Thấy gì từ tượng đài Đức Thánh Tản sắp dựng?

14/01/2015 14:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo Thánh Gióng, lại thêm một vị “Tứ Bất tử” nữa của người Việt Nam được dựng tượng. Đó là Đức Thánh Tản, hay Tản Viên Sơn Thánh, hay gọi một cách học trò là Sơn Tinh, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

1. Tôi nhìn kỹ mẫu phác thảo chân dung ngài của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường mà sắp tới đây sẽ được đúc thành tượng đồng cao khoảng 1,4m đặt tại đền Thượng trên đỉnh Ba Vì. Đó là chân dung một người đàn ông vạm vỡ, khuôn mặt phương phi, có râu, môi dày, ngồi trên ghế hay ngai, tay cầm một cây gậy, không rõ phỏng theo mẫu nào nhưng theo truyền thuyết thì có thể đó là cây gậy đầu sinh đầu tử nổi tiếng của Sơn Tinh. Ngài mặc trang phục theo truyền thống Lạc Việt, hẳn thế. Đức Thánh Tản hiện ra đẹp đẽ, uy nghi.


Mẫu tượng Đức Thánh Tản

Nhưng không hiểu sao nhìn một pho tượng theo phong cách hiện thực được cho là tượng Đức Thánh Tản tôi cứ thấy hoang mang. Hồi tiểu học, đọc Sơn Tinh - Thủy tinh trong sách giáo khoa, lại xem biết bao cuốn truyện tranh, truyện thơ về sự tích ngài, tôi từng hình dung ngài là một chàng phò mã đẹp trai, quyền uy, với bầy muông thú chầu phục dưới chân, vác trái núi khổng lồ trên vai, ném xuống dòng nước lũ cuồn cuộn - nơi đó có Thủy Tinh trong hình hài loài thủy tộc hung dữ, tóc râu phủ xòa mặt nước - để bảo vệ nàng Ngọc Hoa. Đương nhiên ngài phải... trẻ trung, đẹp trai rồi bởi trong Sơn Tinh - Thủy Tinh, Ngài là người cưới công chúa cơ mà!

Nhưng rồi khi tôi lớn lên dưới chân núi Tản, nhìn về chân trời luôn thấy có dáng núi, tôi đã có những hình dung khác về ngài. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian gọi 3 đỉnh núi của núi Ba Vì là đỉnh Vua, đỉnh Ngọc Hoa (hai bên) và đỉnh Tản Viên ở chính giữa. Bởi xét theo huyền sử thì ngài có thể là một con người cụ thể, biểu trưng cho một bộ tộc cụ thể, có liên quan chặt chẽ với “chính quyền trung ương” (rể của vua Hùng mà) và huyền tích về cuộc đời ngài còn rất rõ nét với nhiều di tích, di vật như hòn Đá Quỳ, nơi thân mẫu là Bà Đen sinh ra ngài; như chiếc chậu đá mà ngài tắm táp từ hồi nhỏ... Nhưng trong tâm thức sâu thẳm của dân gian, ngài là ‘‘tứ bất tử’’, là “tối tú tối linh thượng đẳng thần”. Hình tượng Sơn Tinh là hình tượng của núi. Ngài là linh hồn của núi Ba Vì, ngọn núi tổ của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, những người đã phải chống chọi với lũ lụt; nên khi cần một điểm tựa, cả về vật chất và tinh thần, thì họ dựa vào núi Tản. Họ tin rằng ngài ngự trên đỉnh núi đó để trấn yên dòng nước lũ.


Tượng vua Hùng ở khu du lịch Suối Tiên (TP.HCM)

2. Trở lại với việc dựng tượng Đức Thánh Tản. Không phải bây giờ chúng ta mới thờ phụng, ghi nhớ công đức của ngài. Có hàng trăm ngôi đình ở khắp xứ Đoài đã đưa ngài lên thượng điện để thờ làm Thành hoàng. Và ở những nơi đó, dù nghệ thuật điêu khắc truyền thống của cha ông rất hưng thịnh, nhưng cha ông ta thường chọn cách thờ là đặt bài vị trên long ngai, hoặc mũ áo choàng lên long ngai, hia hài đặt dưới chân long ngai. Không phải bao giờ cũng tạc tượng. Với dòng tượng này, theo nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên, “các vị nhân thần dù lúc sống ở trong hoàn cảnh như thế nào, thuộc bất cứ thời đại nào, nhưng đã đặt lên ban thờ đều phải áo mũ chỉnh tề phỏng theo kiểu của vua quan thời phong kiến: áo bào cân đai, mũ miện, hia, bốt, ngồi trên long ngai”. Cũng cần phân biệt với các tác phẩm điêu khắc thuần túy thể hiện sáng tạo cá nhân của nghệ sĩ với ngôn ngữ điêu khắc hiện đại.

Chúng ta đã có tượng “hiện thực” về Lạc Long Quân, Âu Cơ, vua Hùng, Thánh Gióng, giờ lại có thêm Đức Thánh Tản... Những nhân vật trong truyền thuyết, huyền sử đang dần được “hiện thực hóa” thành những dung mạo cụ thể.


Mẫu tượng Lạc Long Quân ở Đền Hùng

Ai cũng biết những nhân vật truyền thuyết được phủ lên bức màn huyền ảo, đẹp đẽ và linh thiêng bất cứ câu chuyện lịch sử nào, nên việc hiện thực hóa họ thành những con người thật, dung mạo thật là một thách thức quá lớn. Nhất là khi các tượng này đòi hỏi phải có tính chuẩn mực cao (về mặt lịch sử, văn hóa, trang phục…) và được xem như là đại diện cho nhận thức của dân tộc về các nhân vật này.

Quá khó, vì không thể lấy cái cụ thể để biểu đạt cho cái huyền ảo.

Thế nên, dư luận đã có lần tập hợp lại tất cả những bức tượng vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ được dựng lên ở một số nơi trên cả nước để thấy rằng, mỗi nơi lại hình dung về các cụ tổ của mình một kiểu. Còn trên mạng, ta còn bắt gặp chuyện khôi hài là có cơ sở đúc đồng lấy mẫu tượng Lạc Long Quân chú thích là tượng vua Hùng để... quảng bá cho khách hàng. Quả thực, ông tổ “Lạc Long Quân” với con trai hay hàng cháu chắt là các vua Hùng cũng râu tóc như nhau, khó mà phân biệt.

Không nên nghĩ rằng, hình dung đến đâu thì... dựng tượng đến đó. Không thể bắt tôi phải hình dung Đức Thánh Tản là một con người hiện thực như trong bức tượng này, trong khi tôi hình dung gài chính là linh hồn của Núi Ba Vì. Ngài đồng nhất với Núi. Và đỉnh Tản Viên chính là hình tượng tự nhiên kỳ vĩ, linh thiêng nhất được dân gian sử dụng để biểu đạt về ngài.

Đã có rất nhiều những ý kiến cho rằng, thay vì hiện thực hóa các nhân vật trong truyền thuyết, sao không làm như các cụ ngày xưa, hãy đặt bài vị hoặc áo choàng trên long ngai để tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính?

Ai cũng biết những nhân vật truyền thuyết được phủ lên bức màn huyền ảo, đẹp đẽ và linh thiêng trong bất cứ câu chuyện lịch sử nào, nên việc hiện thực hóa họ thành những con người thật, dung mạo thật là một thách thức quá lớn.

Kế hoạch dựng tượng Đức Thánh Tản đã được chuẩn bị từ cách đây hơn 2 năm thông qua các cuộc hội thảo thờ Đức Thánh Tản, cuộc thi sáng tạo phác thảo mẫu tượng Đức Thánh Tản do UBND và Sở VH,TT&DL TP Hà Nội, UBND huyện Ba Vì tổ chức. Sau nhiều cuộc chấm kín, thảo luận, Hội đồng giám khảo đã trao giải nhất cho mẫu tượng phác thảo Đức Thánh Tản của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường. Bức tượng sẽ được đúc và gia công trong hơn 15 ngày. Vào ngày 23/1 (tức 4/12 lịch Âm), UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức lễ an vị tượng tại khu di tích lịch sử Đền Thượng.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm