Thấu hiểu bản thân trong xứ sở tình thương của Hà Huy Thanh

26/12/2018 19:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn)- Sau một năm đưa ra “tuyên ngôn” về Tình thương trong cuốn sách cùng tên, doanh nhân Hà Huy Thanh lại tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ 2: Việt Nam quốc gia của tình thương.

Hà Huy Thanh truyền lửa 'Tình thương'

Hà Huy Thanh truyền lửa 'Tình thương'

Cách đây đúng một năm vào ngày 31/8/2017, tác giả Hà Huy Thanh – một người con Hà Tĩnh - đã có buổi ra mắt cuốn sách mang tựa đề 'Tình thương' tại Hà Nội. Sau đúng một năm, chọn ngày 31/8/2018, tác giả Hà Huy Thanh cùng những diễn giả và độc giả sách Tình thương, tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Bạn có phải là sứ giả tình thương?”.

Cả hai cuốn sách đều có một mạch cảm xúc về Tình thương nhưng trong cuốn Tình thương, Việt Nam quốc gia của tình thương chỉ là 1 trong 13 chương sách. Còn ở cuốn sách thứ 2, Hà Huy Thanh đã dành hơn 100 trang sách, chia làm 13 chương để nói về chủ đề: Việt Nam quốc gia của tình thương.

Nếu ai đã từng đọc Tình thương của Hà Huy Thanh sẽ hiểu tình thương theo nguyên lý 8 chữ: thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp.

Để có thể đúc kết được hành thuyết này, Hà Huy Thanh đã phải diễn giải, phân tích, lập luận, thậm chí là cả tự phản biện để người đọc thấu hiểu và cảm nhận một cách sát thực nhất giá trị của hai chữ tình thương mà anh đưa ra.

Trong quá trình biện giải, Hà Huy Thanh đưa ra những ví dụ đơn giản từ đời sống, từ lịch sử, từ những câu tục ngữ hay những câu nói “bất hủ” của nhiều danh nhân thế giới.

Trong đó, để có được tình thương thì trước hết ai cũng cần thấu hiểu chính mình vì hiểu mình rồi mới có thể hiểu người. Hiểu người bằng chia sẻ và chia sẻ thì cần đến kiến tạo giải pháp.

Gọi tên hai chữ Tình thương, Hà Huy Thanh đã chạm đến lòng trắc ẩn của nhiều độc giả. Vì với bất cứ một ai, tình thương luôn ẩn chứa trong mỗi người. Tình thương là hiện hữu nhưng ẩn giấu và cần sự khơi gợi, sự “nhắc nhở” một cách khéo léo.

Và khi đọc Tình thương của Hà Huy Thanh, người ta có thể tường tận cả một quá trình để đến với tình thương, không còn “mơ hồ” với chính mình.

Tôi tin rằng khi ai đó vô tình đã từng hành động với theo nguyên lý tình thương một cách “đúng quy trình” như Hà Huy Thanh đã đưa ra, chắc hẳn sẽ rất đồng cảm với quan điểm của anh.

Chú thích ảnh

Từ câu hỏi được đặt ra trong chương cuối của cuốn Tình thương: Bạn có phải là sứ giả của tình thương? Hà Huy Thanh đã đem đến sự khẳng định: mỗi người Việt chúng ta đã là Sứ giả của tình thương, không chỉ vậy, chúng ta còn đang sống trong Xứ sở tình thương ở cuốn Việt Nam quốc gia của tình thương.

Sự dẫn dắt của Hà Huy Thanh qua hai cuốn sách này đã cho độc giả cái nhìn từ vi mô đến vĩ mô hơn đối với Tình thương.

Ở cuốn sách thứ 2, anh vẫn tiếp tục “lộ trình”: thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác, thấu hiểu hoàn cảnh cho đến chia sẻ, ban tặng, biết ơn…

Trong đó, thấu hiểu bản thân vẫn là sự khởi nguồn quan trọng của tình thương, là tiền đề để mỗi chúng ta góp phần tạo nên một quốc gia tình thương cũng như trở thành những sứ giả của tình thương.

Còn để có những kiến tạo giải pháp – bước cuối cùng để hoàn thiện nguyên lý tình thương trong cuộc sống, chúng ta cần đến một hệ thống niềm tin đối với tình thương.

Vì “Niềm tin vào tình thương không chỉ giúp ta luôn luôn có thể thấu hiểu – chia sẻ và kiến tạo giải pháp cho cuộc sống hàng ngày, để nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp ta có sự thỏa mãn về tâm linh “- Hà Huy Thanh nhận định.

Chú thích ảnh

Với Tình thương, Hà Huy Thanh đặt ra một vấn đề mang tính “thức tỉnh lương tâm”, dù đó được xem là một khái niệm hơi “trừu tượng” trong từ điển.

Thực tế, lịch sử của dân tộc đã ban tặng, nuôi dưỡng, chỉ dạy chúng ta cách sống từ những câu ca dao, tục ngữ như: “thương người như thể thương thân” hay “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Qua bao đời nay, người Việt Nam đã và đang sống như thế. Thậm chí, “mỗi ngày trên xứ sở của chúng ta, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi đau trầm kha hàng thế kỉ, hậu quả của chiến tranh. Chúng ta biết có những điều chống lại và đánh đuổi thì chưa đủ mà phải dùng tình thương để thích nghi và hóa giải” – Hà Huy Thanh viết.

Và cách tiếp cận của Hà Huy Thanh với Tình thương là một quá trình nhận thức có hệ thống logic, được củng cố bằng niềm tin.

Niềm tin mà Hà Huy Thanh nhìn thấy trên đất nước Việt Nam là “nguồn năng lượng sống kì diệu, giúp chúng ta trân trọng quá khứ, tôn trọng hiện tại và lại càng tôn trọng, khát vọng và chờ đón tương lai”.

Ở quá khứ, Việt Nam là một xứ sở anh hùng, không chỉ có “Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh đuổi quân xâm lược, chôn vùi chủ nghĩa đế quốc, thực dân”, mà còn có một “Nguyễn Du, một nhà văn bình dị trở thành Đại thi hào nhờ giúp nhân loại nhìn thấy thân phận tội nghiệp của nàng Kiều, của phụ nữ, cũng là của con người để biết trân trọng nhau, cũng là trân trọng cuộc sống và biết ơn tạo hóa”.

Cho đến hiện tại, Việt Nam qua con mắt của Hà Huy Thanh thật giàu năng lượng, đặc biệt chính là thứ năng lượng của Tình thương.

Cũng chính vì vậy, mỗi người Việt đều có thể là sứ giả của tình thương – những sứ giả đại diện cho sức mạnh thích nghi và hóa giải, mang niềm tin, thông điệp và sức mạnh của Tình thương.

Tôi nghĩ rằng, đọc Tình thương hay Việt Nam quốc gia của tình thương của Hà Huy Thanh, mỗi độc giả sẽ có dịp soi chiếu lại bản thân mình, được thấu hiểu bản thân một cách “đời thường” nhất cho đến việc quan sát thế giới quan xung quanh mình và nhận ra rằng, chúng ta đúng là đang được sống trong một xứ sở của Tình thương, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một sứ giả của Tình thương nếu biết tôi luyện bản thân, dưới ánh sáng của văn hóa.

Cho dù cuộc sống hiện đại chứa đựng nhiều thử thách đối với mỗi con người, trong sự sinh tồn của mỗi cá thể nên đâu đó, vẫn còn có những sự đố kị, không thấu hiểu và chưa thể chia sẻ. Nhưng chỉ cần, “mỗi chúng ta mang trong tâm thức mình một hạt mầm Tình thương “ thì không khó gì để có ngày để chúng ta có “sự kết nụ của tâm hồn và thành tựu của hương sắc và hoa trái”.

Cát Tường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm