Thủ đoạn in lậu ngày càng tinh vi

25/06/2015 19:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/6, tại Cần Thơ, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu toàn quốc nhằm đề ra giải pháp đối với công tác phòng ngừa, phát hiện, phối hợp đấu tranh với hoạt động in lậu xuất bản phẩm, cũng như cung cấp thông tin về những quy định sửa đổi, bổ sung trong hoạt động in.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí và Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hoạt động in lậu xuất bản phẩm đang diễn ra tràn lan, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến các nhà xuất bản, các chủ sở hữu tác phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền lợi cũng như uy tín. Nguyên nhân chính của hiện trạng này là do các chế tài chưa đủ mạnh, chưa thể hiện tính răn đe. 


Xưởng in tại phố Trương Định, Hà Nội khi bị lập biên bản thu giữ 7.000 cuốn Đắc Nhân Tâm bị in lậu vào chiều 31/5 vừa qua

Chính vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu, kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm pháp luật; tăng khung hình phạt, mức phạt, nhất là tăng cường chế tài xử lý hình sự đối với những cá nhân, tổ chức có sai phạm trong hoạt động in lậu xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hoạt động in ấn, xuất bản để người kinh doanh ý thức được trách nhiệm của mình. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phát huy vai trò đầu tàu của cơ quan chủ quản, phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, Hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi in lậu.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các đầu mối in lậu hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp, công ty in, đơn vị phát hành sách tư nhân, với các thủ đoạn như đặt nhiều máy in, trong đó các máy in ở vị trí khó quan sát sẽ được sử dụng in hàng lậu; đặt xưởng in ở khu vực xa trung tâm nhằm gây khó khăn cho công tác kiểm tra; chia nhỏ các khâu in, gia công ở nhiều địa điểm; sử dụng tem nhái chống giả của các nhà xuất bản để dán lên sách lậu...

Cũng theo bà Phạm Thị Kim Oanh, thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan chức năng đã tổ chức gần 200 đợt kiểm tra đối với trên 500 cơ sở in, phát hành trên cả nước và đã phát hiện gần 300 cơ sở có dấu hiệu vi phạm như: in xuất bản phẩm không có hợp đồng in, không có quyết định xuất bản hoặc đã hết hiệu hiệu, không có giấy phép in xuất bản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng.

Các loại ấn phẩm hay bị in lậu thường là sách giáo khoa, sách dịch mua bản quyền nước ngoài, các ấn phẩm có quyết định thu hồi do nội dung nhạy cảm, các ấn phẩm có nội dung mê tín...

Ánh Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm