Thể nghiệm sân khấu Kiều: Trân trọng giá trị cũ để tìm giá trị mới

09/10/2019 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên trong một đêm diễn, trên cùng một sân khấu sẽ diễn ra một "liên khúc kịch" gồm 4 vở về Kiều với 4 cách tiếp cận mới mẻ của 4 đạo diễn: Amélie Niermeyer (Đức), Hồng Vân (TP.HCM), Trần Lực và Bùi Như Lai (Hà Nội).

Thể nghiệm để đưa cải lương đến gần công chúng

Thể nghiệm để đưa cải lương đến gần công chúng

Các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mạnh dạn đưa yếu tố mới vào dàn dựng cải lương mới với mong muốn tiếp thu các giá trị đương đại, xu hướng của sân khấu thế giới hiện nay để góp phần đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với cuộc sống đương đại và công chúng.

4 vở diễn này nằm trong dự án “Dự án Nàng K… - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa” do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017 sẽ được công diễn ở Hà Nội vào ngày 12 và 13/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm); tại TP.HCM vào ngày 19/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo).

Giải "bài toán cũ" bằng thể nghiệm mới

Ông Wilfried Eckstein - Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội cho biết, Truyện Kiều được coi là tác phẩm quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam. Thiên tuyệt bút lần đầu tiên được xuất bản tại Đức năm 1964 với bản dịch tiếng Đức của Irene và Franz Faber. Những bản dịch như vậy góp phần nâng Truyện Kiều lên tầm văn học thế giới. Nguyễn Du thuộc về hàng ngũ những tác gia văn học kinh điển như Cervantes, Shakespeare, Chekhov và Goethe. Câu chuyện của ông chạm đến trái tim của cả những độc giả không biết đến Việt Nam, khiến họ rung động với nỗi đau và niềm hy vọng của Kiều. Câu chuyện của Kiều trở thành cầu nối cho sự thấu hiểu và tiếp cận văn hóa với Việt Nam.

"Để tôn vinh bản dịch và với sự trân trọng nguyên tác, Viện Goethe đã mời bốn đạo diễn mở ra những hướng tiếp cận mới mẻ và độc đáo với tác phẩm này, bởi tính di sản văn hóa lớn lao của kiệt tác văn học này chỉ tồn tại khi nó không ngừng vượt qua thử thách của thời gian" - ông Wilfried Eckstein nói.

Chú thích ảnh
Từ phải qua trái: Các đạo diễn Trần Lực, Như Lai, Lê Quốc Nam, Sĩ Tiến, Amélie Niermeyer tại buổi họp báo công bố chương trình sáng 8/10

Thực ra, sân khấu Việt Nam đã diễn rất nhiều vở Kiều, nhưng đa phần theo hình thức minh họa lại. Thế nên, khi bắt tay vào dự án này, các đạo diễn phải giải quyết được "đề bài" đặt ra ở đây là: Nếu tiếp tục làm như cũ, thì có đi xa và đáp ứng được kỳ vọng của thế giới hiện đại hay không?

Cuối cùng, 4 đạo diễn đã đưa ra 4 "lời giải" khác nhau, mỗi "lời giải" có thời lượng chỉ từ 20 đến 25 phút, trải dài phong cách từ truyền thống đến thử nghiệm, đa phương tiện và ước lệ. Vì thế, khán giả khi xem serie 4 tác phẩm này có thể sẽ thấy vừa quen, vừa lạ.

Quen là bởi 4 đạo diễn, 2 nam 2 nữ, họ có những cách nhìn, cách dàn dựng và hình thức biểu diễn khác nhau về một câu chuyện cũ (trong Truyện Kiều). Lạ là trên nền tảng chuyện cũ ấy, với những lát cắt mới, khán giả sẽ có được sự chiêm nghiệm mới, suy nghĩ mới về Truyện Kiều, về những vấn đề mang tính thời sự được các đạo diễn "nhắm" đến và khéo léo "lồng" vào trong vở diễn.

"Mượn" chuyện xưa để nói chuyện nay

Đạo diễn Amélie Niermeyer cho biết, sẽ quá mạo hiểm cho bà - một đạo diễn đến từ nên văn hóa khác - nếu cố kể Truyện Kiều theo kiểu minh họa trên sân khấu, bởi bà ý thức được rằng ở Việt Nam có nhiều đạo diễn hiểu và làm tốt hơn bà.

"Vì thế, tôi muốn làm theo cách khác" - đạo diễn Amélie Niermeyer nói - "Tôi muốn biết suy nghĩ của con người ngày nay nghĩ gì về Kiều, nên tôi cùng với cộng sự của mình đã dựng nên một vở sân khấu tài liệu, bàn đến những vấn đề còn mang tính thời sự trong Truyện Kiều. Đó là cách đàn ông đối xử với phụ nữ, mối quan hệ tay ba trong tình yêu. Bối cảnh vở diễn của tôi diễn ra trong một nhà hàng. Ở đó, người vợ tặng người chồng cuốn Truyện Kiểu và từ đó một cuộc đối thoại, tranh luận xoay quanh tác phẩm này với những vấn đề trong cuộc sống đương đại nổ ra. Quan điểm của tôi thông qua vở diễn là phụ nữ không cần đối đầu với nhau vì đàn ông. Phụ nữ hoàn toàn có thể độc lập, không cần đàn ông họ vẫn sống tốt".

Trong khi đó, vở của đạo diễn Như Lai không nhắc đến một từ Kiều nào trong suốt thời lượng 25 phút, nhưng qua nội dung, khán giả có thể thấy nổi lên hai vấn đề gắn với Kiều, đó là định kiến và bạo lực. Vì thế khi xem vở diễn này, khán giả sẽ thấy đạo diễn sử dụng rất nhiều dây thừng, tượng trưng cho sự trói buộc bởi những định kiến.

"Trong vở của tôi có 2 người phụ nữ song hành, một người phụ nữ hiện đại, một người phụ nữ thời phong kiến, tồn tại song song cùng nhau trên sân khấu" - đạo diễn Như Lai nói – “Các nhân vật sử dụng khá nhiều đồ công nghệ như smartphone, đài, loa bluetooth..."

Ngoài ra, theo chia sẻ của đạo diễn Như Lai, tác phẩm của anh khá bạo lực, mạnh về thị giác, chuyển động, ngôn ngữ đối thoại. Và thông điệp của vở diễn là phụ nữ thời nào cũng hướng đến sự tự do và người tạo ra định kiến (nhất là đàn ông) cũng có thể gặp bi kịch trong chính định kiến đó. Vì thế, hãy ngừng định kiến, sống bình đẳng và yêu thương!

Đạo diễn Lê Quốc Nam, người viết kịch bản cho Sân khấu Kịch Hồng Vân chọn cách khai thác phân đoạn Kiều trả thù những kẻ đã rắp tâm hãm hại mình, dùng thủ pháp kịch kinh dị bên cạnh sử dụng vũ đạo.

"Sau khi chị Hồng Vân đề nghị viết kịch bản cho dự án này, thì đây là lần đầu tôi đọc Truyện Kiều" - đạo diễn Lê Quốc Nam chia sẻ - "Điều tôi lo lắng nhất là sau khi đọc, tôi thấy hình bóng Đạm Tiên nhiều hơn Kiều, hình bóng này cứ quanh quẩn trong đầu tôi, sau này tôi phát hiện ra một điều, Kiều là bản ngã của Đạm Tiên và hai bản ngã này là một. Và vở diễn của chúng tôi muốn gửi gắm đến khán giả là: thân phận người phụ nữ khổ hay sướng hoàn toàn là do họ. Chúng ta không thay đổi được sự đau khổ, nhưng chúng ta có thể thay đổi khía cạnh nhìn vào sự đau khổ ấy".

Đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc điều phối chương trình này cho biết, qua lần thể nghiệm này, nếu khán giả yêu thích, các đạo diễn sẽ kéo dài vở diễn ra thành một câu chuyện độc lập trên sân khấu riêng của mình. "Tôi cho rằng đấy là một tín hiệu vui cho những người làm sân khấu trong việc góp phần bồi đắp thêm cho tác phẩm Truyện Kiều ngày thêm lan tỏa, đến được với bạn bè quốc tế nhiều hơn...".

Dự án Nàng K

“Dự án Nàng K… - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hóa” là một sáng kiến do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017.

Dự án bao gồm năm chương trình: Hội thảo đọc lại Truyện Kiều; Sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam; Triển lãm Nàng K… của nghệ sĩ Franca Bartholomi hợp tác cùng Quỹ Văn hóa Bang Sachsen-Anhalt (Đức); Cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh và chương trình chiếu phim.

Cũng trong khuôn khổ dự án này, Viện Goethe sẽ giới thiệu hai bộ phim Đức về đề tài phụ nữ và có mối liên tưởng gần gũi với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du: bộ phim nghệ thuật kinh điển Fontane Effi Briest (1974), chiếu vào 24/10; và Lời chào từ Fukushima (2016) (chiếu vào 31/10).

Nên thể nghiệm với nhiều tác giả lớn khác

"Ngoài Truyện Kiều, văn học, lịch sử Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, sự kiện lớn đáng để sân khấu hóa. Quan trọng ở đây là cách kể chuyện. Nghĩa là vẫn câu chuyện ấy nhưng chúng ta làm mới nó, tìm ra những góc mà người khác ít khai thác, ít đề cập đến sẽ tăng thêm sức sống cho tác phẩm.

Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng kịch bản gốc, tôn trọng đời sống của nhân vật, nhưng trên nền tảng câu chuyện cũ ấy, quan điểm của công chúng bây giờ thế nào, tôi nghĩ có thể "lẩy" ra để... thử làm. Không chỉ riêng Kiều mà nhiều tác phẩm khác chúng ta cũng nên suy nghĩ lại, để công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những giá trị đẹp trong văn chương, chữ nghĩa của các tác giả lớn của dân tộc"

(Phát biểu của đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến)

Phạm Huy - Diệu Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm