Tái thiết mái vòm Nhà thờ Đức Bà Paris: Những ý tưởng 'điên rồ'

30/05/2019 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kiến trúc sư khắp thế giới đã được mời đưa ra các ý tưởng cho cuộc thi thiết kế mái Nhà thờ Đức Bà Paris, sau khi công trình lịch sử này bị cháy toàn bộ phần mái vòm bằng gỗ hồi tháng 4. Và, hẳn nhiều người sẽ không tin vào mắt mình khi đọc những ý tưởng về phần mái vòm tương lai.

Thiết kế mới hay tái tạo tháp nhà thờ Đức bà Paris - Dự án gây tranh cãi

Thiết kế mới hay tái tạo tháp nhà thờ Đức bà Paris - Dự án gây tranh cãi

Sau vụ hỏa hoạn lớn thiêu rụi tháp nhà thờ Đức bà Paris 850 tuổi hồi giữa tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết nhà thờ nhất định được xây dựng lại “thậm chí đẹp hơn trước”.

Cần nhắc lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng mái và ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được tái xây dựng trong 5 năm, đúng thời điểm diễn ra Olympic Paris 2024.

Làm vườn trên mái…

Ngay sau đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo Pháp sẽ mở một cuộc thi thiết kế quốc tế cho tháp và mái của Nhà thờ Đức Bà, mang đến cho các kiến trúc sư cơ hội có một không hai trong cả một thế hệ. Dù chi tiết cụ thể của cuộc thi chưa được công bố nhiều, hàng loạt kiến trúc sư trên thế giới đã đưa ra đề xuất của mình.

Chú thích ảnh
Có đề xuất làm vườn trên mái

Điểm qua, nhiều thiết kế muốn dựng phần mái là hình một ngọn lửa che phủ chiếc lá bằng vàng, hoặc một tòa tháp chiếu rọi ánh sáng lên bầu trời. Cũng có đề xuất muốn ngọn tháp được làm với những nhịp cuốn và nhiều quả bóng.

Hoặc, có đề xuất lạ lùng rằng mái nhà thờ sẽ là một trang trại đô thị cho những người trồng cây, các sản phẩm thu hoạch được từ vườn cây này sẽ được bán tại khu chợ của nông dân, được tổ chức hàng tuần tại sân trước Nhà thờ. Rồi, cũng có đề xuất biến phần công trình này thành điểm tái tạo năng lượng.

Chú thích ảnh
Lại có đề xuất làm mới mái Nhà thờ trông như bộ đèn chùm

Tuy nhiên, Cameron Logan, phụ trách Chương trình Bảo tồn Di sản của trường Đại học Kiến trúc Sydney, cho rằng những đề xuất thiết kế này hướng đến kỷ nguyên Internet chứ không phải nhằm tạo nên một công trình có thể tồn tại hàng trăm thế kỷ khác.

Công trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà được bắt đầu vào năm 1163, thời điểm các tháp nhà thờ thường là những cấu trúc cao nhất trong một thành phố hoặc thị trấn, giúp cho người dân tìm được các phương hướng của mình. Nhưng giờ đây, tháp nhà thờ đã bị che khuất bởi nhiều tòa tháp bằng kính và tháp.

Chú thích ảnh
 Các máng xối của Nhà thờ được kiến trúc sư Eugene-Emmanuel Viollet-le-Duc bổ sung vào năm 1840

Hay xây mái vòm bằng kính?

Nhưng được nhắc tới nhiều nhất là ý tưởng từ Foster + Partners, công ty đã thiết kế lại tòa nhà lịch sử Reichstag ở Berlin (công trình này được bắt đầu xây dựng vào năm 1884 cho Đế chế Đức và năm 1933 đã bị hư hỏng nặng do bị đốt cháy). Công ty kiến trúc thuộc loại lớn nhất thế giới này đã đề xuất có sự can thiệp bằng kính và thép trên mái nhà thờ.

“Nhiều kiến trúc sư xuất sắc đã đưa ra ý tưởng. Nhưng tôi tin rằng đề xuất về một mái vòm bằng kính của công ty Foster + Partners là một sự bổ sung tuyệt vời về mặt biểu tượng cũng như thực tiễn”, Giáo sư Naomi Stead, nhà phê bình kiến trúc kiêm Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Nghệ thuật, Thiết kế và Kiến trúc Monash (Australia) nhận xét.

Chú thích ảnh
Có kiến trúc sư cho rằng mái lắp kính màu là cách giữ được nguyên bản của Nhà thờ

Nhìn chung, dự án cải tạo các công trình nổi tiếng trên thế giới luôn gây được sự quan tâm lớn của công chúng. Trong những cuộc tranh luận về các dự án này luôn có sự xung đột giữa 2 luồng ý tưởng: tái tạo công trình gốc hay chọn thiết kế mới mang hơi thở đương đại.

Nhìn vào dự án tái xây dựng mái và tháp Nhà thờ Đức Bà, người ta lại nhớ đến những công trình tái thiết ở một số nước châu Âu khác. Chẳng hạn, sau khi phát xít Đức san bằng khoảng 85% phần trung tâm cũ của Warsaw (Ba Lan) trong Thế chiến II, nhiều kiến trúc sư Ba Lan đã nhìn vào các bức tranh vẽ thành phố này từ thế kỷ 18 để lập ra bản thiết kế cho dự án tái thiết thành phố.

Tại Anh, trong suốt 20 năm, Mies van der Rohe, một trong những kiến trúc sư lớn nhất thế kỷ 20, đã nỗ lực không ngừng để xây dựng một tòa tháp hiện đại ở trung tâm London cổ kính, dù đề xuất của ông liên tục bị phản đối. Đặc biệt, hoàng tử xứ Wales khi ấy là người “nệ cổ” và gọi tòa tháp này là “một gốc cây bằng kính”.

Theo giáo sư Stead, “thời điểm đặc biệt của Nhà thờ Đức Bà trong quá khứ sẽ không bao giờ tái hiện. Các tòa nhà là chứng nhân đầu tiên cho những thay đổi và sự bổ sung khác nhau theo thời gian, và Nhà thờ Đức Bà cũng không nằm ngoài quy luật ấy”.

“Tôi biết có ý tưởng đề xuất nên tái xây dựng tháp Nhà thờ Đức Bà như cũ. Nhưng cần nhớ, công trình ấy không xây với công nghệ mà chúng ta sử dụng hiện nay. Chúng ta không làm mái bằng toàn bộ gỗ sồi”, giáo sư Stead nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng thời hạn 5 năm mà Tổng thống Macron có thể gây áp lực và tạo ra sự thiếu hiệu quả cho việc thiết kế và tái xây dựng mái nhà thờ.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm