Tháng 5 về “Làng Sen quê cha”

19/05/2011 10:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tháng 5, hàng triệu người dân đất Việt lại hướng về di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Những đoàn cháu con từ khắp mọi miền tổ quốc tìm về đây với tấm lòng thành kính biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.

1. Từ thành phố Vinh, chỉ hơn 10 phút chạy xe là đã có mặt tại Kim Liên (Nam Đàn) để hòa mình cùng dòng người hành hương dâng bó hoa thơm tưởng nhớ đến Người. Chúng tôi về đây đúng trong buổi lễ kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2011. Trong dòng người hành hương về Làng Sen viếng Bác hôm nay, có những cụ già râu tóc bạc phơ, có cả các em nhỏ từ khắp mọi miền Tổ quốc, cùng rất nhiều bạn bè quốc tế. Mọi người tề tựu trong niềm vui chung, niềm vui hội ngộ trên quê hương Bác Hồ.

Về làng Sen, người hành hương được các đoàn nghệ thuật quần chúng đón tiếp bằng những điệu ví đò đưa, những ca khúc nặng tình non nước xứ Nghệ đã ăn sâu trong lòng người. Người nghe cảm nhận sự rung động từ sâu thẳm tâm hồn trong không nguôi nỗi niềm thương nhớ về người con xứ Nghệ. Khi về lại “Làng Sen quê cha” và “Hoàng Trù quê mẹ” với mái nhà tranh đơn sơ, chiếc võng tuổi thơ bên khung cửi mộc, thăm lại lò rèn và giếng Cốc xưa để thêm một lần hiểu hơn nếp sống giản dị của Bác Hồ. Được tìm hiều về một làng quê rất đỗi êm đềm nhưng đã sinh ra một con người đã làm rạng danh non sông, đất nước.

Những đoàn người đến thăm nhà Bác trong khu
di tích Kim Liên kéo dài không ngớt

Trong dòng người hôm qua về với Kim Liên, có những con người chúng tôi gặp đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đã vượt đường sá xa xôi về với quê Bác. Ông Vương Quốc Toàn (72 tuổi) quê ở Hải Dương cho biết: “Trong đời phải một lần được về nơi chôn nhau cắt rốn của Người, để tận mắt thấy tuổi thơ của Người hiện hữu qua từng mái nhà, gốc cây, nhành lá. Để thêm yêu và tự hào về đất nước mình ngày hôm nay”.

Có nhiều người đã nhiều lần về với quê Bác, đối với họ những kỷ vật thiêng liêng, không gian của Khu di tích Kim Liên đã quen thuộc và in sâu vào tâm trí, nhưng với họ cảm xúc không bao giờ giống nhau. Bà Trần Thị Gái (57 tuổi quê ở Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xúc động: “Năm nào dịp tháng 5 tôi cũng trở về với Kim Liên, như về với người cha của mình. Các con cháu tôi cũng vậy, tôi muốn các cháu được chứng kiến, ghi sâu tâm khảm về mảnh đất quê hương của Bác, để thấy đúng với những gì các cháu đã được học, được kể. Để thấy Bác hiện hữu với chúng ta chứ không chỉ là trang sách, những dòng lịch sử. Bây giờ các cháu năm nào cũng đòi đi”.

Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trên gò má của những người hành hương về quê Bác khi nghe cán bộ Ban quản lý Khu di tích Kim Liên giới thiệu về những kỷ vật gắn với tuổi thơ của Người.

2. Điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2011), 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước và Lễ hội Làng Sen năm nay chính là Liên hoan Tiếng hát Làng Sen huyện Nam Đàn đã bước sang tuổi 30. Các đoàn nghệ thuật của các làng, xã của Nam Đàn đã trình diễn những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương đất nước. Họ là những người nông dân quanh năm gắn với ruộng đồng. Để hóa thân thành những “nghệ sĩ” để cất vang tiếng hát họ đã tập luyện nhiều tháng trời. Dịp tháng 5 là lúc họ được sống bằng niềm đam mê và lòng tự hào của người dân quê hương Bác Hồ.

Bên cạnh những hoạt động kỷ niệm, Lễ hội Làng Sen còn tổ chức chiếu phim, triển lãm tranh ảnh giới thiệu về thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng loạt các trò chơi dân gian sôi nổi được UBND huyện Nam Đàn chủ trì như kéo co, đẩy gậy... và các cuộc thi đấu thể dục thể thao làm náo nức lòng người.

Khu di tích Kim Liên chính là trung tâm của Lễ hội Làng Sen, ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên nói: “Công nhân viên Khu di tích Kim Liên vinh dự và tự hào được phụng sự, làm việc trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa, nhất là trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích, tổ chức đón tiếp khách, phục vụ khách tốt hơn. Đáp ứng tình cảm đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè thế giới về hành hương tham quan quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Sau cuộc hành trình về Kim Liên, dòng người tiếp tục tìm đến dãy núi Đại Huệ, nơi đó có khu mộ cụ Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ. Những nén tâm nhang thắp lên, hương trầm quyện nắng tháng 5, thành kính tri ân trước dáng hình người mẹ đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại Nghĩa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm