò chuyện.

* Từ đâu anh có ý tưởng viết cuốn sách này? Và tại sao cuốn sách lại mang tên “Thiện, ác và smartphone”?

- Cũng giống như nhiều người, tôi băn khoăn trước những câu hỏi liên quan tới đúng và sai, tới tốt và xấu. Liệu hành vi, ứng xử này của mình, của những người quanh mình, là tốt, là tích cực, hay là nó đã trở nên tàn nhẫn, độc ác bởi nó cuồng tín, thiếu bao dung? Có khi nào mình coi ai đó là ác, thực ra chỉ vì họ khác mình?

Và vì trong xã hội hiện đại, rất nhiều tương tác giữa người và người xảy ra trên online, nên mạng xã hội đã trở thành con dao hai lưỡi. Nó vừa có thể là cầu nối giữa con nguời, vừa có thể là vũ khí để người ta đâm chém nhau. Thiện, ác và smartphone đưa ra những câu hỏi và câu trả lời liên quan tới tội lỗi và sự trừng phạt, tới công lý và nhân phẩm, trong bối cảnh của cuộc sống số.

 TS Đặng Hoàng Giang

* Được biết, phần đầu cuốn của anh mô tả chân dung hiện tượng làm nhục trên mạng. Vậy thì hiện tượng “làm nhục công cộng” thời mạng xã hội có gì giống và khác với ngày xưa?

- Có vẻ như văn hóa mạng đã tạo ra một sự hồi sinh cho hiện tượng làm nhục. Ngày nay chúng ta không bắt người ngoại tình đứng kiểm điểm trước toàn cơ quan nữa, không bắt thanh niên đeo biển “Thích nhảy đầm” diễu phố nữa, nhưng trên mạng thì những hành động tương tự đang xảy ra hàng ngày, với mức độ bạo lực gay gắt và quy mô rộng lớn hơn rất nhiều, và với những lý do hết sức đa dạng.  

Bìa cuốn sách "Thiện, ác và smartphone"

* Theo anh, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự “hồi sinh” hiện tượng làm nhục công cộng?

Điều mà trên mạng thường lãng quên

Cuốn sách có thể được coi như là một tiếng nói bảo vệ những con người bị cộng đồng hắt hủi, kêu gọi tôn trọng nhân phẩm của họ, coi họ là những thành viên trong cộng đồng, mặc dù không xí xoá, bỏ qua những sai lầm của họ.

Để đánh giá, để hiểu một con người cần nhiều hơn là chỉ qua một lát cắt, qua một hành vi hay lời nói của họ ở một thời điểm. Ở trên mạng chúng ta thường quên mất điều này. (Đặng Hoàng Giang)

- Theo tôi, tác động lan truyền và kết nối của mạng xã hội là nguyên nhân chính cho phong trào này. Trước kia người ta chỉ đánh đòn phụ nữ chửa hoang ngoài chợ, giờ đây người ta không những đánh người trộm chó mà còn quay video và đưa lên mạng để hàng triệu người có thể xem và “like”.

Công nghệ giúp sức để sự tàn nhẫn, vô cảm, cộng với sự thích thú, tò mò chứng kiến bạo lực và cảm giác mình đại diện cho chính nghĩa được nhân lên gấp bội, chứ không chỉ gói gọn trong một góc làng hay con phố…

* Một nửa dung lượng cuốn sách nói về sự tôn trọng nhân phẩm con người, phê bình thiện chí, sự tha thứ, lòng bao dung, trắc ẩn… theo anh sẽ có tác dụng gì?

- Đó là con đường để thoát khỏi hiện tượng làm nhục, thoát khỏi bạo lực trong hành vi và trong ngôn từ trong xã hội. Công lý không được xây dựng khi người ta chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Thượng tôn pháp luật không được xây dựng khi đám đông ra tay trừng phạt trong sự cuồng nộ. Gia đình, trường học, cộng đồng sẽ bị phá huỷ khi người ta không chuyển hóa được giận dữ.

Trong thế kỷ 20, chúng ta đã quay cuồng quá nhiều trong những cơn dán nhãn, căm hận, gọi tên kẻ thù. Cái mà chúng ta cần giờ đây là sự điềm tĩnh, khả năng lắng nghe và thấu cảm với người khác, và sự mạnh mẽ để tha thứ và hòa giải, từ mức độ gia đình tới mức độ dân tộc.

* Xin cảm ơn anh!

Nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận

TS Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đức và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế phát triển tại Áo. Hiện ông đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, là chuyên gia phát triển và là nhà hoạt động xã hội. Ông có nhiều hoạt động, nghiên cứu để truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và nỗ lực xây dựng văn hóa tranh luận.

An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm