Tết Hà Nội trong mắt "người phu ảnh"

11/02/2013 07:13 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người yêu Hà Nội lắm. Nhưng thật khó để gặp một tình yêu thủ đô hồn nhiên, mê mải tới cuồng si như ông. Với ông, Tết cổ truyền đất Kẻ Chợ không chỉ còn trong những thước phim xưa cũ. Đó còn là những tấm ảnh ắp đầy thẻ nhớ mà ông vẫn lặng thầm chụp Hà Nội đương đại mỗi ngày.

Tiếp tôi trong căn nhà gần 10 m2 chật ních ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng tự giới thiệu: Lê Đạt ví anh như người phu chữ. Tôi “ăn theo” xin làm “người phu ảnh”.

Trầm ngâm nhớ về hơn 80 cái Tết qua tại Hà thành, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng kể:

1. “Những ấn tượng về Tết cổ truyền trong tôi sâu đậm từ tấm bé. Thuở đó, Tết tới, nhà tôi thắp bạch lạp và hương trầm để bố tôi viết thư pháp. Bố tôi nổi tiếng hay chữ khắp vùng nên bà con đến xin chữ đầu Xuân đông lắm. Song dù đông đến mấy, người Hà Nội xưa vẫn chậm rãi, trật tự và nề nếp. Người ta tôn trọng lễ nghi một cách nghiêm trang mà thực thà. Bên cành đào bích, trong hương trầm đượm đượm, cả người cho và người được cho đều kính cẩn trao nhau chân thành. Buổi đó, “cơ chế thị trường” chưa “chạm” đến chốn này.

Tết ngày xưa có nhiều thứ song tôi ấn tượng nhất là ẩm thực. Mỗi gia đình ở Hà Nội ngày đó đều có một “cơ sở” ở nông thôn (thường là bà con họ hàng) để chuẩn bị Tết. Từ mớ rau, cọng hành tới con lợn được chăm bẵm cả năm đều dành cho Tết.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng (ảnh Phạm Mỹ)

Mâm cơm ngày Tết mỗi nhà có khác nhau, song 3 món ăn chính không thể thiếu là: giò lụa, cá kho và bánh chưng. Với bánh chưng, lá dong, lạt, thịt, đỗ đều phải được rửa rất kỹ. Nhiều cái Tết rét mướt song chẳng ai lơ là, làm ẩu công đoạn phải ngâm tay vào nước lạnh buốt như kim châm này. Còn giò, cả khu phố phải chọn những tay trai lực lưỡng nhất để đủ sức giã giò nhanh, đều tay. Bởi giò được giã khi miếng thịt thăn vừa được lọc ra khỏi con lợn nóng hổi. Nếu giã không nhanh, thịt nguội, giò không còn mịn, ngon nữa. Cầu kỳ vậy, mâm cỗ xưa mới là mâm cơm cả năm mong chờ.

Ngoài các món phụ truyền thống gồm: dưa hành, củ cải dầm... Các món này vừa dân dã mà lại hợp với bánh chưng, thịt thà. 

2. Cuộc sống hiện tại của tôi là hè phố, mà Tết trên hè phố Hà Nội buồn vô cùng! Bởi sao ư? Khi những gánh hàng rong về quê hết, đôi lứa chẳng tới bờ Hồ, hè phố Hà Nội chẳng còn nét duyên nữa.

Song lúc đó, cảnh sắc thiên nhiên thủ đô lại khơi gợi tôi khám phá. Hà Nội yên lặng, thưa vắng, tôi thoải mái chụp ảnh từng chồi non nhú lên mỗi ngày. Tôi có thể nhắm mắt, nghe tiếng lộc vừng nở bung những tiếng bụp bụp rất khẽ. Cả tiếng lá rơi nữa, ai tinh ý sẽ đều nghe thấy tiếng tách tách trong từng kẽ lá. “Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, từ chỗ lá lìa cành ấy sẽ có một chồi non nảy ra”- một vị sư tôi gặp ở bờ Hồ đã giảng giải với tôi vậy.

Người “con gái” Nhật Tân ông Quang Phùng gặp mỗi độ Tết đến. (ảnh: Quang Phùng)

Còn những ngày giáp Tết này, Hà Nội lại có cái hay khác. Bởi giờ là lúc những người lao động cố bươn chải hết sức để tha những đồng tiền cuối cùng của năm về tổ ấm. Những thân phận, những nỗ lực mạnh mẽ để vun vén cái Tết của những người bám vỉa hè mưu sinh là khung cảnh thật đẹp mà cũng thật xót xa. Nhưng đa phần chẳng mấy ai để ý điều này giữa dòng người- hoa xuôi ngược hối hả cuối năm.

Tôi nhớ như in một câu chuyện ở vỉa hè Hà Nội ngày cận Tết năm vừa rồi. Trước đây, tôi hay ăn chè của một bà bán hàng rong trước cửa nhà số 49 Hàng Ngang. Chè bà nấu bằng đường cát tuyệt ngon. Song trước Tết Canh Dần vừa rồi, bà không bán chè nữa. Hỏi ra mới hay chè của bà không cạnh tranh được với những bát chè giá rẻ bằng đường hóa học. “Làm theo họ, tôi không đành!”- bà bảo.

Và cái ngày giáp Tết hôm ấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp bà. Bà đã về quê chọn một cái Tết thiếu thốn nhưng thanh thản.

Mùa xuân bờ Hồ (ảnh Quang Phùng)

3. Vừa rồi, tôi cũng hay tin có vị nào đó muốn nhập Tết cổ truyền vào Tết dương. Nghe đâu để tiện giao thương và học theo gương Nhật Bản. Hơn 10 năm làm ở Đại sứ quán Nhật tạm đủ để tôi khẳng định kiến nghị trên là lệch lạc.

Bối cảnh của quyết định nhập 2 Tết vào 1 của nước Nhật là cải cách Minh Trị. Ta vẫn biết cải cách Minh Trị với khẩu hiệu “Khoa học kỹ thuật phương Tây, tinh thần Nhật Bản!” là bước ngoặt ngoạn mục của nước Nhật. Song việc đổi mới quá mạnh khiến một vài quyết định của họ có phần cực đoan. “Nhập Tết” là một quyết định như thế.

Kết quả là ngày nay, khi các công sở vẫn phải làm việc trong những ngày Tết âm, người dân Nhật vẫn âm thầm kỷ niệm. Vào ngày Tết cổ truyền (chứ không phải Tết dương theo như nhà nước quy định), họ vẫn ăn cháo loãng và bánh giầy nướng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Họ vẫn thu xếp thời gian đến những ngôi chùa cầu khấn những điều an lành cho năm mới âm lịch. Trong bối cảnh người dân vừa làm việc vừa thực hiện đầy đủ những nghi lễ ấy, có thực là hợp lý không?

Đấy là chưa kể mỗi quốc gia mỗi khác, ta đã có những bài học lịch sử đắt giá về việc học hỏi dập khuôn rồi.

4. Tết năm nay vẫn như mọi năm, nhà tôi đang đợi bánh chưng và lợn từ quê gửi lên. Và sáng sáng tôi vẫn xách con Leica nhỏ (máy ảnh) đi loanh quanh Hà Nội. Tôi đi vô định song luôn gặp những người quen của mình trên hè phố: cô bé bán cá chép vàng “gia truyền 3 đời” trong mỗi độ ông Công - ông Táo; con gái Nhật Tân bán đào dạo mỗi khi Xuân về; ông bạn Hàng Bạc luôn đội mũ phớt nâu trầm tư lang thang và cúi đầu trước những món đồ tân kỳ... Họ là những người mà cả mấy chục năm nay, Tết nào tôi cũng gặp và trò chuyện trên đường. Chúng tôi thăm hỏi nhau thân tình vài câu, tôi tranh thủ ghi lại vài kiểu ảnh.

Sau đó, tất cả lại tỏa ra ngược xuôi trên những hành trình của mình trong thành phố đông đúc này. Và đến Tết cổ truyền năm sau, chúng tôi lại “đoàn viên” trên đường phố Hà Nội.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, họ tên đầy đủ là Nguyễn Quang Phùng.

Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông bắt đầu làm phóng viên tự do với những bức ảnh nổi tiếng ghi lại những khoảnh khắc giải phóng thủ đô (10/10/1954). Ông cũng “bén duyên” nhiếp ảnh từ đấy. Ông từng mở một triển lãm ảnh gây tiếng vang lớn về hiểm họa ma túy. Năm 2011, ông ra mắt cuốn sách ảnh Dạo quanh hồ Gươm. Cùng năm này, ông có triển lãm “Hoa rơi mặt hồ” kêu gọi những hành động bảo vệ hồ Gươm.

Hiện tại, ông đang dồn tâm trí để tiếp tục chụp và viết lại những mảnh đời tại đường phố Hà Nội mà ông đánh giá là những “người tử tế”.

Phạm Mỹ (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm