Thư gửi robot citizen: Sức mạnh của ngàn từ

19/08/2022 08:02 GMT+7

Sophia thân mến! Đa số công chúng, báo chí không mấy để tâm đến cái Công văn 4132/BYT-PC của Bộ Y tế mới được ban hành hồi đầu tháng này. Nhưng với cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) thì lại là chuyện khác.

Bộ Y tế lên tiếng vụ bác sỹ tự nhận chữa khỏi bệnh đồng tính

Bộ Y tế lên tiếng vụ bác sỹ tự nhận chữa khỏi bệnh đồng tính

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc, y tế các bộ, ngành về việc chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Công văn chỉ hơn 1 trang giấy, với lời lẽ rõ ràng, nêu rõ: Dựa trên quan điểm của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì “đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể “chữa”, không cần “chữa” và cũng không thể làm cách nào thay đổi được”.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một bước nhỏ trong hành trình còn dài để thay đổi nhận thức của mọi người trong xã hội về một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu, nhưng bị xem là nhạy cảm, thường tránh nói đến.

Nếu trước đó, đồng tính như một đề tài cấm kị, thì những năm gần đây lại xuất hiện nhiều hơn trên phim ảnh nhưng thật ra thường được khai thác để câu khách như một yếu tố gây sốc, không phản ánh được tiếng nói người trong cuộc và cũng không gây được sự đồng cảm từ khán giả. Người đồng tính xuất hiện trên những phim đó cũng chỉ như những nhân vật yếm thế, đầy mặc cảm.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa: LAP

Thực tế gần đây lại khác. Có thể thấy thời gian qua nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn come-out (công khai) giới tính thật của mình. Nhiều chương trình truyền hình cũng xuất hiện như lời động viên, chia sẻ với cộng đồng LGBT, khuyến khích mọi người sống đúng bản dạng giới. Nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng thuộc cộng đồng LGBT cũng cổ vũ rất nhiều cho các bạn trẻ đang sống trong mặc cảm và sợ hãi.

Nếu nhìn lại quá khứ, cả ở môi trường được cho là cởi mở như phương Tây, cộng đồng LGBT cũng phải đấu tranh rất nhiều để được công nhận. Thậm chí Sir Ian McKellen, diễn viên gạo cội người Anh từng mất vai vì công khai mình là người đồng tính.

Được sự hậu thuẫn của xã hội là một chuyện. Nhưng chính người thân, gia đình đóng vai trò quan trọng giúp những thành viên thuộc cộng đồng LGBT hạnh phúc hơn khi sống đúng giới tính của mình.

Sophia biết không, khi nghe qua tâm sự của những bạn trẻ khi quyết định công khai giới tính, đa phần đều sẽ thấy mẫu số chung, đó là không được gia đình ủng hộ, chấp nhận, có trường hợp các bạn còn bị đánh đập như một cách trừng phạt.

Thậm chí nhiều bạn trẻ còn bị buộc phải “điều trị” để “khỏi” đồng tính. Tệ hơn, có những đối tượng lợi dụng mê tín dị đoan, đổ cho “vong cốt”. Các phụ huynh thì không chấp nhận thực tế, cố gắng biến cải đứa con, không cậy được khoa học thì cậy vào tâm linh. Rốt cục, cũng chỉ tiền mất tật mang.

Cho nên Công văn 4132/BYT-PC của Bộ Y tế có ý nghĩa rất quan trọng khi đã nêu lên được sự sai trái của các cơ sở khám chữa bệnh tự nhận có thể trị dứt “bệnh đồng tính” và yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, đề nghị tại các cơ sở khám và chữa bệnh phải nâng cao nhận thức nhân viên y tế và người dân, phải đối xử bình thường và bình đẳng với người thuộc cộng đồng LGBT.

Đây cũng có thể xem là lời nhắn gửi đến các bậc phụ huynh, những vị làm cha làm mẹ vẫn mong mỏi ngày nào đó con mình có thể… “trị” hết đồng tính.

Kể từ lúc Công văn 4132/BYT-PC được ban hành, ảnh chụp công văn đã xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội, trong niềm háo hức các các bạn trẻ. Có những bài đăng đã thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận, thể hiện niềm vui, sự đồng tình.

Sophia thân mến!

Tôi tin rằng, đối với cộng đồng LGBT ở Việt Nam, văn bản chỉ hơn ngàn từ có ý nghĩa rất lớn, mở ra một chặng mới trên con đường mà họ theo đuổi bấy lâu này. Và với nhiều người, văn bản hơn ngàn từ này, có giá trị hơn trăm lần những cuốn sách “truyền cảm hứng”, một cái thúc vai để họ bước ra, sống thật với bản thân mình.

An Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm