Tản văn cuối tuần: Cái cò

07/08/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong các loại chim sống gần xóm làng, chỉ có con cò vào ca dao nhiều nhất, không kể nó từng lên trống đồng và thành hình tượng trang trí trong kiến trúc nữa.

Tản văn cuối tuần: Nhà tranh vách đất

Tản văn cuối tuần: Nhà tranh vách đất

Đó là ngôi nhà xưa... ngôi nhà của những đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng ở nông thôn miền đồng bằng Bắc bộ thời bao cấp.

Bởi cò là loài chim kiếm sống cạnh người nông dân từ khởi thủy. Người nông dân trồng lúa kiếm ăn trên mặt nước, con cò kiếm con tôm con tép cũng trên mặt nước. Người và cò ở canh nhau, thân phận giống nhau nên cuộc đời in bóng sang nhau.

Xin nhắc lại một số ca dao về thân phận cò, đời sống cò, tình cảm cò, giá trị cò. Tất cả đều là cảnh sống của con người… Rất nhiều những câu ru con, ru em một thời lai láng buồn cho thân phận con người trong hình bóng con cò tử tế mà luôn bị lép vế trước đời. Còn đây hình ảnh con cò ân tình với gia đình, ruột thịt, thương lắm:

“Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa, cò về?
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm em…”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh con cò trong bài ca dao được đưa vào sách giáo khoa

2. Cò hay ngủ ngọn tre, kiếm ăn trên mặt ruộng. Sống bầy đàn thân thiện với nhau. Không biết có phải chúng yếu đuối mà đi đâu cũng cần bầy đàn, nương dựa vào nhau. Bây giờ thì ít, chứ xưa trên cánh đồng, mỗi sáng cò bay về cả đàn có tới trăm con. Đàn cò di chuyển như dải mây trắng muốt trang điểm trên sắc xanh mơ màng của lúa. Có lúc về chiều tìm nơi ngủ đêm, bóng đàn cò in lên sườn núi lam vời vợi... Bóng dáng con cò là bóng dáng của sự thân thiện yên bình!

Thời tôi còn bé, thấy khi ngả ruộng cấy lúa, cò đến. Lúc bén chân làm cỏ, rồi khi lúa trổ đòng cò vẫn đến. Chỉ khi ruộng hết nước, lúa hoe đầu vào vụ thu hoạch, thì cò ra ao đìa mương rãnh vì ở đó mới còn tôm tép, món sở trường cho họ nhà cò.

Bây giờ trên cánh đồng lúa vẫn còn bóng cò thấp thoáng. Không còn bụi tre quanh làng thì cò về sâu trong núi. Cò chỉ yên tâm trú ngụ trên những đỉnh ngọn cao, nơi an toàn nhất..

Họ nhà cò có nhiều giống khác nhau. Cò trắng nhiều nhất, lông trắng tinh. Sau cò trắng có cò lửa lông màu gạch. Cò bợ trắng gio và cò hương có bộ lông ngả tím. Nhưng các giống nói trên giờ đây ít thấy.

3. Từ bao đời trước, người dân không ai ăn thịt cò. Bởi con cò cấu trúc cơ thể đặc biệt gầy nhẳng, thịt chẳng có, như kẻ đói ăn 4 mùa. Nhưng bây giờ thì đám người ăn nhậu xơi tất. Thịt cò thuôn hành dăm làm món ăn cũng thành tên trên menu nhà hàng. Con người bây giờ sâu bọ chẳng chê nữa là thịt cò!

Con cò cũng có lúc được người ta thuần hóa, nuôi thả trong nhà cho nó bắt ruồi chứ không nhốt lồng nhưng nó quấn quýt chẳng đi đâu. Nó là giống hiền lành, lặng lẽ, chẳng bao giờ đánh tiếng. Có những lúc buổi trưa trên đồng nước vắng lặng, mùa Đông cũng như Hè, người ta thấy cò chân co chân duỗi, đứng im như tượng, gà gật đánh giấc tạm. Có lẽ đó là bức tượng sống duy nhất từng có của loài chim gần với người nông dân nhất.

Con cò hiền lành chân chất thế mà sang thời kinh tế thị trường, người ta lại dùng nó để ám chỉ bọn người kiếm ăn vặt, buôn nước bọt, có khi thêm chất nửa ma cô, gọi là bọn “cò”. Không chỉ “cò đất” mà cò đủ mọi thứ.

Đau cho họ nhà cò, yếu ớt lép vế hoàn toàn trước cuộc sống thế mà cuối cùng tên giống loài cũng lại bị lợi dụng!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm